Cùng với sự lan tỏa du lịch ra ngoài phố cổ, những miền quê của Hội An bắt đầu đón nhận du khách đến tham quan, mở ra cơ hội thay đổi sinh kế người dân. Tuy nhiên, việc người dân phát triển du lịch tự phát ngoài tầm kiểm soát cũng dẫn đến nhiều hệ lụy.
Việc du lịch phát triển tự phát sẽ làm cho bức tranh du lịch Cẩm Thanh xấu hơn trong mắt du khách.Ảnh: VĨNH LỘC |
Phá giá, tranh giành khách
Rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh, Hội An) những năm gần đây đã trở thành điểm du lịch sinh thái ưa thích của du khách bên ngoài phố cổ. Mỗi sáng nơi đây đón nhận hàng trăm lượt khách đến tham quan trải nghiệm như đánh cá trên sông, đi thúng rái khám phá rừng dừa, nghe hát bả trạo... Du lịch phát triển đã tạo sinh kế mới cho một bộ phận người dân nơi đây, nhất là phụ nữ khi cùng tham gia đưa đón khách. Thống kê tại thôn 7 (khu vực rừng dừa) đã có khoảng 90 hộ dân với 110 thuyền, thúng tham gia hoạt động đưa khách tham quan. Bên cạnh một số hộ tuân thủ quy định thì không ít người dân cũng tổ chức đưa đón khách theo kiểu tự phát “ăn xổi” phá giá, tranh giành khách. Theo ông Nguyễn Tấn Liên – chủ Khu du lịch Tuấn Liên (Cẩm Thanh, Hội An), dù mức giá quy định tối thiểu cho một lần đưa khách tham quan rừng dừa là 100 nghìn đồng nhưng thực tế, một số hộ dân đã giảm xuống còn vài chục nghìn đồng, trong khi chất lượng dịch vụ kém, gây mất lòng tin của khách. “Doanh nghiệp nếu có bắt khách cũng kêu người dân đưa đi, thậm chí số tiền trả cũng cao hơn mức giá họ chào khách, nhưng người dân không hiểu, chỉ thấy cái lợi vài chục nghìn đồng trước mắt; về lâu dài chắc chắn khách sẽ quay lưng” - ông Tấn Liên cảnh báo.
Gay gắt hơn, ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty lữ hành Khoa Trần cho rằng, cách làm của một số hộ dân nơi đây lộn xộn theo kiểu mạnh ai nấy hưởng. Không những vậy, do thiếu kỹ năng và ham lợi vài người dân còn tổ chức hoạt động đưa đón một cách cẩu thả, coi thường tính mạng khách. “Bơi thúng vô rừng dừa nhưng không ai mặc áo phao. Chưa kể có người uống rượu vô la hét om sòm rồi xin đểu tiền khách” - ông Khoa phản ánh. Tuy vậy, nghiêm trọng hơn là mối quan hệ giữa người dân với nhau và người dân với doanh nghiệp đang diễn ra theo chiều hướng xấu dần. Sự va chạm vì quyền lợi cũng bắt đầu xuất hiện. Đã từng xảy ra tình trạng người dân bắt đền doanh nghiệp do ghe đưa khách vào rừng dừa vướng bẫy rập, hay doanh nghiệp phải đi chuộc lại thúng bị tụt dây buộc thất lạc với giá cao. “Doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư ghe thuyền, trả lương nhân viên, trong khi vài người dân không được đào tạo chỉ có chiếc thúng cũng mang ra đón khách nên họ đâu cần quan tâm lợi hại; giá quy định 100.000 đồng thì họ sẵn sàng chèo kéo hạ xuống 30 - 40 nghìn đồng, với cách làm ăn cẩu thả này thì vài bữa nữa ai dám quay lại. Tôi không biết chính quyền ở đâu trong chuyện này?” - ông Khoa bức xúc.
Lúng túng cách giải quyết
Ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh thừa nhận, du lịch rừng dừa phát triển đã mang đến đổi thay rất lớn cho đời sống người dân vốn hàng bao đời gắn với nghề chài lưới, đi biển. Đặc biệt, thành phố không còn phải chở gạo xuống cứu đói cho dân những khi biển động như những năm trước. Tuy nhiên, với suy nghĩ ngắn hạn chỉ thấy cái lợi trước mắt nên tình trạng cạnh tranh, phá giá vẫn diễn ra thường xuyên dù xã luôn thuyết phục, quán triệt. “Xã đang nghiên cứu những quy định của luật du lịch, luật môi trường, cạnh tranh... để xây dựng quy chế mới ban hành đến dân chứ không thể như vậy được. Nhưng nói thật để đưa môi trường du lịch vào quy củ, chuyên nghiệp phải có thời gian chứ không thể nóng vội” - ông Thanh nói.
Thực tế, bên cạnh môi trường du lịch chưa tốt thì chất lượng hạ tầng, công trình phục vụ du lịch nơi đây còn khá yếu kém như thiếu nhà đón tiếp, thiếu các công trình vệ sinh, thiếu biển báo chỉ dẫn… Ngoài ra, do đa số công ty và doanh nghiệp, tổ du lịch cộng đồng đều thuộc người dân địa phương thành lập nên có sự hạn chế về kiến thức, kỹ năng du lịch, ngoại ngữ giao tiếp, dẫn đến công tác quảng bá, giới thiệu tiếp thị sản phẩm du lịch còn hạn chế và chưa được tập trung đầu tư. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, quan điểm của thành phố là phát triển du lịch cộng đồng Cẩm Thanh theo hướng sinh thái bền vững để người dân địa phương được hưởng lợi, vì phần lớn hộ dân nơi đây đều có cuộc sống khó khăn, chưa kể tại các thôn 6, thôn 7 số gia đình chính sách rất nhiều. “Tôi chưa nghe nói đến tình trạng đón khách lộn xộn ở Cẩm Thanh. Nếu có như vậy thành phố sẽ chỉ đạo Phòng Thương mại du lịch và xã Cẩm Thanh chấn chỉnh. Nhưng theo tôi dù sao đi nữa thì người dân cũng phải là người hưởng lợi đầu tiên trong phát triển du lịch nơi đây” - ông Sơn cho biết.
Phát triển du lịch đã trở thành hướng đi đúng đắn của nhiều địa phương nhằm thay đổi sinh kế, cải thiện cuộc sống người dân. Tuy nhiên, việc phát triển nóng, tự phát, thiếu sự kiểm soát sẽ dẫn đến những tác dụng ngược không chỉ ảnh xưởng xấu đến môi trường du lịch địa phương mà còn tác động đến môi trường tự nhiên và nhân văn. Chỉ khi nào doanh nghiệp có sự chia sẻ lợi ích với cộng đồng và người dân biết nhìn nhận đúng đắn về vai trò du lịch đối với cuộc sống của mình để có trách nhiệm hơn với điểm đến; khi đó bức tranh du lịch Cẩm Thanh nói riêng và Quảng Nam nói chung mới không khỏi xấu xí trong mắt khách. Và đó cũng chính là sự kỳ vọng trong thời gian đến.
VĨNH LỘC