Kết quả bước đầu trong việc lồng ghép xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi đã tạo nên động lực giúp người dân vùng cao Nam Giang vươn lên thoát nghèo bền vững.
Mô hình nuôi bò vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân Nam Giang. Ảnh: Đ.N |
Xác định công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, bên cạnh linh hoạt lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, huyện Nam Giang còn chú trọng đến công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và từng bước giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Để khuyến khích khai thác lợi thế theo từng vùng, chính quyền địa phương đã chủ động tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt như: trồng keo lai, bời lời đỏ, chuối cấy mô kết hợp với nuôi trâu, bò, heo vỗ béo, đào ao thả cá và nuôi gà thả vườn… Từ cách làm trên, đã tạo động lực và mở hướng đi mới giúp nhiều hộ dân địa phương ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo theo từng năm.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang, sau 5 năm triển khai Nghị quyết 03 của Huyện ủy Nam Giang về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi đã đem lại kết quả rất khả quan trong công tác giảm nghèo, ổn định cuộc sống người dân miền núi. Trong đó, bên cạnh đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng rừng, nuôi bò vỗ béo dưới tán rừng, kết hợp với mô hình vườn - ao - chuồng, chính quyền địa phương còn tập trung chỉ đạo xây dựng các vùng trồng cây dược liệu, cây bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết, tạo điều kiện giúp người dân nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững. “Từ việc nuôi heo cỏ, nuôi heo rừng lai theo hướng tập trung, có chuồng trại kết hợp với các mô hình trồng cây keo lai, cây dược liệu dưới tán rừng… đang dần tạo ra thương hiệu, thương phẩm giúp tạo ra cơ hội mở hướng thoát nghèo cho người dân miền núi” - ông Chương cho biết thêm.
Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều mô hình phát triển kinh tế từ chủ trương “3 cây, 3 con” theo Nghị quyết 03 của Huyện ủy đã được triển khai, đưa về ứng dụng vào trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo động lực giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài. Thông qua việc hỗ trợ cho mỗi xã, thị trấn số tiền 200 triệu đồng/năm, nguồn vốn thực hiện nghị quyết được xem như một “đòn bẩy” có hiệu quả thiết thực trong đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho người dân trong huyện.
ĐĂNG NGUYÊN