Đông Giang: Bước chuyển trong giảm nghèo

ALĂNG NGƯỚC 06/06/2019 15:03

Những năm qua, bên cạnh tập trung hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Đông Giang còn chú trọng đến công tác đầu tư cở sở hạ tầng, đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp và du lịch, tạo bước chuyển trong công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Mô hình trồng chè dây razéh, lòn bon... giúp nhiều hộ đồng bào vùng cao Đông Giang ổn định kinh tế. Ảnh: A LĂNG NGƯỚC
Mô hình trồng chè dây razéh, lòn bon... giúp nhiều hộ đồng bào vùng cao Đông Giang ổn định kinh tế. Ảnh: A LĂNG NGƯỚC

Những vùng đất chuyên canh

Sau những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS, Đông Giang đang dần thành công với các dự án từ vùng đất chuyên canh nông - lâm nghiệp gắn với khu chăn nuôi gia súc tập trung. Hiệu quả từ các mô hình trồng chuối mốc, lòn bon, ớt ariêu, chè dây razéh,… theo hướng mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa đặc trưng đã giúp nhiều hộ đồng bào vùng cao dần thoát nghèo một cách bền vững, với thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Qua 5 năm thực hiện “Quyết tâm thư” của Đại hội đại biểu các DTTS huyện Đông Giang lần thứ II, tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện đạt hơn 925 tỷ đồng, tăng bình quân mỗi năm 10,07%; giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đạt hơn 4.456 tỷ đồng, tăng 11,43%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 1.156 tỷ đồng, tăng bình quân 19,77%/năm. Ngoài ra, từ chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, huyện Đông Giang đã thực hiện di dời 392 hộ với tổng nguồn vốn 20,2 tỷ đồng... Mục tiêu đến năm 2024, Đông Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng/người/năm và nâng độ che phủ rừng lên khoảng 65%.

Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, những năm qua, cùng với đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, huyện còn xây dựng chiến lược và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với mô hình chăn nuôi gia súc tập trung, phù hợp theo từng điều kiện thực tế ở mỗi vùng.

Theo đó, ngoài mở rộng đầu tư phát triển chè dây razéh tại xã Ba và xã Tư với 32ha; ớt ariêu ở Ma Cooih khoảng 5,2ha; nhiều địa phương khác như Sông Kôn, Jơ Ngây, Kà Dăng… cũng được chọn làm các điểm chuyên canh trồng chuối mốc, chuối lùn, cùng một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đến nay, trên địa bàn đã hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô lớn như: 620ha cây cao su tại xã Ba và xã Tư; 15.000ha cây keo nguyên liệu và trồng thâm canh hơn 750ha chuối với năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha.

“Chúng tôi mở rộng hơn 200ha diện tích chè tập trung tại xã Ba và xã Tư, với năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha/năm. Đồng thời phát triển trồng khoảng 792ha mây dưới tán rừng, năng suất bình quân đạt 5 - 6 tấn/ha và phát triển diện tích trồng cây lòn bon bản địa hơn 11,3ha, cùng một số cây dược liệu dưới tán rừng theo cơ chế hỗ trợ của UBND tỉnh, bước đầu đem lại kết quả khả quan” - ông Minh cho biết thêm.

Từ chủ trương của huyện, nhiều địa phương đã áp dụng lồng ghép các nguồn vốn và hỗ trợ trực tiếp cây giống, con vật nuôi giúp đồng bào khó khăn trên địa bàn có thêm điều kiện mở rộng đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống lâu dài. Nhờ vậy, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 29,43%; bình quân mỗi năm giảm 5%, với thu nhập bình quân đầu người đạt 22,3 triệu đồng, vượt chỉ tiêu đề ra tại báo cáo chính trị Đại hội đại biểu các DTTS lần II - năm 2014.

 

Cơ hội chuyển mình

Ông Phạm Quốc Phòng - người dân thôn Đha Nghi (xã Tư) cho hay, sau nhiều năm thực hiện chủ trương đầu tư phát triển mô hình trồng chè dây razéh đã giúp gia đình đổi đời, xây dựng được cơ ngơi khang trang, với tổng diện tích chè dây trồng được hơn 1ha.

“Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch chè dây razéh 4 đợt, với tổng sản lượng khoảng 20 tấn chè tươi. Trung bình chè tươi có giá bán trên thị trường hơn 20 nghìn đồng/kg và chè khô qua sơ chế hơn 90 nghìn đồng/kg. Sau khi tính toán các khoản chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu về ước hơn 300 triệu đồng” - ông Phòng chia sẻ.

Ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, hiệu quả bước đầu từ các mô hình phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng tập trung thời gian qua, cùng với áp dụng đầu tư các mô hình chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, huyện Đông Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống và các điểm tham quan di tích lịch sử, sinh thái tự nhiên.

“Bên cạnh ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và các dự án sản xuất giống cây nông - lâm nghiệp công nghệ cao, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực kêu gọi đầu tư vào các dự án trồng rừng công nghệ cao, cây gỗ lớn và cây dược liệu dưới tán rừng. Ngoài ra, hiệu ứng từ du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang, chúng tôi kỳ vọng tới đây, các dự án du lịch suối nước nóng A Păng ở xã Sông Kôn và dự án khu du lịch Tây Bà Nà cũng sẽ tiếp tục được đầu tư, mở ra cơ hội phát triển mới cho đồng bào vùng cao Đông Giang” - ông Hươm nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang: Bước chuyển trong giảm nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO