Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị TP.Hội An: Ì ạch vì vướng mặt bằng

QUỐC TUẤN 19/10/2021 11:41

Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam” đang gặp nhiều khúc mắc, trọng tâm vẫn nằm ở vấn đề giải phóng mặt bằng.

Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam” đang nằm trong nhóm dự án trọng điểm được tỉnh theo dõi, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Q.T
Dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó biến đổi khí hậu TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam” đang nằm trong nhóm dự án trọng điểm được tỉnh theo dõi, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Q.T

Ách tắc mặt bằng

Hiện nay có 3 trong số 6 dự án thành phần thuộc dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam” đang vướng mặt bằng.

Với dự án thành phần HA/W1 xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và hồ Pháp Bảo, việc thi công (tại khu vực Điện Bàn) chưa thể triển khai do đất ở của người dân nằm trong khu vực dự án chưa phê duyệt giá đất cụ thể, chưa tiến hành kiểm kê chi tiết, chưa ban hành thông báo thu hồi đất.

Đến nay 3 dự án thành phần thuộc dự án “Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP.Hội An” vẫn còn vướng mắc mặt bằng, với gần 900 hộ dân bị ảnh hưởng đất ở, đất nông nghiệp, vật kiến trúc. Dự án này có vốn vay ODA từ Ngân hàng ADB và có tiến độ cam kết hoàn thành vào cuối năm 2022.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ dự án, cán bộ cấp xã, phường ở Điện Bàn cần phải xắn tay vào thực tế hơn nữa. Phải tìm hiểu tâm tư, nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ dân thì mới tháo gỡ vướng mắc.

Ngoài ra, địa phương không thể viện lý do thiếu nhân sự nên để chậm tiến độ dự án trọng điểm này. Cần phải linh hoạt trong việc giao nhiệm vụ, sẵn sàng điều động tạm thời để đáp ứng yêu cầu công việc.

Với dự án thành phần HA/W3 nạo vét sông Cổ Cò, có đoạn sông, công tác giải thửa, kiểm kê đã được 80 - 90% nhưng chỉ có hộ dân ký, tổ công tác ký không đầy đủ phải kiểm kê lại bởi hiện trạng bị thay đổi.

Có đoạn sông dù chỉ trên địa bàn 1 phường nhưng mới chỉ bồi thường được một phần, còn lại người dân không chịu nhận bồi thường hoặc chưa lập được phương án bồi thường nên rất khó triển khai thi công.

Còn dự án HA/W4 nâng cấp, cải tạo đường ĐT608 thực hiện mới chỉ đạt gần 35% giá trị hợp đồng do vướng mặt bằng ở cả 3 đoạn tuyến. Cá biệt đoạn tuyến ĐH14 thuộc dự án thành phần này vẫn “đóng băng” 23 tháng từ ngày bàn giao cọc giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Cảnh Hà - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho hay, có đoạn đã bồi thường, bàn giao mặt bằng từ lâu nhưng đành chịu không thể thi công được, vì mặt bằng xen kẽ “da beo” với đất ở chưa bồi thường nên không có đường vào để thi công.

Ngoài việc nâng cấp hạ tầng khung, khớp nối giao thông đối ngoại, các dự án thành phần trên khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ vấn đề ngập úng đô thị của các phường vùng đông (dự án nạo vét sông Cổ Cò) và điều hòa, giảm thiểu tác động của lũ lụt đối với khu vực trũng thường xuyên ngập sâu ở Điện Phương, Điện Nam Đông, Điện Minh… (dự án xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và hồ Pháp Bảo, dự án nâng cấp cải tạo đường ĐT608).

Tháo gỡ vướng mắc

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang, các vướng mắc xảy ra trong dự án này bắt nguồn từ việc phối hợp chưa tốt để có quỹ đất tái định cư ngay từ đầu. Hiện tỉnh tiến hành phân cấp cụ thể về địa phương nên Điện Bàn cần sớm phê duyệt các phương án bồi thường để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Để tháo gỡ vướng mắc dự án xây dựng hồ chứa nước Lai Nghi và hồ Pháp Bảo, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Minh Hiếu thông tin, trong tuần tới địa phương sẽ phê duyệt giá đất tái định cư cho 4 hộ dân nằm trong diện giải tỏa trắng ở xã Điện Phương. Điện Bàn sẽ xin tỉnh chủ trương giải phóng mặt bằng toàn bộ 39 hộ dân trục đường phía tây ĐT608.

“Điện Bàn sẽ xin chủ trương đầu tư khu tái định phục vụ nhu cầu tái định cư của các hộ này. Qua làm việc sơ bộ thì hầu hết các hộ dân rất đồng thuận với phương án giải tỏa trắng. Việc giải tỏa này cũng giúp khớp nối toàn tuyến, tạo cảnh quan cho định hướng phát triển du lịch về sau” - ông Hiếu nói.

Về đoạn tuyến ĐH14, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhìn nhận, hạn chế ban đầu bắt nguồn từ việc xác định vị trí khu tái định cư lúc đó không hợp lý. Việc này sẽ sớm được khắc phục khi hoàn thành chủ trương đầu tư, tiến hành đấu thầu và bố trí tái định cư cho các trường hợp liên quan vào đầu năm 2022.

Với dự án thành phần nạo vét sông Cổ Cò, ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN-MT nói sở sẽ cố gắng rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ liên quan, trong đó có thẩm định kiểm tra nghiệm thu, tuy nhiên các bộ phận chuyên môn của Điện Bàn khi trình hồ sơ cần trình đầy đủ, chẳng hạn hồ sơ phê duyệt khác hiện trạng thì phải có giải trình cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, đây là dự án có vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu để dây dưa thì phải tiếp tục trả lãi. Vì vậy phải tập trung nguồn lực hoàn thành đúng tiến độ cam kết chứ không dễ xem xét gia hạn tiến độ.

“Điện Bàn là một trong số ít địa phương được tập trung nhiều dự án trọng điểm với quy mô vốn đầu tư rất lớn nên cần phải tận dụng cơ hội để phát triển. Thị xã phải xem đây là dự án phục vụ cho địa phương, các dự án này cũng làm nền tảng rất tốt cho mục tiêu trở thành thành phố sau này của Điện Bàn” - ông Trần Xuân Vinh nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dự án phát triển môi trường, hạ tầng đô thị TP.Hội An: Ì ạch vì vướng mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO