Thấy anh Ba Quế Phong ở huyện Quế Sơn tay xách bao, tay cầm mủng ra đồng bón thúc phân cho lúa, Tư ruộng thắc mắc: “Ủa, cách đây hơn 1 tuần nghe anh nói hồ chứa Hố Giếng cạn kiệt nghiêm trọng khiến ruộng lúa bị nứt toác, nhưng chừ lại tay xách nách mang? Anh Ba hớn hở trả lời cũng nhờ đợt mưa vàng vừa rồi...
Hè thu này anh Ba gieo sạ tổng cộng 5 sào lúa. Hồi giữa tháng 6, khi lúa bước vào giai đoạn đẻ nhánh rộ thì nắng nóng kéo dài trên diện rộng, hồ chứa Hố Giếng khô kiệt khiến cây lúa ngắc ngoải. Đang rầu lòng vì ruộng lúa sắp chết héo thì cuối tuần qua trời đổ mưa ầm ầm làm anh vui như trẩy hội. Bưng mủng phân vãi trên những đám lúa non đang bắt đầu hồi sinh, anh không giấu được niềm vui: “Mấy ngày trước, thấy từng vạt lúa úa vàng tui cứ nghĩ vụ ni sẽ bị mất trắng hoàn toàn. Ai ngờ ông trời ổng thương làm cho trận mưa quý hơn vàng. Bây giờ, chân ruộng nào cũng đầy nước, phải tranh thủ mua phân về bón thúc để bù đắp lại thời kỳ cây lúa bị suy và giúp nó đẻ nhánh khỏe hơn”. Không riêng anh Ba Quế Phong, hàng nghìn hộ dân khác ở vùng rốn hạn Quế Sơn cũng hết sức phấn khởi vì hơn 700ha lúa đang “thì con gái” sắp bị chết héo đã được ông trời giải cứu.
Nắng nóng hoành hành dữ dội, hàng loạt hồ chứa và đập dâng tụt xuống mực nước chết làm ít nhất 900ha lúa non trên địa bàn huyện Đại Lộc phải sống vất vưởng, còi cọc hơn nửa tháng nay. Trước tình trạng ấy, rất nhiều người dân ở địa phương này đã phập phồng lo vụ mùa thất bát. Thế nhưng từ đêm 21 đến chiều tối 22.6 trời liên tục trút mưa khiến người dân mừng như phất cờ trong bụng. Ông Lê Văn Thanh – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Đại Lộc cho biết, đợt mưa lớn kéo dài ấy không chỉ giúp cho số diện tích lúa vừa nêu thoát khỏi nguy cơ chết héo mà còn hạn chế được sự bùng phát của rầy nâu và rầy lưng trắng – tác nhân lây truyền 3 loại bệnh nguy hiểm là vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen. Đặc biệt, mưa cũng đã cung cấp một lượng đạm tự nhiên rất lớn cho đồng ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Theo ông Thanh, ngay sau đợt mưa này, ngành nông nghiệp huyện, chính quyền các địa phương ở Đại Lộc sẽ tập trung vận động nông dân khẩn trương thu hoạch đậu xanh và nhanh chóng cải tạo 300ha đất màu để gieo tỉa bắp lai vụ 3 nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trao đổi với Tư Ruộng, anh Sáu Thủy Lợi cho hay, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, cuối tuần rồi tại rất nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện đợt mưa vừa đến mưa to kéo dài suốt 15 tiếng đồng hồ. Đợt mưa hiếm hoi này đã giải cứu không dưới 12.000ha lúa non ở những vùng cuối kênh sắp chết héo vì bị khô hạn nặng từ cuối tháng 5 dương lịch đến nay. Anh Sáu nói: “Đêm 21.6, khi mưa lớn bắt đầu xuất hiện, chúng tôi lập tức cho đóng cửa xả của tất cả các hồ chứa và đập thời vụ để tiết kiệm nguồn nước nhằm đảm bảo cung ứng cho cây trồng lúc thời tiết khắc nghiệt”. Theo anh Sáu, đợt mưa này không chỉ giúp ngành thủy lợi cắt giảm được một phiên tưới kéo dài 8-10 ngày mà còn bổ sung một lượng nước rất lớn cho hệ thống đập và hồ chứa vốn dĩ đã bị cạn kiệt suốt nhiều tháng nay.
TƯ RUỘNG