Quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tại Đông Giang đã, đang đối mặt với những khó khăn thách thức, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, ngành chức năng và cả cộng đồng.
Thách thức
Công tác QLBVR và phòng chống cháy rừng trên địa bàn huyện Đông Giang đã được chú trọng thực hiện. Đơn cử năm 2018, Đông Giang đã tổ chức 300 lần tuyên truyền lưu động tại 95 thôn của 11 xã, thị trấn và 375 lượt tuyên truyền tại chỗ nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng trong nhân dân. Cạnh đó, các hạt kiểm lâm, ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ cùng với Công an huyện tiến hành 310 đợt tuần tra, truy quét đối tượng khai thác lâm, khoáng sản trái phép. Việc phối hợp QLBVR, phòng cháy chữa cháy rừng vùng giáp ranh, hay như phát triển rừng cũng đạt nhiều kết quả phấn khởi.
Tuy nhiên, công tác QLBVR vẫn đang đặt ra rất nhiều thách thức cho địa phương. Thống kê của huyện Đông Giang cho biết, năm 2018 trên địa bàn các xã Ba, Tà Lu và Mà Cooih xảy ra 3 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng phải khởi tố trách nhiệm hình sự. Còn theo BQL rừng phòng hộ Sông Kôn, cũng năm vừa qua, trên lâm phận do đơn vị quản lý đã phát hiện và lập biên bản 50 vụ vi phạm về khai thác lâm sản, lấn chiếm đất rừng trái phép. Vi phạm QLBVR tại Đông Giang được lý giải bởi nhiều nguyên nhân. Mà trước hết, đời sống người dân miền núi còn khó khăn, trình độ dân trí hạn chế; không ít hộ chủ yếu dựa vào rừng để mưu sinh, rồi bị mua chuộc, lôi kéo, tiếp tay cho đối tượng làm ăn phi pháp. Cạnh đó, nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng cao khiến đối tượng từ nơi khác đến khai thác, mua bán nhằm thu lợi nhuận bất chính.
Phân tích rõ hơn về bất cập, BQL rừng phòng hộ Sông Kôn cho rằng, địa bàn sinh sống của các nhóm trong thôn không phù hợp với vị trí rừng nhận khoán ngoài thực địa theo ranh giới truyền thống. Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại lưu vực thủy điện An Điềm I, II chỉ với đơn giá 180 nghìn đồng/ha/năm. Có thể nói, mức chi trả nhận khoán quá thấp này khó thu hút sự quan tâm của người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh bày tỏ, do thiếu đất sản xuất, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu gỗ rừng trồng cao nên người dân tự ý lấn chiếm rừng tự nhiên để làm nương rẫy. Khâu tuần tra, xử lý vi phạm gặp rất nhiều trở lực bởi diện tích rừng tự nhiên lớn, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhất là khu vực giáp ranh với các huyện Nam Giang, Hòa Vang (Đà Nẵng), A Lưới (Thừa Thiên Huế). Trong khi đó, việc sắp xếp nhiều đơn vị QLBVR trên cùng một địa bàn còn bất cập, điều hành chồng chéo; một số kiểm lâm địa bàn chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình.
Cần giải pháp mạnh
Để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, UBND huyện Đông Giang vừa qua đã tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng, UBND các địa phương phối hợp cùng Mặt trận, đoàn thể triển khai thực hiện. Đi kèm theo đó, công tác kiểm tra, giám sát, quản lý địa bàn cần phải được tăng cường để không xảy ra điểm nóng về phá rừng, khai thác và vận chuyển lâm sản trái phép; đồng thời điều tra xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng trái phép… Tổng cộng, huyện đề ra 3 giải pháp chính về QLBVR, phát triển rừng trồng và nguồn vốn nhằm triển khai thực hiện. Như vậy, ngoài vận dụng các kênh truyền thông thông qua các hoạt động văn hóa cộng đồng giúp người dân hiểu và tuân thủ đúng quy định của Luật Lâm nghiệp; hệ thống cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phân theo địa phương và các chủ rừng, kế hoạch giám sát, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng theo từng năm sẽ quan tâm xây dựng. Nhằm tránh tình trạng tranh chấp, việc cấp quyền sử dụng đất hợp pháp đối với hộ có rừng, có nương rẫy đã khai hoang từ lâu để hợp thức hóa thủ tục về đất đai là một cách làm. Huyện cũng sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các dự án về rừng và sinh kế cho người dân.
Xã Tư là điểm sáng giải quyết sinh kế cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả QLBVR nên cần được nhân rộng. Ở xã này, người dân rất tích cực trồng cây chè dây Ra zéh trong vườn nhà, vườn đồi, khoanh nuôi dưới tán rừng được giao quản lý, bảo vệ; phối hợp với chủ rừng trồng 30ha mây dưới tán rừng tại thôn Nà Hoa. Sở hữu rừng sản xuất hơn 1.800ha, địa phương vận động người dân chuyển hóa rừng trồng, trồng rừng gỗ lớn, sử dụng các giống keo có giá trị kinh tế cao nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích. Ngoài ra, đồng bào được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay để xây dựng mô hình phát triển kinh tế, cùng nhiều chương trình thiết thực khác với đời sống.
Với giải pháp về nguồn vốn, huyện xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển lâm nghiệp bền vững, hướng tới cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC. Đông Giang còn xây dựng đề án hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2018 - 2020 trình UBND tỉnh và Trung ương bố trí nguồn vốn để hỗ trợ người dân trồng rừng. Về phát triển rừng trồng, ông Hồ Quang Minh cho hay, huyện luôn đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân đầu tư phát triển trồng rừng gỗ lớn; xây dựng kế hoạch và chiến lược hợp tác trồng rừng gỗ lớn giữa người dân và doanh nghiệp để đáp ứng về sản phẩm và tăng thu nhập cho người trồng rừng.