Hôm Chủ nhật vừa rồi, về xã miền biển Duy Hải (Duy Xuyên) tìm hiểu công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Tư tôi tình cờ thấy anh Bảy Tây Sơn cùng mấy người thợ đang lom khom đóng giếng trên ruộng mè non. Anh Bảy cho biết, gia đình anh có 5 sào đất canh tác lúa. Do không có công trình thủy lợi nên vụ hè thu 2015 này phải chuyển toàn bộ số diện tích đó sang sản xuất giống mè đen. Tuy nhiên, vì thời gian qua nắng hạn quá khốc liệt khiến những ruộng mè đang ra trái rộ ấy bị khô héo dần. Nếu bây giờ không khẩn trương đóng giếng để bơm nước chống hạn thì chắc chắn sẽ mất trắng. “Chú em biết rồi, đối với nhà nông, mùa màng thất bát là khổ trăm bề. Theo tính toán của tui, nếu trúng mùa bình quân 1 sào mè thu về không dưới 35kg hạt khô, bán tại nhà với giá 40 nghìn đồng/kg thì sẽ kiếm được 1,4 triệu đồng. Với 5 sào mè hiện có, quy ra tổng giá trị đạt ít nhất 7 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuê thợ khoan giếng, lắp đặt máy bơm và mua hạt giống, phân bón chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng” – anh Bảy Tây Sơn chia sẻ.
Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Văn Thống – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, hiện nay trên địa bàn 5 thôn của xã có tổng cộng 355ha đất nông nghiệp, trong đó đất sản xuất lúa 90ha và đất canh tác các loại hoa màu 265ha. Theo ông Thống, do hạ tầng thủy lợi không được đầu tư xây dựng đồng bộ, nguồn nước tưới chủ yếu dựa vào trời nên đầu vụ hè thu năm nay chính quyền địa phương đã tập trung vận động nông dân chuyển toàn bộ 90ha đất lúa sang gieo trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực như mè, môn hương và một số giống rau quả có giá trị cao. Ông Thống nói: “Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và giúp nhà nông nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, trong vòng 2 năm trở lại đây ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên cùng chính quyền xã Duy Hải đã nỗ lực đầu tư cho công tác thủy lợi hóa đất màu cũng như đất lúa. Cụ thể là, từ nhiều nguồn kinh phí huy động những đơn vị liên quan đã chi hơn 2 tỷ đồng để kéo gần 10km đường dây điện ra khắp cánh đồng. Bên cạnh đó, vận động người dân đóng 1.500 cái giếng khoan ngay trên các chân ruộng nhằm chủ động bơm nước tưới cho cây trồng. Có thể khẳng định, việc thực hiện chủ trương này là hoàn toàn đúng và thực tế cho thấy đã mang lại thành công rất lớn, đặc biệt là trong vụ sản xuất hè thu nắng hạn thường hoành hành dữ dội”.
Sáng hôm qua, nghe Tư tôi kể chuyện, anh Ba Trồng Trọt gật đầu: “Suốt mấy tháng nay tình trạng khô hạn xảy ra trên diện rộng khiến gần 15 nghìn héc ta lúa và hoa màu của nông dân xứ Quảng mình bị thiếu hụt nguồn nước tưới, nhất là đối với những địa phương hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng bài bản. Để giảm thiểu thiệt hại, chính quyền cấp cơ sở và nhà nông đã dốc sức triển khai hàng loạt biện pháp đối phó. Ngoài xã miền biển Duy Hải mà chú Tư mi vừa tiến hành khảo sát thì từ đầu vụ hè thu 2015 đến nay người dân ở các vùng rốn hạn khác cũng đã bỏ ra một số tiền không nhỏ đóng thêm 300 cái giếng khoan để lấy mạch nước ngầm chống hạn cho cây trồng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cát của Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ, Điện Bàn”.
TƯ RUỘNG