Chỉ trong một tuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân liên tiếp chủ trì hai cuộc làm việc với các ngành chức năng của tỉnh nhằm thảo luận, định hướng các giải pháp, cơ chế hỗ trợ, đầu tư phát triển ngành thể thao trong thời gian tới. Cụ thể là đề án quy định nội dung và mức chi chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên (VĐV), huấn luyện viên thể thao thành tích cao và đề án xây dựng, phát triển CLB Bóng đá Quảng Nam đến năm 2025. Điều này cho thấy sự quan tâm rất lớn của tỉnh đối với sự nghiệp TDTT nói chung, bóng đá nói riêng.
Tỉnh quan tâm hỗ trợ khá nhiều cho bóng đá dù đã chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý. Ảnh: A.S |
Bóng đá Quảng Nam dù mới phát triển lên chuyên nghiệp song đã để lại những dấu ấn đáng nhớ như vô địch giải hạng nhì năm 2008, vô địch giải hạng nhất năm 2013 và đỉnh cao là đoạt chức vô địch giải vô địch quốc gia V-League 2017, đoạt siêu cúp quốc gia 2017. So với nhiều CLB bóng đá khác trên cả nước, có thể nói bóng đá xứ Quảng “đi sau nhưng lại về trước”. Thành công của CLB Bóng đá Quảng Nam là một sự ghi nhận cách làm bóng đá bài bản, căn cơ của nhà đầu tư và các nhà tài trợ, trong đó vai trò đầu tàu là Công ty CP Đầu tư QNK Quảng Nam.
Tuy nhiên, nói đến thành công của đội bóng Quảng Nam không thể không nhắc tới vai trò “bà đỡ” của tỉnh. Đã phát triển lên chuyên nghiệp, đội bóng chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý song thực tế cho thấy chuyển giao không đồng nghĩa là “khoán trắng” theo kiểu “giao rồi thôi”. Ngược lại, tỉnh vẫn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ đắc lực cả về tinh thần lẫn nguồn lực tài chính cho bóng đá. Có lẽ hiếm có địa phương nào hào phóng đối với bóng đá như Quảng Nam. Dù nguồn ngân sách địa phương còn khó khăn nhưng những năm qua tỉnh vẫn hỗ trợ cho CLB Bóng đá Quảng Nam mỗi năm 16 tỷ đồng để chia sẻ cùng nhà tài trợ chăm lo cho đội bóng thi đấu ở V-League và công tác đào tạo trẻ. Ngoài ra, sửa chữa, cải tạo khán đài, mặt sân, khu nhà ở VĐV cũng đều do ngân sách tỉnh đảm nhận. Mới đây nhất, khu nhà ở cho VĐV Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Quảng Nam đã được tỉnh quyết định đầu tư gần 15 tỷ đồng xây dựng sát vách sân vận động Tam Kỳ và dự kiến hoàn thành trong năm 2019.
Sắp tới đây tỉnh cũng sẽ ban hành một đề án về phát triển CLB Bóng đá Quảng Nam với định hướng đưa đội bóng Quảng Nam thi đấu ổn định, đạt thành tích tốt ở sân chơi chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo bóng đá trẻ. Điểm nhấn đáng chú ý của đề án này hiện đang được các ngành chức năng và CLB Bóng đá Quảng Nam soạn thảo là phát triển đủ các đội trẻ từ U11 đến U21, tạo nguồn lực kế cận bổ sung cho đội tuyển nhằm từng bước nâng cao màu cờ sắc áo Quảng Nam trong thành phần đội bóng - điều mà hiện nay rất thiếu. Để làm được điều này, CLB Bóng đá Quảng Nam đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư và tăng mức hỗ trợ hàng năm lên 20 tỷ đồng, chiếm gần 30% nguồn kinh phí của CLB.
Tỉnh có đồng ý tăng mức hỗ trợ hay không còn tùy thuộc vào đề án, kế hoạch phát triển CLB Bóng đá Quảng Nam trong thời gian tới. Nhưng rõ ràng, khi mà Sở VH-TT&DL được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng đề án và với tinh thần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho bóng đá, không chỉ vài chục tỷ đồng mỗi năm hỗ trợ cho CLB Bóng đá Quảng Nam mà nhiều hơn con số đó vẫn có thể được. Nói như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, bóng đá là món ăn tinh thần, khi đội Quảng Nam đoạt chức vô địch, lãnh đạo tỉnh và người dân đều sung sướng, tự hào. Bởi vậy, đầu tư cho bóng đá cũng là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
ANH SẮC