Trong khi địa phương rất cần đầu tư sớm một khu vực xử lý rác thải quy mô thì người dân vẫn chưa đồng tình với vị trí xây dựng nhà máy vì lo sợ sẽ ô nhiễm nguồn nước ngầm. Do vậy, dự án buộc phải kéo dài thời gian tạm dừng để chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện, đánh giá lại tác động môi trường.
Tiếp tục tạm dừng dự án
Sau khi nhiều người dân thôn 2 và 3 xã Quế Cường (Quế Sơn) phản ánh gay gắt về tồn tại của dự án, chủ đầu tư và chính quyền đã có động thái thiện chí như đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân; kịp thời điều chỉnh vị trí, khoảng cách phù hợp để xây dựng. Người dân cho rằng, con suối Hương Mao chảy theo hướng đông – tây, vị trí nhà máy đặt sát, sau này nước thải sẽ tràn xuống khu dân cư. Trong phạm vi diện tích dự án có kênh Hố Vịt là nguồn cấp nước tưới tiêu đồng ruộng nên một số người lo xa dự án sẽ chặn dòng nước và ô nhiễm nguồn nước ở suối Hương Mao. Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Đoàn đánh giá dự án Khu chứa và xử lý rác thải Quế Cường (do UBND tỉnh thành lập cuối năm 2013) cho thấy, Hố Vịt không phải là kênh mà chỉ là khe nước rỉ ra từ trong núi (bề rộng 20cm, sâu khoảng 10cm) chảy trên bề mặt lâu ngày tạo thành rãnh mương nhỏ. Mặt khác, người dân đưa ra lý do khiếu nại là sao không công bố quy hoạch, triển khai xây dựng bãi rác rộng rãi trước khi thi công.
Khu vực xây dựng bãi rác Quế Cường. Ảnh: T.H |
Cần phải nói thêm rằng, một số dự án đầu tư trước đây trên địa bàn xã Quế Cường đã gây “tai tiếng” về ô nhiễm môi trường, làm mất lòng tin với người dân như nhà máy sản xuất tinh bột sắn, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi… Bí thư Đảng ủy xã Quế Cường – ông Phan Văn Lĩnh cho biết, khó khăn của dự án này là người dân mất niềm tin khi trên địa bàn có quá nhiều nhà máy ô nhiễm môi trường nhưng chưa khắc phục triệt để. Với dân nằm trong vùng đền bù, giải tỏa thì không cản trở, ngược lại các hộ nằm ngoài dự án lại phản đối. “Thực tế hiện nay, khu vực xã Quế Cường có một số giếng nước bị ô nhiễm, bệnh ung thư xuất hiện ngày càng nhiều và đặc biệt có nhiều ý kiến trái chiều trong nhân dân về dự án này. Cho nên, không cách nào tốt hơn là chính quyền phải an dân trước khi xây dựng” – ông Lĩnh nói. Sau khi kểm tra, thị sát hiện trường bãi chôn rác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang quyết định kéo dài thời gian tạm dừng dự án để chủ đầu tư, các bên liên quan tiếp tục hoàn thiện, tìm biện pháp tốt nhất cho dự án.
Công nghệ an toàn mới triển khai
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng nếu thi công dự án năm 2014 như đã phê duyệt hoặc điều chỉnh thì phải ưu tiên triển khai công trình cấp nước sạch cho thôn 2 và 3 vào năm 2015. Chính quyền huyện Quế Sơn cần làm việc với ngành chức năng đề xuất bổ sung công trình cấp nước sạch tại đây vào quy hoạch, kế hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của tỉnh. |
Sở Tài nguyên – môi trường đánh giá, dự án nằm trên vùng đồi gò, không có công trình xây dựng, đường giao thông; hai bên đường ĐT611 rẽ vào khu xử lý rác không có dân cư sinh sống nên hạn chế tối đa các yếu tố bất lợi về môi trường. Theo ông Trần Văn Noa, Phó phòng Tài nguyên – môi trường huyện Quế Sơn, nếu không triển khai được bãi rác ở xã Quế Cường xem như quy hoạch chất thải rắn tại Quyết định số 154/QĐ-UBND của UBND tỉnh không thực hiện được. Về phía chủ đầu tư, sau khi người dân cản trở thi công đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức đối thoại ít nhất 5 lần, đến nay đã chi toàn bộ tiền giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Ngọ - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, hồ sơ đánh giá tác động môi trường được nghiên cứu khảo sát cẩn thận, được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các thông số kỹ thuật, địa chất mặt đáy, hệ số thấm bình quân của bãi rác đã được phân tích kỹ lưỡng. Cao trình đáy khu xử lý cao hơn cao trình mạch nước ngầm. Thực tế, đơn vị tư vấn thiết kế đã khoan sâu hơn 15m tính từ cao trình đáy nhưng không tìm thấy nước ngầm nên người dân hoàn toàn yên tâm. “Để triển khai dự án này, dù chi phí cao nhưng chủ đầu tư vẫn ưu tiên chọn công nghệ bãi chôn lấp hiện đại nhất hiện nay. Nhằm đảm bảo an toàn và chống thấm tuyệt đối, phương án tối ưu là lót bạt toàn bộ các hố rác bằng nhựa HDPE” – ông Ngọ nói. Trong khi đó, bà Lê Thị Tuyết Hạnh – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường đề xuất, trong trường hợp dùng công nghệ chôn lấp, vẫn chưa thấy đảm bảo thì có thể chọn giải pháp cuối cùng là đốt rác.
Trước sự “trắc trở” của dự án, ngày 18.3, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên – môi trường chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, chính quyền huyện Quế Sơn, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát lại vị trí quy hoạch dự án, xác định mức độ ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt lâu dài cho nhân dân thôn 2 và 3. Các giải pháp khắc phục theo hướng có thể giảm quy mô, tuổi thọ dự án; bố trí lại quy hoạch chi tiết tổng mặt bằng dự án cho phù hợp, giảm tối đa ảnh hưởng đến nguồn nguồn nước ngầm, mạch nước nhỉ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15.4.
TRẦN HỮU