Đong đưa nhịp gùi...

LĂNG A CÚI 19/07/2013 08:43

Từ lâu chiếc gùi trở thành vật dụng không thể thiếu trong đời sống của đồng bào vùng cao, được xem như nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt cộng đồng. Có dịp đến các bản làng hay dừng chân trên cánh đồng bậc thang dọc con đường Trường Sơn huyền thoại sẽ bắt gặp nhịp gùi đong đưa của những phụ nữ bên sườn đồi...

1.Con đường huyết mạch ĐT604 lên hai huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang phủ màu xanh rừng tràm, vi vu gió. Từ Dốc Kiền ngược lên thị trấn P’rao (Đông Giang), leo qua vài con dốc “cổng trời” dựng đứng và bắt gặp những phụ nữ Cơ Tu đong đưa theo nhịp gùi, nghiêng nghiêng trên những triền đồi đầy nắng gió.

Một nghệ nhân cần mẫn đan gùi.
Một nghệ nhân cần mẫn đan gùi.

Dừng chân trên chiếc cầu treo bắc qua thôn Bhơ Hôồng 1 (xã Sông Kôn, Đông Giang), gặp già làng Bh’nướch Bảo vừa đi rẫy về. Chúng tôi vào gươl để nghe già kể chuyện về nét đẹp trong văn hóa gùi của đồng bào Cơ Tu. Già Bảo cho biết, cũng như các dân tộc thiểu số khác, đồng bào Cơ Tu có trên 10 loại gùi với nhiều mẫu mã khác nhau như h’dool, pr’eng, p’rôm, adong kiêr, adong mặt, achuy, arê, tà-léc… và đều được đan bằng chất liệu mây rừng. Ở mỗi loại gùi, người Cơ Tu dùng với từng công việc, mục đích khác nhau như h’dool dùng để đựng thóc lúa; pr’eng dùng đựng thuốc lá, cau trầu; hay p’rôm dùng đựng thổ cẩm may mặc… Do vậy, việc đan chiếc gùi to hay nhỏ, vành kín hay hở đều phụ thuộc vào mục đích sử dụng.

Ngoài tà-léc dành riêng cho đàn ông, còn lại các loại gùi khác đều của phụ nữ, như một công cụ để lên nương rẫy, đựng nông sản, vật dụng gia đình hoặc những người thân quen làm quà biếu cho nhau. Cũng theo già Bảo, ngày xưa đàn ông Cơ Tu đều biết đan gùi và học đan từ nhỏ. Việc đan gùi không phải bắt buộc nhưng lại như một quy ước chung của tộc người Cơ Tu bởi họ rất xem trọng những người đàn ông biết đan lát, đàn bà giỏi thêu thùa, may vá. Để hoàn thành một chiếc gùi, người thợ phải cất công lặn lội trong rừng sâu tìm những sợi mây đẹp, thẳng đưa về. Sau đó, cắt thành từng khúc từ 3 - 4m rồi chẻ thành 4 miếng dài, cột căng vào gốc cây và “ủ” trên giàn bếp khoảng 2 tuần trước khi lấy đan. Mỗi đoạn mây có thể đan từ 2 - 3 vòng gùi theo phương thức “thắt, buộc” giữ vòng đan và mất khoảng một tuần lễ.  “Đàn ông Cơ Tu sau khi lấy vợ cũng tự tay đan những chiếc gùi đẹp nhất, giá trị nhất dành tặng cho mẹ vợ - một nét văn hóa độc đáo vẫn được đồng bào gìn giữ” - già Bảo nói.

Chiếc gùi trở thành vật dụng gắn với phụ nữ vùng cao.Ảnh: LĂNG A CÚI
Chiếc gùi trở thành vật dụng gắn với phụ nữ vùng cao.Ảnh: LĂNG A CÚI

2.Ngược lên thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang), già làng C’lâu Nâm được xem là “bậc thầy” về đan lát và điêu khắc nghệ thuật. Gặp ông khi ánh chiều đã tắt trên nóc gươl làng. Học nghề đan gùi từ khi lên 10 tuổi, già Nâm cho biết chính người cha của mình đã truyền kinh nghiệm và thắp lửa để ông biết cách đan các loại gùi, gìn giữ văn hóa truyền thống. Già Nâm bảo, ngày xưa những chàng trai Cơ Tu giỏi đan gùi và chơi nhạc cụ truyền thống thường được nhiều người yêu mến. Có nhiều trường hợp, dù nhà nghèo nhưng những đàn ông Cơ Tu giỏi đan lát, chơi đàn hay đã lấy được vợ mà không tốn nhiều của cải theo tục thách cưới trước đây. “Ngày nay, do nhu cầu của cuộc sống, nhiều người thợ đan gùi thường chỉ nhận đan để bán lấy tiền, trang trải cuộc sống mưu sinh. Trung bình mỗi chiếc gùi được bán với giá từ 300 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng, tùy theo từng loại gùi và tay nghề người thợ” - già Nâm nói .

Theo ông Bh’riu Liếc - Bí thư Huyện ủy Tây Giang, gùi của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Cơ Tu nói riêng không chỉ là vật dụng trong sinh hoạt đời thường mà còn là nét văn hóa độc đáo, thể hiện tài năng của người đàn ông, con trai. Tuy nhiên, ông Liếc cũng trăn trở hiện nay ngày càng có ít người trẻ biết đan lát, thêu thùa… khiến văn hóa bản địa dần bị mai một.  

Chiều, nắng dần tắt sau ngọn núi cao phía thượng nguồn. Thấp thoáng trên vạt đồi về bản, những phụ nữ Cơ Tu trở về sau buổi lên nương. Nhịp gùi đong đưa trên vai nhẹ…

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đong đưa nhịp gùi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO