Dù xuất hiện từ vài năm trước nhưng du lịch trả góp chỉ thật sự rộ lên trong những tháng đầu năm nay như là một giải pháp cạnh tranh và kích cầu du lịch. Tuy vậy, không phải ai cũng mặn mà với cách thức thanh toán này.
Du khách tham quan du lịch Thái Lan sẽ được thanh toán theo hình thức mua tour trả góp. |
Trả trước 30%
Một trong những doanh nghiệp đang đẩy mạnh hình thức du lịch trả góp là Công ty cổ phần du lịch Việt Đà (Đà Nẵng). Khách mua tour theo hình thức này chỉ cần trả trước 30% tiền tour, số còn lại sẽ được thanh toán dần từ 3 tháng đến 1 năm thông qua một công ty tài chính (công ty HD SAISON). Với du lịch trả góp, khách có thể dễ dàng mua tour tham quan đến tất cả những điểm mình thích chỉ với số tiền mặt tương đối. Ông Đinh Văn Lộc – Giám đốc Công ty du lịch Việt Đà chia sẻ, mục đích của đơn vị khi tung ra chương trình này nhằm tạo điều kiện cho hầu hết người dân đều có cơ hội được đi tham quan du lịch với số tiền mặt tương đối, nhất là trong dịp hè. “Hiện nay nhiều gia đình muốn tranh thủ lúc con em được nghỉ học dịp hè để sắp xếp thời gian du lịch nhưng không phải ai cũng đủ kinh phí, còn đợi đến cuối năm khi tài chính dồi dào thì các con đã vào năm học mới, nên với hình thức mua tour trả góp này sẽ là cách thuận tiện nhất để giúp mọi người có một chuyến tham quan du lịch nhanh chóng, dễ dàng” - ông Lộc nói.
Cùng hình thức chào bán tour mới nhưng với Công ty du lịch Viettourist (Đà Nẵng) lại tập trung ưu đãi dành cho khách đặt cọc giữ tour. Theo đó, nếu khách có dự định đi du lịch trong 12 tháng tới ngay từ bây giờ chỉ cần đặt cọc trước 500 nghìn đồng (chủ yếu dành cho tour Thái Lan và Campuchia), sau khi thống nhất thời gian cụ thể khách tiếp tục thanh toán 50% giá tour, số tiền còn lại sẽ được hoàn tất trước khi khởi hành. Theo đại diện Viettourist, cách làm này giúp khách tiết kiệm được một khoản tiền do giá tour đã được giữ cố định ngay tại thời điểm đặt cọc. “Một năm sau nếu giá tour có tăng thì chúng tôi cũng chỉ thu theo giá bán lúc đặt cọc, trường hợp giá tour giảm thì khách hàng cũng không thiệt thòi vì chúng tôi sẽ tính theo giá giảm theo thời điểm khách đi” - vị đại diện Viettourist giải thích.
Hiệu quả đến đâu?
Qua khảo sát một vài du khách và doanh nghiệp lữ hành dễ dàng nhận thấy có những ý kiến trái chiều về cách thức bán tour này, đa số đều tỏ vẻ hoài nghi với hiệu quả của chương trình vì tâm lý người Việt thường không muốn bỏ tiền để trả góp hàng tháng cho các dịch vụ chưa cần thiết. Chưa kể lãi suất dành cho loại hình giống như vay tiêu dùng cũng không hề thấp, ước đoán từ 10% - trên 20%/năm. Ông Trần Lực – Phó Giám đốc Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, nếu đặt vào địa vị của một khách hàng thì ông sẽ không mua tour trả góp hay đặt cọc tiền cho một chuyến đi chơi. Lý do, vì đi du lịch thì phải có tiền sẵn, thậm chí phải dư giả, còn nếu phải thiếu nợ thì sẽ khó được thoải mái. Còn đứng ở góc độ doanh nghiệp thì việc triển khai chương trình này sẽ mang nhiều rủi ro nhưng lợi nhuận không cao. “Người ta có thể mua trả góp những vật dụng hoặc mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống của mình chứ ít người lại vay tiền để đi chơi cả”- ông Lực nói. Cũng theo ông Lực, trước đây Saigontourist cũng đã tính đến việc triển khai hình thức bán tour như thế nhưng thấy không khả thi nên thôi.
Thực tế, chương trình vẫn rất hiệu quả nếu như đối tượng khách hàng hướng đến là cán bộ, nhân viên văn phòng có thu nhập ổn định và được đơn vị quản lý đứng ra bảo lãnh tổ chức mua tour, nhất là những tour đi xa có chi phí cao. Theo ông Phạm Đình Hoàng – Giám đốc Công ty du lịch Hoàng Anh Việt (Đà Nẵng), mỗi công ty có cách thức kinh doanh riêng, nhất là trong việc xác định thị trường và đối tượng khách. Do đó, hiệu quả kinh doanh và sức hấp dẫn của chương trình du lịch trả góp sẽ phụ thuộc vào giá trị tour vì nếu chỉ đi trong nước với giá từ 5 – 7 triệu/khách thì ít ai muốn trả góp phiền phức vì số tiền không lớn, ngược lại giá trị tour cao sẽ khó thu hút khách hàng mạo hiểm. “Nếu khách hàng có nhu cầu đi châu Âu du lịch hoặc thăm người thân chẳng hạn nhưng tại thời điểm hiện tại không đủ kinh phí thì hình thức trả góp này cũng là một phương án hợp lý. Tất nhiên, công ty tổ chức cũng cần chú ý đến độ rủi ro và lợi nhuận tương xứng” - ông Hoàng nhìn nhận.
Có thể nói, việc tung ra các chương trình chào mời khách du lịch dịp hè với những ưu đãi tập trung vào giá cả và dịch vụ đã mang đến nhiều cơ hội đi chơi hơn cho người dân, kể cả đến một số nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn có không ít hoài nghi từ phía khách và các đối tác khi phải “nợ” tiền du lịch, điều này cũng phần nào khiến chương trình vẫn chưa thật sự được đa số khách đón nhận.
KHÁNH LINH