Đột phá với tam nông

NGUYỄN SỰ 24/03/2015 09:31

Cùng với sự phát triển của công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch và xây dựng đô thị, “tam nông” ở Điện Bàn đang song hành bằng một tư duy mới, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo tiền đề để xây dựng thành công mô hình nông thôn mới (NTM).

 Những năm qua, huyện Điện Bàn chú trọng đầu tư thủy lợi hóa đất màu để hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung. Ảnh: Nguyễn Sự
Những năm qua, huyện Điện Bàn chú trọng đầu tư thủy lợi hóa đất màu để hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung. Ảnh: Nguyễn Sự

Chú trọng sản xuất hàng hóa

Mỗi mùa vụ nông dân trên địa bàn huyện canh tác tổng cộng 5.700ha lúa. Những năm qua, địa phương tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, lựa chọn nhiều loại giống có chất lượng đưa vào gieo sạ đại trà và đầu tư khâu thủy lợi một cách bài bản nên năng suất lúa tăng lên đáng kể. Nếu năm 2010 trở về trước, năng suất lúa bình quân toàn huyện chỉ đạt 55 tạ/ha thì nay tăng lên 63 tạ/ha. Năm 2012, huyện Điện Bàn triển khai xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Điện Phước. Mô hình này đã góp phần giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả kinh tế. Từ thành công đó, địa phương tiếp tục hình thành 11 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 300ha. Để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, chính quyền cơ sở và nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã chủ động liên kết với một số doanh nghiệp sản xuất lúa giống hàng hóa. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, cùng với việc gieo sạ 1.700ha lúa thương phẩm chất lượng cao như HT1, 13/2, mỗi vụ nông dân Điện Bàn còn sản xuất 1.000ha hạt giống lúa thuần, tập trung chủ yếu ở các xã Điện Thọ, Điện Hồng, Điện An, Điện Quang, Điện Phước. Theo ông Chơi, sản xuất hạt giống lúa thuần, nông dân thu lãi tăng thêm 25 - 30% so với làm lúa thường. Từ khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33 về đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, Điện Bàn đã giải ngân khoảng 10 tỷ đồng hỗ trợ nhà nông mua sắm 53 máy gặt đập liên hợp, 48 máy làm đất công suất lớn, 4 máy sấy thóc… nâng tổng số các loại máy vừa nêu đến thời điểm này lên 250 chiếc, tăng hơn 60% so với năm 2012, đưa tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa lên 95%, cao nhất cả nước.

Cùng với đó, người dân Điện Bàn cũng đầu tư phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò lai theo lối thâm canh, mang lại kết quả đáng phấn khởi. Theo thống kê, hiện tổng đàn bò của huyện là 17.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai chiếm 72%. Để có nguồn thức ăn phục vụ cho loại hình chăn nuôi này, nông dân sử dụng linh hoạt quỹ đất nông nghiệp để trồng hàng trăm héc ta cỏ voi chuyên canh và xen canh. Toàn huyện hiện có hàng nghìn hộ dân nuôi bò đàn với quy mô mỗi mô hình 10 - 40 con, hằng năm thu lãi 100 - 300 triệu đồng. Ngoài ra, Điện Bàn còn hình thành được 390 mô hình chăn nuôi heo hướng nạc, gia cầm theo hình thức trang trại và gia trại cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó có 59 trang trại đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ NN&PTNT...

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thành công trong phát triển kinh tế nông nghiệp chính là tiền đề quan trọng để huyện Điện Bàn thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Ông Hà Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, sau ngày quê hương giải phóng, với khẩu hiệu “Thay trời đổi đất, sắp đặt giang sơn, xóa bỏ nghèo nàn, xây đời hạnh phúc”, đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây đã chung sức đồng lòng thực hiện khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mìn, cải tạo đồng ruộng, phát triển sản xuất, quy hoạch giao thông, nhà ở... Đặc biệt, qua 4 năm (2011 - 2014) xây dựng mô hình NTM, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao, hệ thống điện - đường - trường - trạm được đầu tư thi công đồng bộ, khang trang. Năm 2014, thu nhập bình quân đầu người ở Điện Quang đạt 24,3 triệu đồng, tăng 8,3 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo của xã cách đây 5 năm là 10,8%, nay giảm còn 3,6%... Nhờ vậy, đến cuối năm 2014 Điện Quang trở thành địa phương dẫn đầu tốp 10 xã điểm của tỉnh cán đích NTM và được tặng thưởng công trình phúc lợi xã hội trị giá 1 tỷ đồng.

Chăn nuôi bò thâm canh là hướng phát triển kinh tế chủ lực của ngành nông nghiệp Điện Bàn hiện nay.
Chăn nuôi bò thâm canh là hướng phát triển kinh tế chủ lực của ngành nông nghiệp Điện Bàn hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Chơi cho hay, từ năm 2011 đến nay toàn huyện đã huy động gần 619 tỷ đồng để đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Theo kế hoạch, năm 2015 Điện Bàn sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM gồm Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Hòa, Điện Thắng Bắc. Các xã còn lại là Điện Tiến, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam, Điện Minh, Điện Phương duy trì mức độ mỗi xã đạt hơn 13 tiêu chí, tiếp tục phấn đấu đạt và giữ vững một số tiêu chí như văn hóa, môi trường. Riêng những tiêu chí cần nhiều nguồn lực đầu tư như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... huyện cũng đã vạch ra lộ trình hoàn thiện cụ thể nhằm đảm bảo giai đoạn 2016 - 2020 các địa phương hoàn thành đủ 19 tiêu chí.

Theo chương trình hành động, thời gian tới, Điện Bàn tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền xây dựng NTM, trong đó tập trung phổ biến cơ chế, chính sách mới và những cách làm hay, sáng tạo; vinh danh tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. Để đạt hiệu quả cao hơn, địa phương sẽ linh hoạt lồng ghép các chương trình, đề án phát triển trên địa bàn theo hướng ưu tiên đầu tư những tiêu chí chưa đạt và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Cùng với thực hiện đồng bộ đề án phát triển sản xuất, xây dựng và nhân rộng những mô hình có hiệu quả trên tất cả lĩnh vực, nhất là chăn nuôi, trồng trọt, Điện Bàn còn tập trung phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại ở khu vực nông thôn nhằm giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống người dân...

Cho sự bền vững

Những ngày tháng 3 lịch sử, chúng tôi có dịp trở lại 3 xã Gò Nổi (Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang), những cánh đồng một thời nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu trồng khoai sắn… giờ đã xanh mướt các loại cây trồng cạn cho giá trị kinh tế cao. Ông Phạm Sỹ ở thôn Bảo An (xã Điện Quang) cho biết, gia đình ông có 7 sào đất màu ven bãi bồi sông Thu Bồn, vụ đông xuân và hè thu năm 2014, nhờ thời tiết thuận lợi, hạt giống chất lượng, nước tưới đảm bảo nên sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu về mức lãi ròng 40 triệu đồng từ việc canh tác đậu cô ve, ớt.

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng NN&PTNT Điện Bàn, toàn huyện có tổng cộng 6.000ha đất màu. Những năm qua, địa phương huy động mọi nguồn lực để đầu tư 260 tỷ đồng thi công hệ thống thủy lợi hóa đất màu. Đồng thời tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, ứng dụng đại trà các gói kỹ thuật mới và tăng cường liên doanh, liên kết nhằm đưa việc sản xuất phát triển theo hướng tập trung, giúp nhà nông ổn định đầu ra của các mặt hàng nông sản, tránh tình trạng được mùa mất giá như lâu nay. Tính đến cuối tháng 3.2015, nông dân trên địa bàn huyện đã xây dựng được hàng nghìn mô hình chuyên canh, luân canh, xen canh nhiều loại rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày theo phương thức hàng hóa với tổng diện tích 3.500ha. Bình quân mỗi năm một héc ta canh tác theo hướng này mang lại cho người dân mức thu nhập 110 - 170 triệu đồng. Ông Chơi còn cho hay, thời gian qua, Điện Bàn đã tạo điều kiện để Công ty CP Sản xuất & thương mại Việt Thiên Ngân và Công ty TNHH Minh Long thuê đất tại xã Điện Phương thực hiện dự án sản xuất rau quả an toàn. Huyện cũng đang liên kết với Công ty TNHH Thương mại - xuất nhập khẩu Việt Thắng ở tỉnh Hải Dương gieo trồng khảo nghiệm một số loại cây như dưa leo, gừng, cà tím, tía tô và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân. Đặc biệt, địa phương đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững gắn với xây dựng xã NTM.

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đột phá với tam nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO