Cần trợ lực cho du lịch xanh

VĨNH LỘC 14/07/2022 06:18

Du lịch xanh được xác định là mục tiêu chủ đạo trong chiến lược phát triển của Quảng Nam hiện nay. Tuy nhiên để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia đòi hỏi sự chung tay và lan tỏa của cả nhà nước, doanh nghiệp lẫn du khách.

Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình du lịch xanh để tạo nên sự động bộ cho mục tiêu phát triển du lịch Quảng Nam cho những năm tới. Ảnh: V.LỘC
Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình du lịch xanh để tạo nên sự động bộ cho mục tiêu phát triển du lịch Quảng Nam cho những năm tới. Ảnh: V.LỘC

Doanh nghiệp tự thân vận động

Khách sạn Santa Sea Villa Hội An là một trong những doanh nghiệp tiên phong đăng ký thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh. Dù vậy, đến nay vẫn chưa thể triển khai do phải dành thời gian tập trung vào những công việc cấp thiết hơn sau dịch.

Ông Lê Quốc Việt - chủ khách sạn Santa Sea Villa Hội An thừa nhận, mặc dù việc chuyển đổi sang mô hình du lịch xanh không khó. Tuy nhiên trong bối cảnh hoạt động du lịch vừa phục hồi, hầu hết doanh nghiệp rất khó khăn nên việc đầu tư cho hoạt động kinh doanh, kiện toàn nhân sự… trở nên cấp thiết và ưu tiên hơn.

“Bây giờ doanh nghiệp nào cũng chịu nhiều áp lực, từ lo đón khách, trả nợ ngân hàng, bổ sung lao động… nên tôi nghĩ không phải ai cũng quan tâm ưu tiên cho mục tiêu xanh mà phải cần thời gian, kể cả nâng cao nhận thức của mọi người để hiện thực mục tiêu này” - ông Việt nói.

Ông Việt cho rằng, bên cạnh nhận thức của mỗi cá nhân, doanh nghiệp thì sự nhìn nhận đánh giá của các cấp ngành liên quan về du lịch xanh rất quan trọng.

Cụ thể, Hiệp hội Khách sạn Việt Nam nên có bộ nhận diện dành cho những cơ sở lưu trú tham gia thực hiện du lịch xanh bằng các logo hoặc trên các hệ thống booking online để du khách phân biệt, nhận biết khi chọn lựa đặt phòng.

Phải làm cho doanh nghiệp thấy được sự nỗ lực của họ được ghi nhận và sẽ đạt được thành quả tốt trong kinh doanh.

Thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà với du lịch xanh. Đến nay, ngoài khoảng 14 doanh nghiệp tiên phong tham gia thực hiện bộ tiêu chí du lịch xanh, hầu hết còn đứng ngoài cuộc hoặc không quan tâm đến mục tiêu này.

Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty du lịch Emic Travel cho rằng, việc chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng du lịch xanh thời điểm hiện nay không hề đơn giản, do đó nếu không kiên định sẽ dễ bỏ nửa chừng. Bởi thị trường vẫn chưa có sự đánh giá đúng về lĩnh vực này nên chưa chấp nhận chi trả cho những hoạt động xanh bền vững.

Ảnh: V.LỘC
Ảnh: V.LỘC

“Thật ra, xu hướng du lịch xanh chỉ phù hợp với khách quốc tế còn khách Việt rất ít quan tâm nên khi mình đi vào chiều sâu văn hóa, môi trường thì lại không phù hợp với thời điểm hiện tại.

Mà khách quốc tế cũng phải đầu năm 2023 mới quay lại, trong khi nhà nước chưa có cơ chế cụ thể trợ lực doanh nghiệp thực hiện mô hình xanh nên nếu không có sự nhận thức và kiên trì mục tiêu doanh nghiệp sẽ dễ bỏ cuộc” - ông Hà bộc bạch.

Emic Travel là một trong số ít doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu du lịch xanh ở Quảng Nam, bước đầu đã thu gặt được thành công nhất định với những thị trường khách riêng biệt.

Cơ chế nào trợ lực?

Chuyển đổi mô hình xanh không chỉ cần thời gian thay đổi nhận thức trong doanh nghiệp, cộng đồng, du khách mà còn đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu, điều này không phải doanh nghiệp nào cũng đủ kiên trì và tiềm lực.

Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, đến nay nhà nước vẫn chưa có cơ chế cụ thể nào trợ lực doanh nghiệp chuyển đổi du lịch xanh, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích.

“Vừa rồi, sở cũng làm đề án đề nghị hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp về chuyển đổi công nghệ rác thải, hỗ trợ về thuế, nâng cấp sao hạng với các cơ sở lưu trú… nhưng khi trình lên một số sở ngành liên quan thì không có cơ chế giải quyết.

Do vậy, bây giờ tùy vào ý thức, nhận thức của từng doanh nghiệp về du lịch xanh, còn mình phải làm sao cho họ thấy, việc đầu tư ban đầu có thể tốn nhiều chi phí nhưng kết quả nhận lại rất tốt và lâu dài để doanh nghiệp từng bước thay đổi, thực hiện du lịch xanh” - ông Sơn phân tích.

Thời gian qua một số cơ sở lưu trú tại Hội An đã thay đổi các thiết bị công nghệ như sử dụng năng lượng mặt trời, sử dụng hệ thống nước tuần hoàn, không dùng chai nhựa, túi ny lon, sử dụng muối thay clo cho các bể bơi… nhưng do chi phí đầu tư lớn nên số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, tham gia du lịch xanh chưa cao một phần do chưa có nhiều doanh nghiệp quay lại thị trường, Nhà nước vẫn chưa đưa ra cơ chế trợ lực cho doanh nghiệp đăng ký du lịch xanh.

“Khoảng cuối tháng 7 này, hiệp hội sẽ phối hợp với các bên liên quan tổ chức đánh giá, chấm điểm các doanh nghiệp đăng ký thực hiện các tiêu chí du lịch xanh trước khi cấp giấy chứng nhận du lịch xanh cho họ vào tháng 8 để tháng 9 sẽ công bố rộng rãi cho du khách biết.

Hiện mình khuyến khích là chính chứ nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ, chủ yếu doanh nghiệp nhận thức và thấy điều này là cần thiết, doanh nghiệp nào nhận thức tốt thì họ đi trước, doanh nghiệp nào chưa thì đi sau. Nếu không làm bây giờ thì sang năm khách nước ngoài quay lại sẽ không làm kịp” - ông Thanh chia sẻ.

Theo ông Văn Bá Sơn, về lâu dài nhà nước cần có cơ chế chính sách trợ lực cho doanh nghiệp tham gia vào du lịch xanh. Logo du lịch xanh cần có giá trị không chỉ phạm vi Quảng Nam mà phạm vi cả nước giúp du khách, nhất là du khách nước ngoài phân biệt được những cơ sở du lịch xanh với các cơ sở du lịch thông thường, kể cả tạo liên kết các điểm du lịch xanh thành một chuỗi giá trị để bán tour đó cho khách quan tâm đến du lịch xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần trợ lực cho du lịch xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO