Gần đây, huyện Đông Giang không chú trọng mở rộng diện tích rừng sản xuất mà tiếp cận hướng đầu tư nâng cao chất lượng rừng và chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.
Bình quân mỗi năm, ngân sách huyện Đông Giang bố trí từ 1,5 - 2 tỷ đồng cho việc hỗ trợ người dân nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng, chủ yếu tập trung đầu tư trồng rừng gỗ lớn.
Phòng NN&PTNT huyện Đông Giang thống kê, từ năm 2016 đến nay, diện tích rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn thực hiện hơn 1.800ha, đồng thời địa phương đã chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn với quy mô 15ha. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng mô hình trình diễn trồng rừng gỗ lớn 42ha để người dân học tập, tiếp thu kinh nghiệm. Để huy động tối đa nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển rừng gỗ lớn hướng đến cấp chứng chỉ quốc tế về quản lý rừng bền vững (FSC), chính quyền địa phương kêu gọi các doanh nghiệp triển khai đầu tư phát triển vùng nguyên liệu rừng gỗ lớn.
Hiện, Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam đang đầu tư dự án phát triển vùng nguyên liệu trồng rừng gỗ lớn với quy mô 1.900ha. Nhiều doanh nghiệp đang triển khai các thủ tục đầu tư, liên kết với người dân triển khai trồng rừng gỗ lớn. Như dự án liên kết trồng rừng kinh tế công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô 5.000ha; dự án xây dựng nhà máy gỗ ván công nghiệp OKal và dự án xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao của Công ty TNHH Hào Hưng (Đông Giang).
Theo UBND huyện Đông Giang, ngoài đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 14, ngày 3.1.2019 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo Quyết định số 38, ngày 14.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2019 - 2020), địa phương hỗ trợ người dân phát triển 504ha rừng gỗ lớn với nhiều giống cây chất lượng cao (gồm keo lai nuôi cấy mô, keo tai tượng xuất xứ Úc, giổi xanh, lim xanh, sao đen, trám trắng, ươi, huỳnh đàn, gáo vàng…). Đông Giang phấn đấu đến năm 2025 nâng tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn lên 4.500ha.
Chủ tịch UBND huyện Đông Giang – ông Đinh Văn Hươm cho biết, định hướng của huyện đối với những diện tích rừng đến tuổi khai thác, diện tích đất trống có điều kiện lập địa phù hợp có thể trồng lại rừng theo hướng thâm canh gỗ lớn. Chuyển đổi những diện tích đất rừng phòng hộ ít xung yếu, trữ lượng rừng thấp sang đất rừng sản xuất để giao lại cho người dân phát triển rừng trồng gỗ lớn. Một trong các giải pháp ưu tiên của chính quyền là sớm quy hoạch và đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ công nghiệp, gỗ ván ghép thanh, xây dựng vườn ươm giống cây lâm nghiệp chất lượng cao để phục vụ trồng rừng gỗ lớn...