Đòn bẩy tài chính là lực đẩy quan trọng giúp người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Xác định thị trường chất lượng cao để hướng tới hỗ trợ cũng là hướng đi đúng đắn mà tỉnh đang hướng đến trong Đề án về chính sách hỗ trợ XKLĐ, được trình tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa IX.
Theo kết quả thu nhập thông tin cung lao động năm 2018, lực lượng lao động (LĐ) của tỉnh là hơn 871 nghìn người, LĐ đang làm việc hơn 868 nghìn người, số LĐ thất nghiệp, thiếu việc làm của tỉnh gần 25 nghìn người, đặc biệt là LĐ trong độ tuổi thanh niên đang làm việc trong các lĩnh vực phi chính thức còn lớn, việc làm, thu nhập không ổn định. Từ năm 2011 đến nay có 4.609 LĐ đi làm việc ở nước ngoài (trong đó 9 tháng đầu năm 2018 có 741 LĐ). Số LĐ của tỉnh đang làm việc ở nước ngoài là 2.428 người, trong đó Nhật Bản là 2.006 người, Hàn Quốc là 218 người, các thị trường khác là 204 người. Ước tính thu nhập hàng năm LĐ đi xuất khẩu gửi về khoảng 500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, công tác XKLĐ của tỉnh còn hạn chế vì LĐ còn khó khăn về kinh phí, vay hơn 50 triệu đồng phải thế chấp tài sản, quy định còn phức tạp nên nhiều LĐ đến phút chót không vay được vốn để đi XKLĐ. Từ năm 2015 đến tháng 8.2018 chỉ có 186 LĐ được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, mức vay bình quân là 48,77 triệu đồng. Trong khi đó chi phí bình quân để đi làm việc ở các thị trường thu nhập cao 100 - 150 triệu đồng (chưa tính các khoản tiền ký quỹ theo quy định). Đồng thời việc hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ cũng được đề xuất, nhằm nâng cao kỹ năng cho LĐ, nâng cao chất lượng nguồn LĐ. Hỗ trợ vốn vay để LĐ được đi làm việc ở thị trường chất lượng cao là trợ lực quan trọng cho LĐ của tỉnh trong điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn. Theo đề án, LĐ được vay mức tối đa 100 triệu đồng không cần thế chấp tài sản đối với hai thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, các thị trường còn lại mức vay hơn 50 triệu đồng phải thế chấp tài sản, áp dụng lãi suất cho vay như đối với hộ nghèo, thời hạn cho vay bằng thời hạn đi làm việc ở nước ngoài ghi trên hợp đồng, nhưng tối đa không quá 36 tháng.
Theo Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, đối tượng áp dụng trên là tất cả người LĐ có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh, không loại trừ các đối tượng được hưởng các chính sách của Trung ương. Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị không hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ, kiến thức cần thiết vì LĐ đi XKLĐ cần phải đóng góp trách nhiệm của bản thân, các đối tượng khác thuộc nhóm yếu thế như LĐ mất đất, hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... đã được các chính sách Trung ương hỗ trợ. Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị cần bổ sung chế tài xử lý nợ quá hạn để bảo toàn nguồn vốn vay của ngân sách nhà nước.
Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đồng tình với chính sách hỗ trợ tài chính cho người LĐ đi XKLĐ, vì người LĐ cần được vay vốn, thực tế nhiều LĐ đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc rất hiệu quả nhưng kinh tế gia đình không đủ để họ nộp kinh phí đi từ đầu. Bà Lộc đề nghị không hỗ trợ tiền học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, vì đó là tiền cho không, nên LĐ sẽ dễ ỷ lại, chủ quan.
Tại các phiên thảo luận ở kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh đang diễn ra, nhiều đại biểu HĐND cũng như lãnh đạo các địa phương hết sức đồng tình với chính sách hỗ trợ LĐ theo hướng tăng nguồn vốn vay như đề án đã nêu ra. Với LĐ của tỉnh, có nguồn chi phí ban đầu sẽ tạo đòn bẩy để đạt được mục tiêu đề ra của đề án là đưa 4.000 - 4.500 LĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong giai đoạn 2019 - 2021.
DIỄM LỆ