Những trích đoạn tuồng cổ được tái hiện sống động bởi những diễn viên chuyên nghiệp đã phả thêm “làn gió mới” vào đời sống văn nghệ Quảng Nam nhân hội diễn toàn quốc đang diễn ra, như lời đồng vọng của những thanh âm xưa cũ…
Đi nghe tuồng xưa
Trước khi cuộc thi “Sân khấu tuồng và dân ca kịch truyền thống chuyên nghiệp toàn quốc” khai mạc (đêm 18.5), người dân Quảng Nam đã được các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam “đánh thức” niềm đam mê với 10 đêm diễn, từ vùng phố thị đến những miền quê xa xôi. Tất cả chỉ để khơi dậy ngọn lửa vẫn âm ỉ cháy đâu đó trong lòng người thưởng ngoạn đối với loại hình nghệ thuật truyền thống ngay tại chiếc nôi khai sinh ra nó.
Tạo hình nhân vật trong vở tuồng “Đêm sáng phương Nam” (Nhà hát Tuồng Đào Tấn). |
NSƯT Nguyễn Thị Hương Thơm, Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, chia sẻ: “Mười đêm diễn ở Quảng Nam là cơ hội để nghệ sĩ chúng tôi thể hiện tài năng nghề nghiệp của mình, đồng thời cũng biết được tình yêu tuồng của người dân đất Quảng”. Quả thật, không hổ danh những người sống ở cái nôi của tuồng, đến địa phương nào diễn các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân. Từ thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên, nơi có đoàn tuồng Sông Thu vẫn thường diễn) đến vùng đất từng vang danh gánh tuồng Bàu Toa hay vùng trung du Tiên Phước, nơi nào người dân cũng xem tuồng nồng nhiệt.
Cụ Nguyễn Quỳnh, một người tận tâm với nghệ thuật tuồng ở Duy Xuyên. Ảnh: S.A |
Ông Nguyễn Hoàng Bích, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, cho rằng tình yêu nghệ thuật tuồng của người dân vẫn còn đó, những đêm diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam trở thành chiếc cầu khơi gợi lại những mảng ký ức từ lâu đã rất ít được thức dậy. Có xem trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” ngay đêm diễn đầu tiên của Nhà hát Tuồng Việt Nam mới thấy diễn viên thật đa tài. NSƯT Minh Gái chia sẻ, diễn tuồng cổ khó hơn tuồng viết theo đề tài hiện đại. Tuồng mang tính tượng trưng cao, một chiếc roi có thể vừa là ngựa vừa là biểu đạt của vũ khí. Mặt nạ tuồng cũng mang nhiều tầng nghĩa khác nhau. Mỗi vẻ mặt, cách trang điểm là biểu tượng của một tính cách. Trong những hoàn cảnh đầy kịch tính, các nhân vật thể hiện tính cách rõ nét nhất, kẻ nhu nhược đớn hèn, anh hùng bất khuất hay bạo gian tàn ác… đều được đẩy lên đến tột cùng.
Một khán giả người Pháp theo dõi xuyên suốt cuộc thi vì niềm yêu thích cách hóa trang, giai điệu, hình tượng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. |
Khi về những địa phương vùng nông thôn, Nhà hát Tuồng Việt Nam được đón nhận ngoài sức mong đợi của các nghệ sĩ. Có cụ già mắt rưng rưng khi lại được xem “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, vở diễn mà từ lâu lắm rồi mới được xem lại. Cụ Nguyễn Quỳnh - người có công thành lập Đoàn tuồng Sông Thu và Hội bảo trợ nghệ thuật tuồng Duy Xuyên và dự án đưa tuồng vào trường học - đã cất công vào TP.Tam Kỳ trong đêm ra mắt của Nhà hát Tuồng Việt Nam chỉ để làm người… đánh trống chầu chính cho đêm diễn. “Đối với hát tuồng, người xem cũng chính là người bảo tồn nghệ thuật. Họ chính là chủ nhân mà cũng là người kế thừa những giá trị văn hóa bền vững có từ bao đời” - ông chia sẻ.
“Chúng tôi chọn Quảng Nam làm điểm đăng cai cuộc thi này vì đây là vùng đất có bề dày lịch sử về nghệ thuật tuồng truyền thống, đồng thời khán giả Quảng Nam rất mê tuồng. Điều đó thể hiện trong những đêm diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam”. Ông NGUYỄN ĐĂNG CHƯƠNG, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn) |
Mười đêm diễn, tuồng như một “gia vị” trong bữa ăn tinh thần của người dân đất Quảng, là thứ gia vị truyền thống nhưng đã lâu rồi họ chưa được “nếm” lại. Mỗi khi rục rịch có đoàn tuồng nào đến diễn, người dân sở tại lại nhấp nhổm không yên, như thể đợi một người bạn quý lâu lắm không đến nhà…
Trông người lại ngẫm đến ta
Tại cuộc thi Sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2013 đang diễn ra tại Quảng Nam, có đến 9 vở tuồng được các đơn vị tỉnh bạn mang ra dự thi. Trong khi ở Quảng Nam, cái nôi của nghệ thuật tuồng, nơi có nhiều gánh tuồng nổi danh, lại không hề có một đoàn nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp nào. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, nói: “Chúng tôi chọn Quảng Nam làm điểm đăng cai cuộc thi này vì đây là vùng đất có bề dày lịch sử về nghệ thuật tuồng truyền thống, đồng thời khán giả Quảng Nam rất mê tuồng. Điều đó thể hiện trong những đêm diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Đây còn là nơi có nhiều thiết chế văn hóa rất tốt, có thể phục vụ cho cuộc thi lần này”. Tuy nhiên, theo ông Chương, một điều đáng tiếc khi Quảng Nam không có một đoàn tuồng chuyên nghiệp nào tham gia. Trong khi đó, cùng nằm trong khúc ruột miền Trung và cũng được xem là cái nôi của tuồng, Bình Định có đến 2 đoàn tham gia gồm Nhà hát Tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi.
Tại cuộc thi “Sân khấu tuồng và dân ca kịch truyền thống chuyên nghiệp toàn quốc” (kéo dài từ 18 đến 28.5), chủ nhà Quảng Nam với đại diện là Đoàn dân ca kịch Quảng Nam tham gia vở “Biển và bờ”, phản ánh tình trạng tham nhũng, lạm dụng quyền hạn, tha hóa của một cán bộ lãnh đạo huyện. Điệu dân ca khu V cất lên vẫn ngọt ngào. |
Trở lại với Quảng Nam, tại các huyện đang có khá nhiều câu lạc bộ (CLB) tuồng tồn tại theo hướng tự phát, từ Quế Sơn đến Nông Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An… Nếu có hướng phát triển cụ thể, thì việc nuôi dưỡng những hạt nhân từ các CLB này để thành lập một đoàn tuồng chuyên nghiệp của tỉnh sẽ không quá khó. Chia sẻ về hướng giữ lửa cho đoàn nghệ thuật tuồng cũng như kêu gọi lứa diễn viên trẻ “đầu quân” cho đoàn tuồng, NSƯT Ngọc Quyền (Trưởng đoàn Nghệ thuật tuồng Thanh Hóa) cho biết: “Để đoàn tuồng tồn tại, chúng tôi phải đi bằng 3 chân, vừa diễn tuồng truyền thống phục vụ nhân dân, đưa tuồng gắn vào hoạt động của lễ hội hoặc tham gia lễ hội bằng vũ điệu trống đồng. Cách tân tuồng cũng trong giới hạn cho phép, để không gây “khó dễ” cho người nghe, phù hợp với cuộc sống hiện tại và dễ được chấp nhận hơn”.
Cuộc thi toàn quốc lần này, tuồng vẫn “được lòng” khán giả. Họ chăm chú và say mê theo từng động tác, câu hát của diễn viên. Tuy nhiên, dân ca kịch vẫn chiếm được cảm tình của nhiều khán giả hơn, dù để tìm được một vở dân ca kịch diễn tự nhiên, không gượng ép, khô khan là điều rất khó.
SONG ANH