Theo đuổi quan điểm làm du lịch không phải chạy theo thị hiếu, mà hướng khách tiếp cận sản phẩm độc đáo của mình, hơn 3 năm nay TS-KTS. Ngô Anh Đào về ở hẳn Triêm Tây, dựng lên trang trại An Nhiên.
Trên diện tích hơn 2ha ven sông Thu Bồn, TS.Đào đã bày biện cho mình một mô hình; ở đó có những ngôi nhà sinh thái bằng vật liệu tre gỗ, những loài rau, hoa bản địa, tất cả được bố trí đầy dụng ý. “Đó không phải là nơi dựng nhà xây phòng lên để lấy tiền lưu trú, tiền dịch vụ mà tạo ra cái cớ khách đến. Hay đúng hơn là mình tổ chức một không gian sống để người ta đến học hỏi và trả phí. Đó là cách làm kinh tế để tăng giá trị đất đai” - TS. Đào nói.
Những ngôi nhà sinh thái trong trang trại An Nhiên. Ảnh: K.LINH |
Tổ chức không gian sống
Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư quy hoạch cảnh quan, TS.Ngô Anh Đào cho rằng quan điểm “Hãy bán những cái khách cần chứ không phải bán những gì mình có” đã không còn phù hợp, thậm chí cổ hủ vì điều này chỉ hướng đến đối tượng khách đại trà. Bởi, cái mà người ta thật sự tò mò muốn xem, nhất là khách nước ngoài, rằng họ sẽ học được điều gì. Ví như trong ngôi làng đó, trong cái nhà này người ta sắp xếp không gian sống như thế nào, đối phó với những hiểm họa, thách thức ra sao… Chị đã áp dụng nó vào trong khu đất của mình và miệt mài theo đuổi. Ở đó khách sẽ nhìn thấy một thảm thực vật gần 200 loài đa tầng, đa tán và đa tác dụng. Từ cây đa lá nhỏ che bóng mát, cây gai làm hàng rào đến những loài cây bản địa như rau, hoa có thể ăn được nhưng vẫn tạo độ che phủ giữ ẩm đất hay có thể làm dược liệu.
TS-KTS.Ngô Anh Đào với những quan điểm về phát triển bền vững dựa vào yếu tố sinh thái. |
Chúng tôi làm kinh tế bằng cách bán chất xám thông qua xây dựng, tổ chức không gian sống độc đáo và thân thiện với mô hình nhà bằng tre và gỗ; từ đó kéo khách đến tham quan tìm mua ý tưởng và thiết kế của mình. Đó là cách làm kinh tế bền vững để tăng giá trị của sản phẩm chứ không khai thác như một dịch vụ du lịch hay cách làm thông thường khác.(KTS-TS.Ngô Anh Đào) |
Ngoài việc làm du lịch theo hướng “tổ chức không gian sống” độc đáo, TS.Đào đã biến khu đất mình thành nơi để thảo luận các chủ đề phát triển bền vững từ cảnh quan, ngôi nhà sinh thái, làm vườn hữu cơ, xử lý rác thải. “Số lượng khách đến chỗ tôi thực hành rất nhiều, hầu hết đều ấn tượng. Bởi vì du lịch bây giờ quá nhiều rồi, nên phải có sự khác biệt. Chỉ riêng câu chuyện chúng tôi ứng xử với bờ kè chống lũ đó là sự đảm bảo cho an toàn của làng và hiệu quả rõ rệt là giá đất tăng rất nhiều bởi họ nhìn thấy được sự triển vọng” - TS.Đào khẳng định. Có lẽ vậy mà chị đã quyết định “đặt cược” cuộc sống của mình vào trang trại An Nhiên, để hiện thực hóa quan điểm mới về du lịch. Ngoài 4 cộng sự giúp việc, tại đây còn có những nhóm sinh viên, học sinh, tình nguyện viên nước ngoài đến thực hành làm vườn, từ đó tạo sự lan tỏa cho mô hình. Những điều được đúc kết thông qua trải nghiệm sẽ là sự quảng bá đắt giá và trung thực để du khách tìm đến với trang trại An Nhiên.
Giá trị thuận tự nhiên
TS.Ngô Anh Đào không phải người xa lạ với Hội An hay Triêm Tây. Quê gốc Hà Nam nhưng từ năm 2008 chị đã làm tư vấn quy hoạch độc lập tại Hội An. Năm 2015 khi dự án làng du lịch cộng đồng Triêm Tây triển khai thì người phụ nữ 44 tuổi này đã chính thức gắn bó với làng vì muốn đối diện với những thách thức mà Triêm Tây gặp phải. TS.Đào cho rằng, nhìn trên quan điểm thông thường Triêm Tây không có gì quá đặc biệt, lợi thế của Triêm Tây chính là người dân đã đối phó được với thiên nhiên và thành công nhất chính là công trình kè chắn đất giữ làng mà KTS.Bùi Kiến Quốc mang lại.
Kè mềm giữ đất Ở dự án bờ kè An Nhiên, TS. Ngô Anh Đào sử dụng 3 lớp khóa sinh học: khóa 1 được làm bằng cọc tre cỏ phủ vải địa kỹ thuật dưới đáy, khóa 2 cũng bằng cọc tre được đóng xuống ghìm thảm cành gỗ củi (dạng mạng lưới, bàn cờ) và khóa 3 bằng cọc tre ghim lưới, củi cành và trồng cây bò sát đất có rễ sâu và giữ đất (rau muống biển). Tương ứng đó là 3 vùng trồng các loại cây phù hợp như vùng 1 phía ngoài cùng là vùng trồng cây ngập mặn (cây bần); vùng 2 là vùng ta luy cỏ và vùng 3 là vùng trồng cây ven bờ để chắn gió chắn cát, đi cùng với mỗi cây tiên phong là một quần xã thực vật các loài bổ trợ (ô rô, sậy, cỏ búa, ráng dại, dương liễu, thầu dầu, muống biển, cỏ chỉ…). |
Ba năm qua TS.Ngô Anh Đào đã theo đuổi và thực hành ý tưởng đó trong mô hình của mình với những chủ đề sinh thái xuyên suốt từ nhà cửa, hoa lá, vườn tược đến ứng xử với thiên tai. Thành quả nổi bật nhất chính là công trình kè mềm dài 205m dọc theo trang trại An Nhiên. Với quan điểm “dấu vết để lại” của đường lũ đi, “lùi để đón nhận” chứ không “tiến để chinh phục’’, TS.Đào đã áp dụng kỹ thuật gia cố mềm dựa trên việc sử dụng thảm thực vật thích hợp với điều kiện sinh thái bản địa. Kỹ thuật kè mềm hướng đến mục tiêu không chỉ giữ đất mà còn khôi phục sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái bờ nước và tạo điểm cảnh quan, điểm nhìn cho con người. Một phương pháp hoàn toàn thuận tự nhiên chứ không phải bê tông vươn ra để chắn sóng.
Dù mới triển khai được 8 tháng, các loài cây được trồng để làm kè mềm chưa lên nhưng hiệu quả rõ nét nhất của phương pháp này đã được thử thách, kiểm chứng trong cơn bão lụt cuối năm vừa qua. Thành công của bờ kè sinh thái trong việc giữ đất sau cơn lũ đã khiến chính quyền Hội An mời chị cùng các cộng sự của mình sang tư vấn thiết kế thi công kè chắn ven sông tại xã Cẩm Kim.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, phương pháp kè mềm 3 lớp của TS.Ngô Anh Đào có nhiều ưu điểm như tốt về sinh thái, chi phí thấp nên thành phố đã thống nhất chủ trương áp dụng phương pháp này tại khu đất ven sông thuộc xã Cẩm Kim (đoạn giáp với Triêm Tây), hiện chỉ chờ bổ sung, điều chỉnh một số thiết kế để hoàn thiện kỹ thuật trước khi triển khai.
KHÁNH LINH