Thành Đoàn TP.
Nhiều câu hỏi của thanh niên được Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự trực tiếp giải đáp. Ảnh:Vĩnh Yên |
Trách nhiệm chung
Bạn Nguyễn Thị Kim Vui (xã Cẩm An) nêu vấn đề của bản thân: “Tôi tốt nghiệp bằng khá đại học mầm non (Đại học Đà Nẵng), hai năm nay xoay xở xin việc vẫn chưa được. Thông qua buổi đối thoại này, xin hỏi các lãnh đạo có giải pháp nào giúp tôi?”. Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An đặt vấn đề với Phòng GDĐT thành phố: “Tôi được biết, hiện nay ngành mầm non, tiểu học của thành phố còn thiếu giáo viên với nhu cầu nhiều. Đề nghị Phòng GDĐT thành phố cho biết, trường hợp trên có giải quyết được không?”. Sau khi hội ý, ông Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GDĐT thành phố nói: “Bạn Kim Vui nên làm hồ sơ nộp lên Phòng GDĐT thành phố, phòng sẽ bố trí việc làm vào cuối năm nay”. Nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm cũng đề cập chuyện không tìm được việc làm. Ông Dung cho biết thêm, hiện nay việc thừa giáo viên THPT là tình trạng chung, và vấn đề này nằm ngoài tầm của Phòng GDĐT thành phố, vậy nên rất khó để giải quyết.
“Hiện nay ở Hội An chỉ còn 3 nghệ nhân giỏi về lợp ngói âm dương. Một ngày công của mỗi nghệ nhân tới hơn 1 triệu đồng. Thanh niên nào chịu học nghề này thành phố sẽ giới thiệu đến nghệ nhân để học nghề, sau này phục vụ cho thành phố trong phục dựng nhà cổ. Vậy có ai theo học nghề này?”. Đáp lại câu hỏi đó của Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự tại buổi đối thoại là sự im lặng của hàng trăm lao động thanh niên chưa có nghề hoặc chưa tìm được việc làm. |
Vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay cũng được các bạn trẻ quan tâm. Bởi hiện nay, thanh niên gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn chủ yếu dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, nguồn vốn cho thanh niên còn ít. Về vấn đề này ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay: “Hiện nay, nguồn vốn ủy thác của địa phương quản lý hơn 2,5 tỷ đồng, khá thấp so với các đơn vị khác”. Ông Dũng khuyến khích: “Các bạn thanh niên hãy mạnh dạn tự đăng ký vay vốn, thành lập tổ hợp tác tập thể từ 5 người trở lên và lập đề án gửi về Thành Đoàn, Tỉnh Đoàn để có cơ sở thẩm định cho vay vốn nhiều hơn”.
Ngoài những vấn đề liên quan đến nhu cầu, lợi ích của lao động, một số thanh niên còn quan tâm đến cơ chế đào tạo đội ngũ cán bộ; các cử nhân được phát triển đảng tại trường đại học, bộ đội xuất ngũ có trình độ đại học mà chưa có việc làm… Trước những thắc mắc đó, ông Nguyễn Sự đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường sớm lập danh sách những đối tượng trên, có thể chọn người đủ tiêu chuẩn đưa vào Đề án 500 của tỉnh (đề án Đào tạo cán bộ chủ chốt cấp xã phường). Đối với thanh niên là bộ đội xuất ngũ, ông Nguyễn Sự đề nghị đăng ký học các ngành nghề mà nhu cầu xã hội cần, đặc biệt là các nghề mà Hội An đang phát triển mạnh như nghề làm lồng đèn, pha chế đồ uống, thủ công mỹ nghệ… Nói về hướng giải quyết việc làm cho những trường hợp này, ông Sự nhấn mạnh: “Hội An là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp. UBND thành phố đã cấp đất, di dời dân, tạo cơ chế cho doanh nghiệp làm lợi, vậy các doanh nghiệp phải làm lợi lại cho nhân dân Hội An, đặc biệt là giải quyết việc làm cho lao động địa phương”.
Cần tay nghề hơn bằng cấp
Nói đến chuyện học nghề, Bí thư Thành ủy Hội An - Nguyễn Sự chia sẻ: “Thanh niên nên tìm hiểu nhu cầu của xã hội để định hướng học nghề, tìm việc làm cho mình chứ đừng nên quá ảo tưởng bởi đại học, cao đẳng”. Ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐ-TB&XH thành phố cho biết, các bạn trẻ có thể học nghề theo đề án dạy nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các hội đoàn thể xây dựng và triển khai. Hoặc có thể theo học tại các cơ sở, trường trung cấp, cao đẳng nghề đang hoạt động khá hiệu quả ở Hội An.
Sát sườn với thực tế địa phương, bạn Lê Thu Thủy (xã Cẩm An) đặt câu hỏi: “Hội An đang phát triển mạnh theo hướng du lịch, vậy lãnh đạo thành phố có kế hoạch hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên thành phố như thế nào?”. Ông Lê Viết Phúc cho biết: “Giai đoạn 2011 - 2013, Hội An đã đào tạo nghề cho gần 300 lao động, đa số là thanh niên và có khoảng 70% số lao động được dạy nghề đã có việc. Đối với thành phố hiện nay, nghề làm lồng đèn, thủ công mỹ nghệ đang có nhu cầu lớn, ngoài ra một số nghề như làm vườn, chăm sóc cây cảnh, nhân viên pha chế, đầu bếp… cũng có nhu cầu cao tại các công ty, nhà hàng, khách sạn tại Hội An”. Ông Phúc cũng chia sẻ thông tin tuyển dụng đối với ngành kế toán các hệ cao đẳng, trung cấp, kể cả đại học ở Hội An hiện nay có nhu cầu rất thấp. Cái đang cần nhưng lại thiếu là lao động có tay nghề.
Tham dự buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hội An thẳng thắn cho biết, về phía nhà tuyển dụng, doanh nghiệp ít có điều kiện đào tạo lại nghề, nên chỉ cần người biết việc chứ không quan tâm đến bằng cấp. Doanh nghiệp tuyển lao động bằng chính năng lực tay nghề qua thực hành thi tuyển, ai làm được việc thì nhận và được trả tiền công xứng đáng theo công sức họ bỏ ra. Các doanh nghiệp này còn cho biết, ở đơn vị của họ, không ít lao động phổ thông nhưng có tay nghề lương cao hơn cả người có bằng đại học, cao đẳng… Hiện tại các doanh nghiệp có nhu cầu cao về lao động có tay nghề nên khuyến khích thanh niên không có nghề, chưa có việc làm tìm hiểu nhu cầu của các công ty, sớm định hướng học nghề cho mình để có việc làm.
VĨNH YÊN