(QNO) - “Tôi còn nhớ rõ trước khi ngừng súng ở Sài Gòn, nghĩa là trước ngày 30-4-1975, từ Hà Nội đã phát ra thông tin chỉ đạo phải chú ý vấn đề hòa hợp, hòa giải”.
Ông Vũ Ngọc Hoàng |
Ông Vũ Ngọc Hoàng (ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương) nói như trên trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước, Báo Quảng Nam xin phép trích đăng.
Ông Hoàng cũng bộc bạch rằng: 40 năm đã trôi qua, quãng thời gian được tính bằng những thế hệ đời người, bây giờ là lúc cả dân tộc cần chung tay kiến tạo một nước Việt Nam phát triển, đủ nội lực để bảo vệ giang sơn mà cha ông để lại, để nước Việt dứt khoát mãi mãi là một quốc gia thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
“Bao nhiêu việc đáng tiếc”
* Thưa, nhìn lại 40 năm, ông cảm nhận khoảng thời gian đó ngắn hay dài?
- So với lịch sử dân tộc thì 40 năm không là bao, nhưng 40 năm cũng dài lắm đấy. Dài so với đời người và dài so với tốc độ công nghiệp ngày nay. Đã có một số nước hoàn thành công nghiệp hóa và vượt qua thu nhập trung bình để lên thu nhập cao trong vòng 30 năm.
“Thời gian là lực lượng”. Lực lượng đó chúng ta đã sử dụng đến đâu? Nếu nói về thành tựu thì khá nhiều, không thể phủ nhận, nhưng cũng phải thấy rằng đã có những khoảng thời gian và việc làm lãng phí.
Bây giờ thống kê lại sẽ thấy chúng ta đã làm được nhiều việc. Từ chỗ thiếu lương thực, đi xin viện trợ, hiện nay ta là một trong hai nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.
Từ chỗ thiếu ngân sách trầm trọng, cân đối bằng viện trợ là chính, nay tuy còn bội chi nhưng nhìn lại ta đã đi được một bước dài, đất nước đã thay da đổi thịt nhiều không chỉ về kinh tế mà các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế...
Nhưng theo tôi, 40 năm mà làm được như thế còn ít quá. Bao nhiêu việc đáng tiếc.
Có những việc giá như chúng ta có cách làm tốt hơn để tập hợp và khơi dậy sức dân hơn, như cải tạo công thương nghiệp, như hợp tác hóa giai đoạn đầu...
Độc lập và thống nhất đất nước là sự nghiệp vĩ đại của nhân dân ta. Từng có thế lực không muốn ta thống nhất, thậm chí còn tìm cách ngăn cản sự thống nhất đó. Có người khuyên chúng ta “chổi ngắn không nên quét xa”. Khi chúng ta đang nỗ lực chấm dứt một cuộc chiến tranh, có thế lực đã âm mưu một cuộc chiến tranh khác ở biên giới Tây Nam. Hiểu lịch sử như vậy để mỗi người Việt Nam hôm nay càng phải cố gắng nhiều hơn, từ vị trí của mình góp tay xây dựng đất nước như lời dặn của người xưa: "Thái bình nên gắng sức Non nước ấy ngàn thu" Ông Vũ Ngọc Hoàng |
* Phải chăng vì vậy nên có ý kiến cho rằng trong thành tựu của đổi mới có những việc thực chất là sửa sai? Còn vận nước lúc này, thưa ông?
- Đúng là có ý kiến đó. Và ý kiến đó không phải hoàn toàn vô lý. Trong đổi mới có sửa sai, trong sửa sai có đổi mới. Cuộc sống biện chứng như vậy.
Nhân đây, tôi xin chia sẻ suy nghĩ mà tôi đã có một số dịp đề cập đến trước đây, đó là sau 30 năm đổi mới, thế nước, vận nước sẽ thay đổi theo hướng tốt lên nhiều nếu trong thời điểm này mọi người cùng đồng lòng quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách căn bản, toàn diện, đồng bộ và đúng hướng.
TP.HCM 40 năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu. |
Bối cảnh thế giới hội nhập đang cho ta khả năng sử dụng sức mạnh của thời đại để tạo ra cơ hội, vận mệnh tốt cho chính mình. Và ngược lại, nếu bỏ lỡ thời cơ, để thời gian trôi đi thì chúng ta tiếp tục tụt hậu.
Không mạnh dạn đổi mới, để tham nhũng, lợi ích nhóm hoành hành thì suy thoái, tự mình làm cho vận nước xấu đi. Điều đó do con người tạo nên cả chứ không phải do trời đất hay thời thế ban tặng...
Vận mệnh đất nước, theo cách hiểu của tôi, không phải ngẫu nhiên đâu. Có lúc tưởng như ngẫu nhiên nhưng cái ngẫu nhiên đó cũng là do con người tạo ra, tích tụ trong thế giới vận động của con người mà tạo thành thời cơ, vận hội.
Có nghĩa là hoàn toàn có thể có vận nước tốt nếu ta biết kiến tạo, nếu ta biết chủ động nắm bắt xu thế phát triển, biết đẩy thế nước đi lên.
“Nói khúc trước là được rồi”
* Trong những dịp kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, nhiều người thường nhắc đến phát biểu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về vấn đề thực tâm hòa giải, hòa hợp để nhân lên sức mạnh dân tộc. Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Tôi còn nhớ năm 1985, đồng chí Võ Chí Công (nguyên chủ tịch Hội đồng Nhà nước) vào Quảng Nam - Đà Nẵng trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày thống nhất đất nước.
Lúc bấy giờ bài phát biểu được chuẩn bị trước của đồng chí có đoạn: “Quảng Nam trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”, đến khi phát biểu trực tiếp đồng chí chỉ nói: “Quảng Nam trung dũng kiên cường” mà không nói vế sau.
Lúc bấy giờ có người thắc mắc thì đồng chí trả lời đại ý rằng: việc đó trước đây nói là đúng, ta tiêu diệt quân xâm lược chứ không phải Mỹ nói chung, còn bây giờ trở đi mình dần dần rồi cũng phải làm ăn bình thường với người ta, nói khúc trước là được rồi.
Đó là tầm nhìn của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong chủ trương khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, và đó là với nước ngoài.
Còn người trong một nước? Tôi còn nhớ rõ trước khi ngừng súng ở Sài Gòn, nghĩa là trước ngày 30-4-1975, từ Hà Nội đã phát ra thông tin chỉ đạo phải chú ý vấn đề hòa hợp, hòa giải.
Tôi nghe rất nhiều đồng chí ở miền Nam thuộc thế hệ cha anh kể lại và bản thân cũng trực tiếp chứng kiến việc khi chuẩn bị nổ súng tiến công giải phóng miền Nam, cấp trên đã phổ biến tinh thần dứt khoát không được trả thù, phải quán triệt chủ trương hòa giải, hòa hợp dân tộc.
* Lúc bấy giờ chủ trương hòa giải, hòa hợp đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Trên bình diện toàn miền Nam thì tôi không có đủ thông tin, nhưng với những gì tôi biết thì chủ trương đó được thực hiện rất nghiêm.
Sau giải phóng ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) có một cán bộ của ta về tiếp quản và làm chủ tịch xã. Ông này là người địa phương, trước giải phóng, mẹ của ông bị một tên ác ôn phía bên kia bắn chết trước cửa nhà một cách rất tàn ác, lúc đó ông còn bé nên chui xuống gầm giường trốn thoát.
Khi quay trở về, ông gặp lại người bắn chết mẹ mình và không kìm nén được ông đã bắn để trả thù... Ngay lập tức tổ chức gọi ông lên đình chỉ sinh hoạt Đảng, sau đó là khởi tố và bị tù một thời gian.
Rõ ràng ngay từ đầu lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã có tầm nhìn đúng về hòa hợp dân tộc, và đã xử lý nghiêm bất cứ ai vi phạm chủ trương này.
Tiếc là về sau có lúc, có nơi, có việc thực hiện không nhất quán.
Cũng do hoàn cảnh lịch sử, sau giải phóng có những chủ trương được tiến hành trong tinh thần phải nâng cao cảnh giác như chúng ta đã biết.
Ví dụ liên quan đến lý lịch những người từng tham gia chế độ cũ. Cảnh giác thì không thể nói là không cần thiết nhưng quan trọng nhất là xem xét kỹ con người cụ thể.
Nghiên cứu lịch sử nước Mỹ, chúng ta biết rằng khi cuộc chiến trong lòng nước Mỹ kết thúc, tổng thống Lincoln và tướng Grant của bên thắng trận đã có những phát biểu và chủ trương cụ thể để hòa giải, để tất cả người Mỹ dù từng ở bên nào hãy cùng yêu nước Mỹ.
Mỗi dân tộc có một hoàn cảnh lịch sử riêng, không thể so sánh và ở đây tôi hoàn toàn không có ý liên hệ nào, nhưng phải chăng lịch sử không riêng của dân tộc nào luôn có những câu chuyện ý nghĩa.
Bây giờ là lúc cả dân tộc cần chung tay
* Việt - Mỹ từ cựu thù đã trở thành đối tác toàn diện. Ông trả lời như thế nào về một số ý kiến nói rằng việc hòa giải giữa hai quốc gia dường như đi nhanh hơn là giữa những người Việt với nhau?
- Đây là hai việc khác nhau nên khó có một câu trả lời chung. Ta và nước ngoài dù là đối tác toàn diện, chiến lược thì vẫn là hai; còn trong nước thì đã là một, dù vết thương chưa hoàn toàn lành hẳn.
Không riêng nước ta mà bất cứ nước nào đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của bối cảnh quan hệ quốc tế, đi nhanh hay chậm là cách nói mà thôi, muốn cắt nghĩa đúng thì không thể thoát ly khỏi bối cảnh trong nước và quốc tế từng giai đoạn cụ thể.
40 năm đã trôi qua, quãng thời gian được tính bằng những thế hệ đời người, bây giờ là lúc cả dân tộc cần chung tay kiến tạo một nước Việt Nam phát triển, đủ nội lực để bảo vệ giang sơn mà cha ông để lại, để nước Việt dứt khoát mãi mãi là một quốc gia thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Về hòa giải, hòa hợp dân tộc, tôi nghĩ rằng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những tư duy sớm và đúng về chuyện này.
Theo đó, vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành để không phải thỉnh thoảng lại bị đau nhức.
Tất nhiên đây không phải là chuyện cào bằng, những con người, những gia đình hi sinh xương máu cho độc lập dân tộc và thống nhất đất nước thì phải nghìn đời trân trọng và biết ơn.
(Theo Tuổi Trẻ/ĐÀ TRANG - VÕ VĂN THÀNH thực hiện)