(QNO) - Ngành công nghiệp không khói Việt Nam đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ, bên cạnh đó cũng đặt ra những thách thức cần giải quyết vì sự phát triển du lịch bền vững.
Khách quốc tế tới Việt Nam tăng mạnh. Ảnh: Vietnaminsider |
Số liệu thống kê mới đây của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho biết, khu vực đón 636 triệu lượt khách quốc tế trong năm ngoái, trong đó những điểm đến tăng trưởng nhanh nhất bao gồm Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Nepal. Ngành du lịch trở thành động lực kích thích tăng trưởng kinh tế cho nhiều quốc gia. Cũng trong năm ngoái, Việt Nam đón lượng khách quốc tế đạt kỷ lục trong vòng nhiều năm qua với 13 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt hơn 500.000 tỷ đồng (tương tương hơn 22 tỷ USD) .
Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công bố Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới trong năm 2017, tăng hơn 30% so với một năm trước đó. Du khách tới Việt Nam muốn trải nghiệm ẩm thực đường phố, đặc biệt tại các thành phố lớn, các kỳ quan thiên nhiên dọc đất nước và khám phá các di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận như vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, tháp Mỹ Sơn. Ngành công nghiệp không khói đóng góp 7,5% cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Với những thành tựu ấn tượng đó, du lịch đã được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.
Tờ The Jakarta Post (Indonesia) đăng tải bài viết của tác giải Mai Hương: Việt Nam hy vọng sẽ chào đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế và 82 triệu lượt khách nội địa đến năm 2020. Doanh thu du lịch dự kiến đạt 35 tỷ USD, đóng góp 10% GDP của đất nước và ngành công nghiệp có thể tạo ra 4 triệu việc làm, bao gồm 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác bao gồm xây dựng, bất động sản, bán lẻ, giáo dục và cơ hội việc làm.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, lượng du khách đến Việt Nam bùng nổ một mặt là tín hiệu vui cho ngành, là một điểm sáng của nền kinh tế. Mặt khác tạo ra những áp lực lớn từ vấn đề hạ tầng giao thông, môi trường, nguồn nhân lực, các danh thắng, di sản nếu những nơi này không được quản lý nghiêm ngặt và hiệu quả. Ngay như Thái Lan, vịnh Maya thuộc quần đảo Phi Phi chính thức đóng cửa trong vòng 4 tháng kể từ ngày 1.6 vừa qua để bảo tồn và phục hồi thiên nhiên. Hay hòn đảo Boracay của Philippines được lệnh đóng cửa trong vòng 6 tháng kể từ cuối tháng 4 vừa qua, vì những lo ngại về sự tàn phá ở bờ biển từng rất nguyên sơ này khi lượng du khách đổ về đây quá tải.
Cạnh đó, chính sách visa (thị thực) được cho là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Trong khi Việt Nam hiện mới chỉ miễn thị thực du lịch cho công dân 24 nước thì Indonesia miễn thị thực cho công dân 168 nước; Malaysia hiện đang miễn thị thực cho công dân 162 nước; tiếp sau là Singapore, Philippines miễn thị thực cho công dân 159 nước; Thái Lan miễn thị thực cho công dân của 57 nước...
Theo các chuyên gia, việc cần nâng cao nhận thức của khách du lịch về những quy định để tránh ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội của điểm đến, trong đó tôn trọng văn hóa của người bản xứ là điều rất cần thiết. Bên cạnh đặt mục tiêu tập trung vào chất lượng, làm sao để khách du lịch ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều tiền hơn, việc phát triển du lịch bền vững như là một giải pháp quan trọng để hạn chế những tác động tiêu cực có thể gây ra trong quá trình phát triển du lịch.
QUỐC HƯNG