Đón cơ hội, vượt khó khăn

LÊ VŨ 31/12/2013 12:14

Năm 2014, dự báo tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Nam. Đi đôi với cơ hội là những thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, với nền tảng kết quả đạt được trong năm 2013 và lòng tin đã được xây dựng trong nhân dân, năm mới 2014 tràn đầy niềm tin bứt phá cho kinh tế - xã hội Quảng Nam.

Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Năm 2013 là năm bản lề thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các nhiệm vụ Đại hội Đảng lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Trong bối cảnh kinh tế cả nước và của tỉnh gặp không ít khó khăn, thách thức, song các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đã quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và các mục tiêu, nhiệm vụ đạt nhiều kết quả tích cực. Quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã tập trung xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển nhanh nguồn nhân lực có chất lượng; từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch kinh tế từ phát triển chiều rộng hướng vào phát triển chiều sâu, lấy phát triển kinh tế xanh, bền vững làm mục tiêu hướng đến.

Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu Công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) với quyết tâm cao, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tạo tiền đề cơ bản phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Nhờ đó, trong nửa nhiệm kỳ qua, kinh tế Quảng Nam có sự chuyển biến tích cực, đạt mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế - GRDP bình quân 3 năm (2011 - 2013) đạt 11,75%; tổng thu nội địa tăng bình quân khoảng 16%/năm, từ 2.770 tỷ đồng năm 2010 lên khoảng 4.325 tỷ đồng năm 2013. Đặc biệt, trong vòng 3 năm qua, cùng với Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, nhân dân đã đóng góp nguồn lực không nhỏ trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhờ đó tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng bình quân hơn 9%/năm.

Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, tạo lập tiền đề cơ bản để Quảng Nam trở thành tỉnh công nghiệp. Nếu năm 2010 tỷ trọng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản là 22,44% thì đến năm 2013 giảm xuống còn 17,17%; tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 39,39% lên 42,28% và tỷ trọng của các ngành dịch vụ tăng từ 38,17% lên 40,54%.

Nhận diện thách thức

Xây dựng lòng tin
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng thời gian qua cho thấy vai trò, trách nhiệm, năng lực của người đứng đầu đơn vị, tổ chức ngày càng nâng cao. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận được kịp thời giải quyết như quản lý tài nguyên rừng, quản lý đất đai và ngân sách, giải quyết nạn ô nhiễm môi trường… Việc tập trung mạnh trong công tác xây dựng Đảng, nhất là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… đã xây dựng lòng tin trong quần chúng, đảng viên, các tổ chức cơ sở đảng ở cấp cơ sở.

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 (khóa XX) đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2013 của Tỉnh ủy, thông qua Nghị quyết về phướng hướng, nhiệm vụ năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế từ năm 2013 “chuyển sang” và cả những thách thức mới có thể ảnh hưởng, “kéo” chậm sự phát triển chung của tỉnh trong năm 2014. Những hạn chế được chỉ rõ và đặt trách nhiệm đầu tiên lên công tác quản lý Nhà nước, một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa có những giải pháp kịp thời, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cũng như công tác thanh tra, giám sát.

Trong khi đó, một điều đã được nhìn thấy từ lâu, nhưng luôn được nhắc đến bởi chưa thể giải quyết, đó là: “Nền kinh tế Quảng Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế”. Năng lực cạnh tranh của Quảng Nam còn hạn chế, chưa tạo được các trung tâm công nghiệp, dịch vụ thực sự quy mô. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch còn chậm, năng suất thấp (năm 2010 tỷ trọng của khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản là 22,44% đến năm 2013 giảm xuống còn 17,17%); sản phẩm công nghiệp có thương hiệu cạnh tranh còn thấp; du lịch là thế mạnh nhưng quy mô còn hạn hẹp. Chiến lược ngành mũi nhọn, thu hút đầu tư FDI và Khu Kinh tế mở Chu Lai đang chịu sức ép cạnh tranh, có nguy cơ tụt hậu với các khu kinh tế trong khu vực đang triển khai các dự án lớn...

Nhìn rộng ra khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), năng lực cạnh tranh nền kinh tế, quy mô, tốc độ chuyển dịch của Quảng Nam chỉ ở mức trung bình khá. Xét trên góc độ quy mô kinh tế, năm 2012 GRDP Quảng Nam đạt 38.005 tỷ đồng, đứng thứ 4 trong khu vực (chỉ hơn quy mô kinh tế của Thừa Thiên Huế). Bên cạnh đó, quy mô kinh tế một số tỉnh có điểm xuất phát lớn hơn so với Quảng Nam. Ngoài ra, do chịu tác động chung của khủng hoảng kinh tế thế giới và khó khăn trong nước, số dự án FDI có vốn lớn đăng ký vào Quảng Nam hầu như không có trong giai đoạn 2011 - 2013, việc thực hiện cắt giảm đầu tư công của Chính phủ, thị trường xuất khẩu hàng hóa bị thu hẹp, nhu cầu nội địa không cao... cũng là những thách thức không nhỏ đối với Quảng Nam trong thời gian tới.

Bứt phá

“Toàn tỉnh đã nỗ lực trong điều kiện có nhiều thách thức. Từ trong khó khăn, Quảng Nam đã biết kế thừa thành quả, mạnh dạn đầu tư và đã đầu tư đúng hướng vào lĩnh vực công nghiệp, du lịch - dịch vụ. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, an sinh xã hội, nâng cao năng lực cộng đồng, ổn định đời sống nhân dân… Kết quả đó có được từ việc biết huy động sức mạnh nội lực, sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ”.
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải)

Triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển trong năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng, dù chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, nhưng kết quả đạt được của năm 2013 là nỗ lực rất lớn của toàn tỉnh. Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra 11,5% trong năm 2014 hoàn toàn có cơ sở đạt được. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định: “Năm 2014, sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, xác định mục tiêu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, không hiệu quả; tăng cường thu hút đầu tư phát triển sản xuất; ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển tương xứng, chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội…”.

Trên nền tảng kết quả đạt được của năm 2013 và những khó khăn thách thức đã được nhận diện, để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2014, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải yêu cầu các cơ quan, ngành, đơn vị khi đề xuất công trình đầu tư xây dựng cần có sự nghiên cứu, tính toán, tránh gây thêm áp lực cho ngân sách chung; tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông, y tế, giáo dục. Đặc biệt, chú trọng thực hiện tốt công tác cán bộ, trọng dụng nhân tài, bố trí cán bộ đúng người đúng việc, có thực lực, thực tài; tiếp tục tổ chức thi tuyển một số chức danh lãnh đạo để lựa chọn người có năng lực, lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo hiệu quả phục vụ của bộ máy công quyền. Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải đặc biệt quan tâm. “Phát triển kinh tế - xã hội miền núi là chiến lược lâu dài nhưng phải mang tính bền vững và hiệu quả. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc nhưng cần chú ý giữ bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc, giữ được hệ sinh thái, giữ đất, giữ rừng. Trong đó, phải giải quyết được bài toán tái định cư, có đất sản xuất cho nhân dân ổn định cuộc sống; quản lý bảo vệ rừng gắn với phát triển cây cao su. Kiên quyết xử lý tình trạng di cư tự do làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội” - đồng chí Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Với các giải pháp tập trung thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội và sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh cùng những thành tựu đạt được trong năm qua… sẽ là những thuận lợi cơ bản để Quảng Nam tạo sự bứt phá trong năm 2014, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 14 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 (khóa XX) và Nghị quyết HĐND tỉnh (khóa VIII) tại Kỳ họp thứ 9 đã đề ra.

LÊ VŨ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đón cơ hội, vượt khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO