Đồng hành cùng nhà nông

QUỐC TUẤN 10/10/2019 09:10

(QNO) - Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về Đề án "Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020", nông nghiệp, nông thôn ở Điện Bàn đã có sự chuyển mình đáng kể với sự trợ lực từ các cấp hội nông dân địa phương.

Điện Bàn ngày càng đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ảnh: Q.T
Điện Bàn ngày càng đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ảnh: Q.T

Cầu nối cho nông dân

Với người nông dân, việc tiếp cận các chính sách, nguồn lực, dịch vụ hỗ trợ từ Nhà nước và tư nhân luôn gặp nhiều khó khăn bởi sự hiểu biết có hạn, nhất là về khâu thủ tục cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Vì vậy, hội nông dân các cấp ở Điện Bàn luôn đứng ra kết nối, hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất. Đến nay, hơn 12 nghìn lượt hộ nông dân ở Điện Bàn đã được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó có đến 95% diện tích đất nông nghiệp ở địa phương đảm bảo sản xuất thời vụ.

Trong 10 năm qua, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho hơn 500 lượt hộ nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh vươn lên khá giàu tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Thừa - Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn cho biết: "Nhiều năm nay, hội tích cực phối hợp với một số công ty phân bón để mỗi năm cung ứng 350 - 500 tấn phân bón theo phương thức trả chậm, trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp hơn 3.500 lượt hộ nông dân có điều kiện sản xuất thời vụ hàng năm".

Được biết, từ nguồn vận động xã hội hóa của mạnh thường quân và cộng đồng để có nguồn vốn vay hỗ trợ cũng như phương tiện sinh kế, hơn 50 hộ nông dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ vào sự kết nối linh hoạt, hiệu quả từ các cấp hội nông dân theo tinh thần Kết luận 61, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở Điện Bàn đã lan tỏa và đạt được nhiều kết quả khởi sắc khi hội viên nông dân tự nguyện hiến tới hơn 300 nghìn mét vuông đất, hơn 55 nghìn ngày công, làm mới và sửa chữa 450km đường giao thông nông thôn. 

Hướng tới sản xuất hàng hóa

Từ chỗ hầu hết nông dân tại địa phương chỉ sản xuất manh mún, được chăng hay chớ, hiện nay ở Điện Bàn có hơn 2.500 nông dân được hỗ trợ tham dự các chương trình, khóa tập huấn và có chứng chỉ học nghề ở nhiều loại hình như nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, dịch vụ... Qua đó góp phần đáng kể cho quá trình cơ giới hóa nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Bước đầu, một số sản phẩm nông sản địa phương đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng như nước mắm Hà Quảng, dầu phụng Đất Quảng, gạo thơm Phong Thử...

Một mô hình trồng rau thủy canh ở phường Điện Ngọc. Ảnh: Q.T
Một mô hình trồng rau thủy canh ở phường Điện Ngọc. Ảnh: Q.T

Ông Đặng Hữu Tú - Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Điện Bàn chia sẻ, từ việc kết nối, vận động nông dân tích cực dồn điền đổi thửa cũng như đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa các hộ, ở Điện Bàn đã hình thành được nhiều mô hình chuyên canh chất lượng như sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao (các xã Điện Thọ, Điện Hồng), chuyên canh cây đậu phụng cung ứng nguyên liệu chế biến dầu phụng (xã Điện Quang), trồng rau thủy canh nhà lưới (phường Điện Ngọc)...

Từ Kết luận 61, để khắc phục thực trạng hình thức trong sinh hoạt, rập khuôn nội dung hoạt động, nông dân Điện Bàn đã chủ động tập hợp tạo ra nhiều mô hình chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau làm giàu hiệu quả như câu lạc bộ khuyến nông, tổ đoàn kết, câu lạc bộ nông dân với pháp luật. Theo ông Nguyễn Văn Thừa, có được bước chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn phải kể đến những đóng góp đáng kể từ cán bộ nông dân cấp cơ sở. Vậy nên cấp trên cần quan tâm đến chế độ lương, phụ cấp đối với chức danh phó chủ tịch hội nông dân cấp xã, phường và chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí cho cán bộ chi hội cơ sở.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng hành cùng nhà nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO