Đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai vẫn luôn được nhìn nhận như là một trong những động lực chủ yếu sẽ làm thay đổi diện mạo kinh tế, dọn đường cho các dự án đầu tư trọng điểm vào Quảng Nam.
Sôi động
Ô tô chở hàng hóa, nguyên phụ liệu cuốn bụi mù vào ra cảng Tam Hiệp. Lượng hàng qua cảng biển tại khu vực này ngoài kính, dăm gỗ, vật tư, thiết bị ô tô, linh kiện điện tử… đã có thêm nhiều mặt hàng mới. Ông Nguyễn Văn Chúng - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai cho biết, kết quả lấp đầy dự án trên 96% của giai đoạn 1 trong khu công nghiệp đã mở đường cho công ty tiến hành đầu tư giai đoạn 2. Giải tỏa đền bù đến đâu, triển khai dự án đến đó; đầu tư hạ tầng đến đâu xúc tiến kêu gọi đầu tư đến đó, phù hợp khả năng tài chính, hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả đầu tư. Vấn đề quan trọng của doanh nghiệp là sợ thiếu nhà đầu tư chứ hạ tầng đủ sức để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư đến đặt dự án. Hiện tại, chỉ có 3/29 doanh nghiệp đang hoạt động tại khu công nghiệp này gặp khó khăn, số còn lại đầu tư đạt hiệu quả, giải quyết việc làm cho hơn 6.000 lao động. Sự sôi động của cảng Tam Hiệp hay Khu công nghiệp Bắc Chu Lai chỉ là “lát cắt” của diện mạo ngày càng sinh động của Khu kinh tế mở Chu Lai.
Con đường nối từ cầu Cửa Đại đến Chu Lai sẽ sớm được thông xe kỹ thuật, kết nối liên vùng. |
“Mưu sự” xây dựng một khu kinh tế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thí điểm các chính sách kinh tế mới… bất thành. Kết quả đầu tư trong hơn 12 năm qua, hoàn toàn đến từ sự nỗ lực tự xin cơ chế và mò mẫm tìm đường của chính địa phương. Thành công của khu kinh tế này chỉ được thừa nhận như vai trò của một khu công nghiệp, đứng số 1 về hiệu quả của 15 khu kinh tế đang hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, không thể phủ nhận chính khu kinh tế này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo phía nam của tỉnh và góp phần tạo động lực phát triển cho toàn Quảng Nam nhiều năm nay. Theo thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, hiện tại có 63/92 dự án đã cấp phép còn hiệu lực, đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện khoảng 793 triệu USD/1,307 tỷ USD tổng vốn đăng ký. Các dự án tại khu kinh tế này hằng năm đóng góp gần 70% nguồn thu ngân sách của tỉnh (khoảng 5.000 tỷ đồng), giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 11.145 lao động, phần lớn là dân địa phương.
Cơ hội nào cho Chu Lai?
Kế hoạch xây dựng một khu kinh tế mở với “hạt nhân” khu thương mại tự do đã không thể thực hiện được. Địa vị pháp lý và dự phóng tương lai cũng mất khi Chính phủ công bố chọn xây dựng mỗi miền một đặc khu kinh tế. Cơ chế chính sách gần như tương đồng nên Chu Lai đã mất dần lợi thế so sánh. Chu Lai chỉ còn là hiện thân của 1 trong 5 khu kinh tế trọng điểm quốc gia được đầu tư giai đoạn 2013 – 2015. Cơ hội nào cho Chu Lai trong “tấm áo” cơ chế cũ, quá chật vẫn là câu chuyện thời sự. Có phải vì biết sẽ khó thu hút nguồn lực đầu tư khi ngân sách hạn hẹp và chưa có nhà đầu tư tầm cỡ nào đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng nên Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai chỉ dè dặt đặt ra chỉ tiêu cụ thể là chỉ tập trung thu hút ít nhất 1 dự án trọng điểm/năm kể từ năm 2015?
Theo ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, cơ hội của Chu Lai đang “đặt cược” vào việc xúc tiến 4 dự án đầu tư trọng điểm. Đó là dự án trung tâm khí - điện do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam liên doanh với Tập đoàn Exxon Mobil (Mỹ) làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư hơn 22 tỷ USD, khu nghỉ dưỡng nam Hội An, khu công nghiệp cơ khí hỗ trợ và khu công nghiệp dệt may Tam Thăng. Chưa có kết quả cụ thể, nhưng hiện tại Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) đã đặt vấn đề đầu tư cho dự án công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may tại Khu công nghiệp Tam Thăng. Dự án nam Hội An đang điều chỉnh giấy phép 500 triệu USD sẽ trao cho Tập đoàn Chow Tai Fook (Hong Kong) ngày 24.3. Nhà đầu tư đang thảo luận ký hợp đồng bồi thường và thuê tư vấn thực hiện dự án. Dự án công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đang được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến các bộ, ngành. Công ty Ô tô Chu Lai - Trường Hải đã xúc tiến Tập đoàn Mazda vào đầu tư sản phẩm ô tô và công nghiệp phụ trợ... Những dự án này được đánh giá là có tính khả thi cao, sẽ là những dự án động lực lan tỏa, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. “Chất lượng tăng trưởng mới là điều quan trọng. Nếu thu hút được những dự án này, diện mạo kinh tế Quảng Nam sẽ nhanh chóng phát triển, tạo bước đột phá với những lợi thế cạnh tranh. Chu Lai sẽ thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và phục vụ nhà đầu tư. Trong tình trạng khan hiếm nguồn vốn, sẽ chỉ tập trung đầu tư hạ tầng cơ bản, then chốt trước như sân bay, cảng biển, các trục giao thông chính... và tập trung giải phóng mặt bằng để xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư, xây dựng Chu Lai thành một khu kinh tế tổng hợp” - ông Quang nói.
TRỊNH DŨNG