Những năm qua, Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đầu tư đồng bộ
Đông Giang đang nỗ lực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) vào cuộc sống, đặc biệt là thực hiện ba khâu đột phá đã được xác lập. Với trách nhiệm của mình, Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang tham mưu UBND huyện tiến hành hai bước đột phá, bao gồm tập trung nguồn lực xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ vào sản xuất. Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang Nguyễn Tấn Tuân cho hay, huyện có 4 đề tài, dự án khoa học công nghệ được triển khai; trong đó 2 đề tài đã nghiệm thu và đang thực hiện 2 đề tài khác có tổng kinh phí dự toán trên 810 triệu đồng. Qua thực nghiệm cho thấy, mô hình trồng bắp bằng phân vi sinh và mô hình trồng cây mật nhân dần mang lại tín hiệu khả quan cho nhà nông.
Nhà thầu đã hoàn thiện nền tuyến ĐH4.ĐG, chuẩn bị thi công phần mặt đường. |
Về kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho giai đoạn mới, ông Nguyễn Tấn Tuân cho hay, huyện có 120 công trình được phê duyệt đầu tư với tổng dự toán 264,343 tỷ đồng. Cụ thể, 46 công trình dân dụng, 44 công trình giao thông, 17 công trình hạ tầng kỹ thuật, 12 công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, 1 công trình công nghiệp. Làng nghề Đhrôồng (xã Tà Lu) sau khi 2 cây cầu bê tông cốt thép hình thành, cùng với đó 1,5km đường được nâng cấp để phục vụ du khách. Nhờ chỉnh trang hạ tầng hoàn thiện, xã Ba là địa phương đầu tiên của Đông Giang được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới.
Đông Giang xác định bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phải “đi trước một bước” về hạ tầng giao thông, trọng tâm là hệ thống đường huyện (ĐH) và giao thông nông thôn (GTNT). Ngoài ngân sách tỉnh, HĐND huyện Đông Giang đã ban hành Nghị quyết số 84/2015/NQ-HĐND quy định tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách huyện, xã thực hiện phát triển GTNT trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 và đến 2025. Mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là tiếp tục kiên cố hóa 18km, nâng tổng số chiều dài mặt đường được đổ bê tông xi măng lên 103km. Nhưng mới giữa năm 2016, địa phương này triển khai làm xong 5,5km đường GTNT. Như vậy, số thôn trên địa bàn huyện có bề mặt các tuyến trục chính đã kiên cố hóa là 92/95 thôn. Kết nối liên vùng, các tuyến đường Za Hung - Jơ Ngây, An Điềm - A Sờ hoàn thành công tác đầu tư và đưa vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Đẩy mạnh hạ tầng giao thông
Chuyên viên Phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang - ông Phan Anh Tuân cho biết, năm 2016, huyện tiếp tục đầu tư kiên cố hóa hơn 4,2km bề mặt 3 tuyến ĐH, bao gồm ĐH3.ĐG (Jơ Ngây - Kà Dăng), ĐH4.ĐG (quốc lộ 14G - Zà Há, Jơ Ngây), ĐH6.ĐG (thị trấn Prao - quốc lộ 14G). Kinh phí dự kiến triển khai là 11,19 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hỗ trợ 8,95 tỷ đồng). Đến thời điểm gần cuối tháng 7, tuyến ĐH3.ĐG có chiều dài xây dựng thực tế 1,365km và bề rộng nền 5m, mặt đường rộng 3,5m đã đưa vào khai thác, tạo diện mạo mới cho khu dân cư, là “điểm tựa” cho an sinh xã hội và an toàn giao thông cho 2 xã Kà Dăng và Jơ Ngây.
Thời gian tới, Đông Giang sẽ đầu tư hiện đại hóa đường giao thông ở thị trấn Prao, Sông Vàng (xã Ba) và trung tâm các xã nằm trên quốc lộ 14G. Lập dự án kiến nghị tỉnh đầu tư tuyến đường kết nối xã Ba - xã Tư - xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Triển khai kiên cố hóa 13km ĐH theo Nghị quyết số 134/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; xây dựng 17,5km GTNT theo đề án phát triển GTNT huyện đến năm 2020. Xây dựng cụm công nghiệp rộng 7,5ha tại thôn Bốn của xã Ba; tiếp tục đầu tư hạ tầng làng nghề; khai thác tốt nguồn nước khoáng nóng Sông Kôn. Nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng phát triển giống cây chè dây bằng nuôi cấy mô; ứng dụng kỹ thuật trồng, phát triển cây rau dớn tại làng Vầu của xã Tư, nuôi giống tôm càng xanh trên một số diện tích mặt nước hộ gia đình. |
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm vừa qua, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Sinh biểu dương Đông Giang là địa phương triển khai thực hiện phát triển hệ thống ĐH đúng tiến độ. Đi thực tế trên công trường xây dựng ĐH4.ĐG, chúng tôi nhận thấy Công ty TNHH Hồ Minh đã hoàn thiện xong phần nền đường. Nhà thầu cũng đã tập kết nguyên vật liệu, thiết bị máy móc để chuẩn bị thi công mặt đường bê tông xi măng trong nay mai, phấn đấu hoàn thành đầu tháng 9 tới.
Về phương án giải phóng mặt bằng, ông Phan Anh Tuân cho hay, huyện thực hiện đúng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó vận động đồng bào hiến đất để mở rộng nền. Già Alăng Hế (thôn A Ram 2, xã Jơ Ngây), nói: “Gia đình tôi hiến 150m2 đất mà không lấy đồng bồi thường nào, huyện chỉ hỗ trợ chút ít cây cối, hoa màu, vật kiến trúc bị ảnh hưởng. Chủ trương này được bà con nắm bắt rõ, nên ai cũng đồng thuận. Xưa, nó hẹp lắm, dốc đá không ai dám đi xe máy cả. Giờ thì tốt quá rồi, bán cây keo, gia súc, gia cầm có giá trị hơn nhiều”.
Có thể khẳng định, Đông Giang đã linh hoạt trong triển khai huy động nguồn lực đầu tư cho ĐH4.ĐG. Chẳng hạn như, kinh phí thi công nền thuộc Quỹ bảo trì đường bộ, còn mặt đường lấy từ đề án kiên cố hóa ĐH. Nếu không, tuyến đường trên khó thực hiện đúng lộ trình. “Trong tuần, huyện sẽ ký hợp đồng với nhà thầu để thi công ĐH6.ĐG. Tuyến này đã có sẵn nền, chỉ cần thi công mặt đường và cố gắng đưa vào sử dụng trước mùa mưa 2016” - ông Tuân thông tin.
CÔNG TÚ