Đóng góp xây dựng chợ mới Hội An

VĨNH LỘC 26/05/2015 09:11

Thời gian qua, nhiều tiểu thương kinh doanh hàng áo quần may sẵn tại tầng 2 chợ tạm Hội An đã gửi đơn kiến nghị đến các cấp ngành của tỉnh và thành phố phản ánh về mức đóng góp xây dựng chợ mới quá cao cũng như những quy định được xem là không hợp lý.

Chưa hợp lý

Theo đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Hồng Vân (phường Sơn Phong, Hội An - đại diện cho các tiểu thương), khoảng đầu tháng 9.2014, các tiểu thương hàng quần áo may sẵn tại chợ tạm nhận được thông báo của Ban di dời và bố trí mặt bằng kinh doanh chợ Hội An (Phòng Thương mại và du lịch Hội An) về việc yêu cầu đóng góp tiền đầu tư xây dựng chợ mới với mức 36 – 59 triệu đồng. Sau khi nhận được công văn, hầu hết tiểu thương phản ứng, cho rằng mức đóng góp trên quá cao, trong khi thu nhập và cuộc sống của hầu hết tiểu thương còn khó khăn, chưa kể số tiền vay mượn đầu tư kinh doanh tại chợ tạm 5 năm qua vẫn chưa trả hết do buôn bán ế ẩm vì vị trí chợ không liên cư liên địa. Ngoài ra, việc quy định mặt hàng áo quần may sẵn phải nhân hệ số đóng góp 1.2 thay vì 1.0 như các mặt hàng ăn uống, giải khát, tạp hóa, mỹ phẩm, giày dép… là không công bằng do hàng áo quần chỉ buôn bán nhỏ lẻ, ít giao dịch với khách du lịch... “Chúng tôi biết chủ trương góp tiền xây dựng chợ là việc làm thiết thực của thành phố nhằm tạo điều kiện cho chị em buôn bán phát triển, song mức huy động tiền cao như vậy là không phù hợp do hầu hết chị em đều vay nợ, trong đó 2/3 tiểu thương đang lâm vào cảnh túng quẫn nên mong các cấp chính quyền quan tâm điều chỉnh mức giá xuống thấp” - bà Vân kiến nghị.

Các tiểu thương phản ánh việc dựng lồng sắt và giá tiền đóng góp vào chợ mới quá cao. Ảnh: V.L
Các tiểu thương phản ánh việc dựng lồng sắt và giá tiền đóng góp vào chợ mới quá cao. Ảnh: V.L

Không chỉ góp xây chợ, các tiểu thương còn phải đóng tiền làm khung lồng sắt để bảo vệ hàng hóa với mức bình quân 17,5 - 32 triệu đồng/lồng (tùy diện tích và số cửa), nhưng khi yêu cầu được tự làm hoặc di dời lồng sắt từ chợ tạm qua thì không được chấp  nhận. “Tôi đề nghị thành phố tổ chức đấu thầu công khai, có sự giám sát của tiểu thương để chọn mức giá hợp lý chứ không thể áp đặt số tiền như vậy được. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mức giá làm lồng sắt này cao hơn bên ngoài rất nhiều, trong khi qua chợ mới chưa biết kinh doanh buôn bán ra sao” - một tiểu thương phản ánh. Bên cạnh việc gửi đơn thư, những ngày gần đây một số tiểu thương còn tập trung kéo lên trụ sở thành phố để gặp trực tiếp lãnh đạo Hội An kiến nghị những bức xúc của mình.

Giá quá rẻ

Trao đổi với chúng tôi, bà Đinh Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho biết, việc xây dựng chợ mới (tại đường Trần Phú) là cần thiết nhằm không chỉ sắp xếp, bố trí lại hoạt động kinh doanh theo hướng ổn định, văn minh mà còn phục vụ cho các hoạt động mua sắm của khách du lịch. Sau khi hoàn thành đưa vào hoạt động, chợ mới sẽ có 220 gian hàng chủ yếu được di dời từ chợ tạm qua nên mọi hạng mục, xây dựng, bố trí nơi đây đều phải đúng tiêu chuẩn và tuân thủ theo quy định. “Cái lợi của việc làm lồng sắt là giúp tiểu thương vừa bảo vệ hàng hóa an toàn vừa đảm bảo mỹ quan cho chợ. Kết thúc một ngày buôn bán, tiểu thương chỉ cần dọn hàng vào trong xong kéo cửa sắt xuống là có thể yên tâm ra về, vì vậy tiểu thương phải trả tiền cho việc xây dựng cơ sở vật chất này” - bà Thủy nói. Với yêu cầu trên, các lồng sắt làm theo mẫu thiết kế quy định như khung cao 3,3m, lưới chì dày 10mm không gỉ, ngoài ra còn được trang bị hệ thống điện, quạt, chữa cháy… Tất cả công đoạn từ thiết kế, thẩm định vật liệu đều công khai mức giá cũng như có sự kiểm tra của đơn vị tư vấn. “Trong các cuộc đối thoại mới đây tôi đã trình bày quan điểm của thành phố là tiểu thương không thể tự làm lồng sắt được vì kích cỡ mẫu mã sẽ không đúng quy định, chưa nói an toàn cháy nổ cũng khó đảm bảo” - bà Thủy cho biết thêm.

Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An khẳng định, việc làm khung lồng sắt bảo vệ là cần thiết để đảm bảo mỹ quan, văn minh và an toàn cháy nổ nên tiểu thương phải tuân thủ. Còn số tiền khung lồng sắt cao hay thấp cũng đã được công khai rõ ràng, bao gồm cả cộng mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng khi thực hiện hạng mục này. “Đây là mức giá đã được thẩm định hết rồi, nếu người dân nào phát hiện ai kê khống hay ăn chặn thì báo, tôi sẽ xử lý ngay lập tức” - ông Sự nói. Đặc biệt, với mức đóng góp vào chợ mới 36 triệu đồng, ông Sự cho rằng đây là mức giá quá rẻ nếu chia cho thời hạn 15 năm, tính ra mỗi tháng tiểu thương chỉ trả 200 nghìn đồng. Hiện ngân sách nhà nước bỏ ra đầu tư xây dựng chợ mới đã trên 100 tỷ đồng, trong khi tổng số tiền đóng góp của tiểu thương mới khoảng 22 tỷ đồng (chiếm gần 20%). “Tôi đảm bảo chưa có nơi đâu giá thuê mặt bằng lại rẻ như ở chợ Hội An, cứ thử ra ngoài thuê một ki ốt sẽ biết mức giá thế nào. Chưa nói trong 15 năm này các tiểu thương có quyền mua bán, sang nhượng… nên quan điểm của thành phố là nếu ai không có nhu cầu hay cảm thấy thiệt thòi thì có quyền làm đơn xin ra ngoài kinh doanh, còn vô trong thì phải đáp ứng theo quy định chứ không thể mạnh ai nấy làm được” - ông Sự kiên quyết.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đóng góp xây dựng chợ mới Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO