Việc mất công bằng giữa đóng - hưởng BHXH cho người lao động đang là một vướng mắc được nhiều doanh nghiệp tính lương theo hệ số nhà nước quan tâm.
Năm 2012, Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực thi hành. Tiếp đó, tháng 5.2013, Nghị định số 49/2014 ra đời quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương, khi áp dụng vào doanh nghiệp thì vướng hệ số tính lương khi tính các chế độ cho người lao động ở mức 1.150 nghìn đồng/tháng hay mức 1.050 nghìn đồng/tháng. Do không có thông tư hướng dẫn nên từ đó đến nay, doanh nghiệp tính lương theo hệ số nhà nước chỉ còn cách áp dụng theo Nghị định số 205/2004 dù nghị định này đã bị bãi bỏ khi Nghị định 49 có hiệu lực thi hành. Từ đó đến nay, rất nhiều ý kiến thắc mắc, nhiều câu hỏi của doanh nghiệp khiến cơ quan BHXH tỉnh không biết giải quyết thế nào. Tuy BHXH Việt Nam đã có công văn hướng dẫn, nhưng căn cứ vào Nghị định 49 thì BHXH Việt Nam cũng bối rối. Vì thế, giải pháp tình thế được đưa ra là tạm tính hưởng theo mức 1.050 nghìn đồng/tháng đối với các chế độ BHXH liên quan, nhưng thu thì lại theo mức 1.150 nghìn đồng/tháng, cho đến khi Bộ LĐ-TB&XH có thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 49. Như vậy, doanh nghiệp và hàng nghìn người lao động chỉ còn biết trông chờ vào Bộ LĐ-TB&XH để quyền lợi của người lao động không bị thiệt.
Nguyên tắc công bằng phải là đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu thì người lao động mới hài lòng. Ảnh: H.LINH |
Như trường hợp ở Công ty CP Công trình giao thông vận tải (TP.Tam Kỳ), vừa qua có 17 trường hợp ngưng hợp đồng lao động, đã được công ty giải quyết đầy đủ trợ cấp thôi việc nhưng người lao động vẫn còn rất thắc mắc ở chỗ tại sao lại chỉ tính trợ cấp theo mức 1.050 nghìn đồng/tháng, trong khi họ đã đóng ở mức 1.150 nghìn đồng/tháng như mức lương tối thiểu hiện tại. Về vấn đề này, ông Phan Đình Ngô - Phó Tổng Giám đốc công ty, cho biết: “Đây là vấn đề khiến chúng tôi đau đầu khi tính mức trợ cấp cho người lao động, nếu tính theo mức đóng hiện tại thì không có cơ sở pháp lý, mà giải quyết theo quy định cũ thì không có tính công bằng. Nguyên tắc cơ bản là đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, chứ sao lại có sự phân biệt như thế, khiến doanh nghiệp bị vướng mà người lao động bị thiệt. Sắp tới, công ty chúng tôi có 2 người về hưu, nếu không có thông tư hướng dẫn thực hiện vấn đề này thì quyền lợi của người về hưu sẽ bị thiệt hại rất nhiều”. Theo ông Ngô, bây giờ quy định mức 1.050 nghìn đồng/tháng thì công ty tạm giải quyết chế độ thôi việc cho người lao động theo mức này, sau này căn cứ theo Thông tư hướng dẫn mới, nếu cho phép tính theo mức 1.150 nghìn đồng/tháng (theo đúng mức đóng), công ty sẽ cố gắng để người lao động không bị thiệt hại. Theo số liệu thống kê từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện nay có tổng cộng 67 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước bị vướng vấn đề đóng - hưởng này. 67 doanh nghiệp nói trên có 7.231 lao động đang làm việc, nghĩa là quyền lợi đối với các chế độ BHXH của từng ấy lao động bị ảnh hưởng.
HOÀNG LINH