Đông Giang - triển vọng năm 2020

CÔNG TÚ 31/01/2020 10:32

Bước vào năm 2020, huyện Đông Giang kỳ vọng chặng đường phát triển phía trước sẽ có nhiều gam màu sáng, với sức bật là sản phẩm hàng hóa từ sản xuất nông - lâm nghiệp, đánh thức tiềm năng du lịch dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Ép chăm sóc cây chè dây trồng trong vườn nhà. Ảnh: C.T
Ông Nguyễn Văn Ép chăm sóc cây chè dây trồng trong vườn nhà. Ảnh: C.T

“Đòn bẩy” sản vật bản địa

Ngoài thực hiện nhiệm vụ thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tư, anh Nguyễn Anh Quốc ở thôn Gadoong (xã Tư) mỗi ngày đều dành thời gian chăm sóc gần 1ha chè dây Ra Zéh. Không chỉ riêng gia đình anh Quốc, nhiều người dân xã Tư đã và đang khoanh nuôi, dành đất trồng chè dây Ra Zéh - vị thuốc dân gian được thị trường ưa chuộng.

Theo người dân nơi đây, chè dây Ra Zéh trồng trong vòng nửa năm là có thể cho thu hoạch với 3 - 4 lần/năm, đạt năng suất bình quân 8 - 10 tấn tươi/ha/năm. Giá một ký chè khô dao động từ 100 - 120 nghìn đồng. Chính vì lợi nhuận thu được từ Ra Zéh cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, nên diện tích trồng chè dây ngày càng được mở rộng.

Ông Nguyễn Văn Ép (thôn Gadoong) cũng đang canh tác 1ha chè dây, sau khi địa phương hỗ trợ 4.100 cây giống. “Dự tính vài năm nữa, gần 2ha trồng keo lân cận sau khi khai thác sẽ được tôi chuyển sang trồng chè dây” - ông Ép chia sẻ. Bởi lẽ, bản thân ông và đồng bào xã Tư nhận ra rằng, chè dây Ra Zéh sẽ là cơ hội cho họ thoát nghèo bền vững. Đầu ra của sản phẩm đã có Hợp tác xã Nông nghiệp xã Tư bao tiêu.

Ngoài chè dây Ra Zéh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho biết, thời gian qua đã khuyến khích nhân dân đẩy mạnh trồng ớt A Riêu, một sản vật bản địa đặc trưng, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các loại cây như chuối mốc, chuối tiêu, lòn bon mang lại nguồn thu nhập ổn định cũng được đồng bào ưu tiên trồng. Cạnh đó, huyện còn tập trung chỉ đạo, động viên, hướng dẫn người dân canh tác nhiều loại cây dược liệu dưới tán rừng và tán keo như ba kích, đẳng sâm, sa nhân tím…

Trên chặng đường triển khai chương trình mục tiêu lâm nghiệp bền vững, quyết sách về trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ FSC theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của HĐND huyện đang dần hiện thực hóa. Tham vọng của Đông Giang là sẽ phủ kín 15 nghìn héc ta đất rừng bằng cây gỗ lớn để cung cấp cho nhu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nuôi heo đen, bò vàng địa phương cũng là một hướng đi mới trên hành trình đưa vật nuôi bản địa trở thành sản phẩm hàng hóa.

Sức bật từ du lịch

“Chặng đường năm 2020 và những năm tiếp theo, chúng tôi kỳ vọng kinh tế - xã hội của huyện sẽ có bước chuyển mạnh mẽ. Vì ngoài điểm tựa sản phẩm hàng hóa từ sản xuất nông - lâm nghiệp, du lịch - dịch vụ cũng là nhân tố quan trọng tạo sức bật cho sự phát triển” - ông Hồ Quang Minh chia sẻ.

Các dự án về du lịch trên địa bàn Đông Giang đang được triển khai quyết liệt. Trong đó, dự án Khu du lịch sinh thái (DLST) nghỉ dưỡng cao cấp TMT Tây Bà Nà với diện tích 120ha đã trình UBND tỉnh để phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục như đánh giá tác động môi trường, đo đạc giải thửa, bồi thường giải phóng mặt bằng… và sẽ hoàn thành trong quý I, để quý II - 2020 làm hồ sơ cấp đất xây dựng. Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án Khu DLST suối khoáng nóng A Păng rộng 45ha đã được phê duyệt. Tuy nhiên, do liên quan đến việc tái định cư cho 19 hộ dân bị ảnh hưởng phải giải tỏa trắng, tiến độ triển khai chắc chắn sẽ chậm hơn. Vì vậy dự kiến quý III năm nay, mới có thể khởi công xây dựng.

Đối với Khu DLST Cổng trời Đông Giang, dự án đang ở giai đoạn thi công nước rút để kịp đưa vào vận hành thử nhân Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24.3.1975 - 24.3.2020). Hiện nhà đầu tư đã tiếp nhận 200 lao động địa phương vào đào tạo để làm việc ở khu du lịch.

Ngoài 3 dự án vừa đề cập, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Đinh Văn Hươm cho hay, địa phương còn thực hiện chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư Khu DLST Trường Sơn - Sông Bung; Khu phức hợp khách sạn, trung tâm hội nghị, nhà hàng tiệc cưới - FIVITEL PRAO. Các khu DLST nêu trên nếu đi vào khai thác sẽ tạo cơ hội để nhân dân vùng lân cận dự án dịch chuyển sản xuất, theo hướng trồng cây có múi, rau sạch để cung cấp cho khu du lịch, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định hơn cho đồng bào. Những sản vật bản địa như chè dây, ớt, chuối, rượu, nghệ đen… cũng sẽ là sản phẩm độc đáo phục vụ cho chính ngành du lịch, góp phần “níu chân” du khách.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Giang - triển vọng năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO