Đánh thức dòng sông...

LÊ QUÂN 22/06/2022 09:01

Một tour du lịch đường sông bài bản cho đến nay mới chỉ dừng lại ở đoạn thí điểm. Dù được xác định là tài nguyên bản địa, nhưng có vẻ những con sông của xứ Quảng vẫn đợi ngày được đánh thức...

Phát triển sâu hơn các tuyến du lịch ven sông sẽ khiến du lịch Quảng Nam có nhiều điểm nhấn. Ảnh: L.T.K
Phát triển sâu hơn các tuyến du lịch ven sông sẽ khiến du lịch Quảng Nam có nhiều điểm nhấn. Ảnh: L.T.K

Những dòng sông, hay rộng hơn là câu chuyện đẩy cực phát triển du lịch về nhiều hơn các vùng nông thôn của Quảng Nam, vẫn cứ chùng chình ở giai đoạn thăm dò, khám phá.

“Ngọc xanh”

Quảng Nam hiện có 28 con sông với tổng chiều dài gần 900km. Theo nhận định từ chính quyền tỉnh, hoạt động du lịch trên sông hiện nay mới chỉ khai thác ở các tuyến đoạn hạ nguồn sông Thu Bồn, bao gồm từ làng gốm Thanh Hà đến bến Bạch Đằng, từ bến Bạch Đằng đến rừng dừa Bảy Mẫu, từ bến Cửa Đại đến cầu Phước Trạch. Đã một quãng thời gian Quảng Nam kích hoạt các hoạt động trong Năm du lịch quốc gia với chủ đề Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh. Phát triển du lịch xanh, đồng nghĩa với lựa chọn phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch gắn với phát triển cộng đồng và san sẻ lợi ích với cộng đồng. Các ngôi làng ven sông chờ những cuộc khám phá để cảm nhận sức hút của tour tuyến này...

Cuối tháng 4 vừa qua, một doanh nghiệp lữ hành thử nghiệm tour du lịch với hướng xuất phát ngay ở bến sông Tam Kỳ đoạn làng Hương Trà. Lững lờ trên chiếc thuyền trôi theo dòng nước, du khách được thưởng ngoạn sắc xanh phủ tràn không gian, bao lấy một đoạn phố thị.

Trong bóng đổ dài của chiều mùa hè, luôn có những hình dáng được thiên nhiên tái định dạng một cách vô cùng đẹp đẽ. Một thân cây dài tít tắp. Một tán lá lung linh bóng nắng. Một mái rêu xanh ánh lên sợi vàng của lấm tấm bụi trong không gian kết dính lại…

Con sông Tam Kỳ, vừa đủ sóng để tạo sự dịch chuyển, vừa đủ lặng để những chuyến đi an lành nhiều hơn.

Người kiến tạo chuyến đi, cứ mơ mộng về những điểm dừng chân dọc theo sóng nước này, tại những ngôi làng cứ lững lờ và mặc nhiên yên ắng, thay vì bao chộn rộn đô thị.

Điểm đầu là một bến sông và điểm cuối là ngả tụ hội của dòng nước mang tên hồ Phú Ninh... Những người may mắn trên chuyến khám phá này, hồ như đôi lần tự vấn về một con sông Tam Kỳ thơ mộng, sao đến giờ này vẫn còn ngủ yên?

Ở cánh phía nam Quảng Nam, những dòng sông tựa như chuỗi ngọc xanh của đất. Nó trải ra cảm giác nhè nhẹ và mỏng mảnh cho người thích bình lặng, không phải để làm những cuộc phiêu lưu như các con sông đầy khúc khuỷu ở những xứ sở khác.

Biết thế mạnh của địa hình để tổ chức tour tuyến, hẳn là điều các doanh nghiệp đã nghiên cứu. Nhưng cú hích từ những dòng sông trôi lững lờ này, xem ra với đất Tam Kỳ, còn phải một quãng đường dài...

Dòng sông di sản

Hẳn nhiên, trải nghiệm du lịch bằng đường sông và khám phá văn hóa bản địa không phải là điều mới mẻ. Tuy nhiên, kiểm đếm lại những tour tuyến đã từng được tổ chức và gián đoạn tại Quảng Nam, cho thấy đây không phải là một kế hoạch dễ dàng thực hiện.

Đã từng có những chuyến farmtrip do các doanh nghiệp lữ hành có tên tuổi thực hiện, từ trải nghiệm du thuyền và ngắm hoàng hôn Thu Bồn cho đến tour dọc sông Thu và khám phá các làng nghề ven sông... Thế nhưng, tất cả chỉ mới dừng lại ở mức thử nghiệm.

Những dòng sông đang đợi được đánh thức. Ảnh: T.Q
Những dòng sông đang đợi được đánh thức. Ảnh: T.Q

Sông Thu Bồn được xem là một trong các nhân tố kiến tạo những giá trị văn hóa, vật chất và tinh thần của Quảng Nam. Từ dòng sông, khởi đi các sản phẩm du lịch hấp dẫn kể cả du lịch sông nước, du lịch làng nghề, lễ hội, di sản gắn với định danh Thu Bồn…

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia du lịch, việc khai thác phát triển du lịch trên sông Thu Bồn chưa thật sự hiệu quả, số lượng khách chưa nhiều, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được đầu tư tương xứng.

Đánh giá đúng mức giá trị tài nguyên sông ngòi và tạo điều kiện thuận lợi xây dựng nhiều bến thủy nội địa dọc các dòng sông gắn với thành phố hay thị trấn là khuyến nghị được đưa ra từ các doanh nghiệp du lịch. Đồng thời các chính sách đầu tư, chính sách cho thuê đất ven sông và chính sách thuế hợp lý cũng là yếu tố cần xem xét...

Tiến sĩ Trần Văn Anh (Đại học Đông Á) cho rằng, điều cần thiết là tập trung xây dựng thương hiệu và các điểm du lịch nhằm tăng cường khả năng nhận diện sản phẩm.

“Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm du lịch cần thuê các chuyên gia, nhà tư vấn chuyên nghiệp. Xây dựng tuyến sông Thu Bồn thành tuyến du lịch chuyên đề du lịch sông nước. Để tăng mức độ khai thác của tuyến du lịch, cần phải truyền thông, quảng bá sản phẩm và thương hiệu các điểm du lịch một cách tốt nhất” - ông Trần Văn Anh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh thức dòng sông...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO