Những năm gần đây, được sự trợ lực từ nhiều phía, đồng bào Cơ Tu ở Đông Giang có điều kiện sản xuất, chăn nuôi. Ngành nông nghiệp huyện lựa chọn các mô hình làm ăn hiệu quả để hỗ trợ nhân rộng, giúp nhiều hộ cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mô hình nuôi heo đen bản địa tại xã A Rooih mang lại hiệu quả kinh tế khá cho đồng bào nơi đây. Ảnh: T.B |
Phát triển cây đặc sản địa phương
Đột phá lớn đối với nông nghiệp huyện Đông Giang thời gian qua là chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Huyện có nhiều hình thức hỗ trợ cho bà con về cây giống, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc để bà con nhân rộng mô hình trồng ớt Ariêu tại xã Ma Cooih. Hộ anh Arất Biết ở thôn A Sờ, xã Ma Cooih, trước đây chỉ trồng vài cây ớt để dùng, nhưng được Hội Nông dân huyện cung cấp cây giống và tập huấn kỹ thuật nên Arất Biết mạnh dạn trồng 3 sào với hơn 1.000 cây ớt Ariêu, mỗi năm mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập khá ổn định. Anh Arất Biết nói: “Ớt Ariêu của xã Ma Cooih trồng tự nhiên, không dùng hóa chất nên Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp Ma Cooih thu mua hết, nhờ thế gia đình mình có thu nhập khá ổn định, lại cao gấp hai đến ba lần so với trồng keo”. Ớt Ariêu là đặc sản của xã Ma Cooih, bán với giá 150 - 250 nghìn đồng/kg. Đây là loại cây ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch, năng suất khá cao. Đó là thuận lợi để bà con mở rộng diện tích ớt Ariêu lên gần 15ha. HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih cũng đã nâng cấp dây chuyền sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Ông Trần Quốc Trí - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Ma Cooih, cho biết: “HTX bao tiêu sản phẩm của bà con với giá cả ổn định. Từ đó, bà con tích cực trồng và chăm sóc ớt Ariêu. Chỉ với khoảng 1.000m2, trồng ớt Ariêu thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng”.
Việc khai thác ồ ạt cây chè dây ra zéh khiến loại thảo dược này ngày càng cạn kiệt. Mới đây, Dự án “Bảo tồn và phát triển cây chè dây ra zéh” được huyện Đông Giang triển khai thực hiện không chỉ bảo tồn được loại cây dược liệu này mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tạo sản phẩm hàng hóa, giúp người dân phát triển kinh tế. Xã Tư đã trồng được 40ha và thành lập tổ hợp tác sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm chè dây. Hiện đầu ra cây chè dây khá ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân của xã Tư. Ông Nguyễn Lưu Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Tư, cho biết: “Mô hình trồng cây chè dây ở địa phương cơ bản đã hoàn thiện tổ hợp tác với việc áp dụng kỹ thuật trồng trọt. Toàn xã có hơn 70 hộ đăng ký trồng, địa phương tiếp tục vận động bà con tham gia để phát triển kinh tế, giảm nghèo từ cây chè dây này”.
Hình thành vùng chăn nuôi tập trung
Để nâng cao đời sống cho người dân, huyện Đông Giang lồng ghép các nguồn vốn đầu tư nhằm hỗ trợ con giống, công cụ, phương tiện sản xuất cho các hộ nghèo, đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở “nằm vùng” để cầm tay chỉ việc, giúp người dân sản xuất hiệu quả. Năm 2016, ông Hôih Giưnh ở xã A Rooih được Phòng NN&PTNT huyện cấp 10 con heo giống bản địa để chăn nuôi, cải thiện thu nhập. Nhờ làm chuồng trại và tường rào lưới đảm bảo nên số lượng đàn heo ngày một tăng, có lúc hộ ông nhân đàn lên gần 100 con. Ông Hôih Giưnh phấn khởi nói: “Trang trại heo của gia đình mình được lắm. Năm nay, gia đình bán được 20 con với giá 100 nghìn đồng/kg. Có thu nhập từ trang trại này nên gia đình mình cũng giảm được nghèo”. Tại xã Ba, mô hình chăn nuôi tập trung đã được hình thành, bước đầu đem lại hiệu quả đáng mừng. Đã có doanh nghiệp mạnh dạn đến đầu tư tại đây. Trang trại của Công ty TNHH Chiến Khánh triển khai năm 2017 trên diện tích hơn 2ha. Hiện công ty có 2 chuồng nuôi, với tổng đàn mỗi lứa 2.400 con. Riêng tại khu vực thôn Phú Bảo, có nhiều hộ cá thể và doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi heo tập trung. Ông Nguyễn Xuân Nghiêm - Chủ tịch UBND xã Ba, cho biết: “Phát triển chăn nuôi tập trung được xã quy hoạch ở 2 điểm tại thôn Phú Bảo và thôn Phú Son với diện tích trên 14ha”.
Đi đôi với việc cấp các loại cây, con giống từ các nguồn vốn giảm nghèo và hỗ trợ sản xuất, các ngành chức năng huyện Đông Giang tiếp tục vận động nhân dân đầu tư phát triển các mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất chăn nuôi. Ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói: “Để tạo sức bật mới cho sản xuất nông nghiệp, huyện định hướng phát triển các mô hình kinh tế cây, con chủ lực. Theo Nghị quyết 202 và Nghị quyết 39 của HĐND tỉnh, huyện tập trung cho quy hoạch vùng chuyên canh với các cây, con chủ lực nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân”. Lựa chọn hướng phát triển nông - lâm nghiệp kết hợp chính là lời giải của “bài toán” xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đông Giang. Đồng bào các xã vùng cao của huyện bây giờ giảm được nghèo chính là nhờ thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết cách tiếp cận các loại cây trồng, con vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần đưa bộ mặt nông thôn miền núi Đông Giang ngày càng khởi sắc hơn.
THÁI BÌNH