Du lịch cộng đồng trong nông thôn mới

NGUYỄN SỰ - MAI LINH - NHÃ PHƯƠNG 14/11/2019 10:28

Những năm qua, Quảng Nam chú trọng khai thác các giá trị về di sản, văn hóa, sinh thái và nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Tỉnh cũng đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh liên kết với nhiều địa phương để đưa lĩnh vực được xem là mũi nhọn này phát triển nhanh, bền vững.

Khách du lịch khá thích thú với tour tham quan, trải nghiệm tại các làng quê xứ Quảng. Ảnh: N.S
Khách du lịch khá thích thú với tour tham quan, trải nghiệm tại các làng quê xứ Quảng. Ảnh: N.S

BƯỚC CHUYỂN TÍCH CỰC

Trên địa bàn Quảng Nam hiện có 2 Di sản văn hóa thế giới là Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An, có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, cùng 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích quốc gia (trong đó 46 di tích ở khu vực nông thôn), 350 di tích cấp tỉnh (trong đó 300 di tích ở khu vực nông thôn).

Về di sản văn hóa phi vật thể, ngoài Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO công nhận di sản thế giới, Quảng Nam còn có 9 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, hầu hết di sản này ở khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cạnh đó, tỉnh cũng có hơn 70 lễ hội truyền thống, 34 làng nghề tiêu biểu và nhiều hình thái di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng.

Khai phóng tiềm năng

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho biết, đối với phát triển du lịch nông thôn, Quảng Nam đã định hướng tại Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 27.12.2016) của Tỉnh ủy về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi và Đề án định hướng phát triển du lịch phía nam đến năm 2025.

“Hiện nay các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề nông thôn của tỉnh đã được nhiều địa phương quan tâm. Để thực hiện nội dung này, việc đẩy mạnh xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu và thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP sẽ góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Các nội dung này sẽ tương tác, thúc đẩy nhau cùng phát triển, tăng thu nhập cho cư dân nông thôn” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.

Khách du lịch khá thích thú với tour tham quan, trải nghiệm tại các làng quê xứ Quảng. Ảnh: N.S
Khách du lịch khá thích thú với tour tham quan, trải nghiệm tại các làng quê xứ Quảng. Ảnh: N.S

Ông Nguyễn Anh Tài - Trưởng phòng Kế hoạch & nghiệp vụ thuộc Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho hay, thời gian qua Quảng Nam tập trung xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động không gian sản xuất nông nghiệp, với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, các giá trị của nông nghiệp truyền thống. Một số sản phẩm nông nghiệp - nông thôn gắn với hoạt động du lịch đã được hình thành, phát triển trong những năm qua.

Cụ thể, tỉnh đã tập trung xây dựng 30 điểm du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn, trong đó 7 điểm đã được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch và 23 điểm đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư, hoàn thiện. Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối đến các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được chú trọng đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lữ hành đưa khách đến tham quan, trải nghiệm.

Nhờ đó, các điểm đến bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, như chương trình trải nghiệm các hoạt động nghề nông ở làng rau Trà Quế và Thanh Đông, làng gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu Cẩm Thanh (Hội An); làng Triêm Tây (Điện Bàn), làng trái cây Đại Bình (Nông Sơn), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ)…

Đẩy mạnh liên kết vùng

Theo số liệu thống kê, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch năm 2018 của tỉnh đạt 6.520.000 lượt, tăng 21,87% so với năm 2017. Trong đó, khách quốc tế đạt 3.800.000 lượt, tăng 37,3% so với năm 2017. Tổng doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2018 đạt 4.700 tỷ đồng, tăng 21,76% so với năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch của Quảng Nam đạt 4.007.855 lượt, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 55% so với kế hoạch. Trong đó, khách quốc tế đạt 2.505.035 lượt, tăng 24% với cùng kỳ năm 2018.

Trong những năm qua, Quảng Nam luôn chú trọng việc đẩy mạnh liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các địa phương khác trên cả nước.

Năm 2006 tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng; năm 2010 ký kết hợp tác với TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; năm 2015 tiếp tục “bắt tay” với Quảng Bình, Lâm Đồng, Cà Mau và các tỉnh khác thuộc khu vực miền Trung & Tây Nguyên.

Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước và quốc tế đã tạo dựng hình ảnh, vị thế của Quảng Nam nói chung và du lịch nói riêng, góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy các ngành khác phát triển. Đặc biệt, mô hình liên kết Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế do tỉnh Quảng Nam đề xuất đã được Tổng cục Du lịch chọn làm điển hình công bố cho cả nước. Nội dung hợp tác của 3 địa phương luôn ưu tiên phát triển 2 dòng sản phẩm là “Con đường di sản” và “Đường mòn sinh thái.

Ngoài việc đẩy mạnh liên kết vùng, thời gian qua Quảng Nam cũng luôn tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng như Tổ chức Lao động quốc tế - ILO về dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền Quảng Nam”; dự án “Phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tỉnh Quảng Nam”; Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế - FIDR về dự án “Phát triển du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu tại huyện Nam Giang”; dự án Trường Sơn Xanh về xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch sinh thái vùng Quảng Nam - Thừa Thiên Huế và xây dựng mô hình thí điểm du lịch sinh thái tại huyện Tây Giang.

“Những dự án hợp tác quốc tế đã góp phần quan trọng trong phát triển các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng. Đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân về hoạt động du lịch. Đặc biệt, tăng cường liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm được hỗ trợ…”  - ông Tài nhìn nhận.

VẪN CÒN TRỞ LỰC

Việc khai thác, phát huy các giá trị di sản, văn hóa, sinh thái và nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Quảng Nam thời gian qua vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế.

 

BÍ thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, khó khăn lớn nhất trong phát triển lĩnh vực này là chưa có định hướng chiến lược cho phát triển du lịch nông thôn một cách tổng thể. Việc quy hoạch phát triển du lịch nông thôn thiếu đồng bộ, chưa có sự liên kết chặt chẽ với ngành nông nghiệp. Đặc biệt, do chưa có cơ chế, chính sách từ trung ương nên các hoạt động hỗ trợ cho phát triển du lịch nông thôn chưa nhiều và chưa được đầu tư đúng mức, chủ yếu là các hoạt động hỗ trợ quy mô nhỏ, chưa tạo ra những điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn có tính đột phá...

Theo ông Đỗ Vạn Lộc - Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, quy hoạch NTM trước đây của nhiều địa phương chưa định hướng được phát triển du lịch hoặc có nhưng chất lượng quy hoạch chưa tốt; thiếu tính liên kết vùng, liên kết ngành cho phát triển du lịch. Đây là một trong những bất cập, dẫn đến điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch khu vực nông thôn thiếu bản sắc, chưa khai thác được giá trị văn hóa đặc trưng. Một số tour du lịch đến các khu vực nông thôn gồm du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm nông nghiệp… hiện nay đã có dấu ấn quy hoạch nhưng chưa được khai thác triệt để cả về nội dung và hình thức, mới chỉ dừng lại ở hình thức tham quan và tới xem làng.

Một thực tế nữa là, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng trong phát triển du lịch còn rất hạn chế, chưa tạo ra sự trải nghiệm đa dạng cho du khách thay vì “đến một địa phương là biết cả vùng”.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Trưởng phòng Phát triển nông thôn thuộc Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam, kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành và điểm đến du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái còn lắm khó khăn, sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa phù hợp với xu hướng phát triển và nhu cầu của thị trường, chưa thuận lợi trong việc kết nối tour...

Chính vì lý do trên, thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch tại khu vực còn thấp, sự kết nối giữa du lịch và nông nghiệp và các ngành khác chưa hiệu quả. “Có thể nhận thấy, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp chưa được đầu tư một cách đồng bộ. Công trình nhà vệ sinh, vệ sinh môi trường tại nhiều khu vực không đáp ứng yêu cầu.

Nhiều khu vực trọng điểm về du lịch nông thôn nhưng còn hạn chế kết nối giao thông với các trung tâm mua sắm. Tại nhiều khu du lịch sinh thái, dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng thấp” - ông Hùng nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống các thôn có du lịch, trang trại du lịch sinh thái, các khu vực trồng cây nông sản có tính mùa vụ nhưng chưa được liên kết thành mạng lưới để khai thác. Trong khi đó, thiếu doanh nghiệp kết nối thúc đẩy các sản phẩm du lịch và nông nghiệp. Mặt khác, trung ương chưa ban hành Đề án Phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM để định hướng chung cho cả nước và hướng đến liên kết các vùng nên cũng khó khăn cho địa phương khi triển khai thực hiện. Ở cấp trung ương và cấp tỉnh cũng chưa có chiến lược tập trung quảng bá, xúc tiến cho du lịch khu vực nông thôn.

Thực tế cũng cho thấy, Quảng Nam chưa có nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM, chưa xây dựng bộ tiêu chí OCOP cho các sản phẩm dịch vụ du lịch. Nhiều địa phương chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo, hướng dẫn phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch.

Công tác quản lý, điều hành tại các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở một số nơi còn bất cập. Hạ tầng giao thông chưa được kết nối đồng bộ và khâu quảng bá xúc tiến du lịch cũng rất hạn chế; chưa quan tâm đúng mức trong đào tạo nguồn nhân lực các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: “Không chỉ vậy, nguồn lực trong việc trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế; công tác bảo tồn giá trị di sản văn hóa, nhất là văn hóa phi vật thể chưa được đầu tư đúng mức; một số loại hình văn hóa của cộng đồng các dân tộc miền núi có nguy cơ bị mai một”.

GIẢI PHÁP NÀO TẠO “CÚ HÍCH”?

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát huy các giá trị di sản, văn hóa, sinh thái và nông nghiệp để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) mang lại thành công lớn, thời gian đến Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cần có định hướng chiến lược cho phát triển du lịch nông thôn của tỉnh một cách tổng thể. Ảnh: N.P
Cần có định hướng chiến lược cho phát triển du lịch nông thôn của tỉnh một cách tổng thể. Ảnh: N.P

Thực hiện tốt khâu quy hoạch

Theo ông Đỗ Vạn Lộc - Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, các ngành các cấp cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng khu vực nông thôn. Đồng thời xây dựng quy hoạch tổng thể về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM. Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các tiêu chí xây dựng NTM cũng như nâng chất các tiêu chí NTM. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, đề cao vai trò của cộng đồng trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa, khai thác có hiệu quả sản phẩm du lịch sinh thái. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong khi đó, ông Phạm Đình Thành - Trưởng phòng Kế hoạch & tài chính thuộc Sở NN&PTNT cho rằng, cần phải đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM. Hình thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các làng quê, làng nghề. Tập trung xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu để trở thành những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá.

Cùng với đó, chú trọng phục dựng, trùng tu, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa ở địa phương gắn với việc phát huy có hiệu quả tài nguyên du lịch để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. “Vấn đề đáng quan tâm nhất là phải thực hiện tốt công tác quy hoạch và đầu tư tại các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng đảm bảo không phá vỡ cảnh quan, môi trường nông thôn.

Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư tại các điểm du lịch có tài nguyên đặc trưng và có khả năng lan tỏa; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách tại các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để kéo dài thời gian tham quan, lưu trú của khách.

Cần lưu ý là, việc thu hút nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng quy mô lớn, chất lượng cao nhưng vẫn phải đảm bảo cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ sản phẩm du lịch này. Đặc biệt, tích cực triển khai bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch đến cộng đồng và xây dựng đội ngũ người dân làm du lịch cộng đồng có phẩm chất tốt, hiểu biết về lịch sử, văn hóa...” - ông Thành nói.

Các bên cùng vào cuộc

Những năm qua, Quảng Nam tăng cường kêu gọi, vận động các địa phương ưu tiên phục hồi các thiết chế văn hóa truyền thống như đình làng, giếng nước, bờ tre, hàng rào chè tàu, cổng ngõ bờ tường đá. Toàn tỉnh nỗ lực bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa theo chiều hướng tiếp thu, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, hủ tục, mê tín, dị đoan nhằm có bước đi phù hợp để nuôi dưỡng và phát huy các giá trị văn hóa cộng đồng nông thôn. Đồng thời chú trọng phát triển các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và sưu tầm, khai thác các vốn văn hóa dân tộc; phục hồi các lễ hội dân gian truyền thống, đa dạng về hình thức tổ chức hoạt động, giữ đúng nguyên gốc nội dung lễ hội. Hằng năm, ở các xã xây dựng NTM, công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian diễn ra thường xuyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của người dân...

Theo ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, nhất thiết phải đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gồm nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên ngành.

Đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò của các công ty lữ hành trong việc kết nối với các chủ thể hoạt động du lịch nông nghiệp trong khâu đưa du khách đến tham quan, lưu trú, mua sản phẩm nông nghiệp. Cần chú ý chia sẻ hài hòa lợi ích các bên tham gia, nhất là chia sẻ lợi ích đối với người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp phục vụ du lịch.

Cạnh đó, phát huy vai trò phối hợp liên ngành nông nghiệp - du lịch; xây dựng chương trình chung về phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm gắn với xây dựng NTM; tổ chức xây dựng, hoàn chỉnh bản đồ du lịch nông nghiệp.

“Quảng Nam cần quan tâm xây dựng, hình thành trục văn hóa - nông dược (nông nghiệp và dược liệu) theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP để phát triển nhóm sản phẩm thứ 6 về dịch vụ du lịch nông thôn nhằm tạo ra lợi nhuận kép, đó là lợi nhuận tự thân của sản phẩm du lịch và lợi nhuận từ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp mà do du lịch mang lại” - ông Lợi nói.

Nhiều ý kiến khác cho rằng, cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sức khỏe, du lịch trải nghiệm giáo dục, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa dân gian đồng quê kết hợp chặt chẽ với cộng đồng sản xuất nông nghiệp trong khu vực nông thôn. Triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực nông thôn dựa trên lợi thế của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái của các địa phương tới các thị trường mục tiêu. Hỗ trợ các liên kết trong hoạt động kinh doanh du lịch giữa các khu, điểm du lịch nông thôn với các doanh nghiệp lữ hành và thị trường khách du lịch để chào bán sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn cho khách du lịch nội địa và quốc tế. Tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng mang tính liên kết vùng, thông qua kết nối nông nghiệp du lịch, gắn kết du lịch với những mô hình sản xuất, tạo ra những giá trị đa dạng từ kinh tế - xã hội cho đến văn hóa tinh thần và diện mạo NTM. Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển và hội nhập của du lịch...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch cộng đồng trong nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO