Điện Bàn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch

KHÁNH LINH 16/12/2022 09:31

(QNO) - Từ năm 2017 đến 2022, Điện Bàn đón hơn 150 nghìn lượt khách lưu trú, tốc độ tăng trưởng bình quân 2,2%/năm, tổng doanh thu ngành du lịch toàn thị xã ước đạt khoảng 1.800 tỷ đồng. Tuy sở hữu nhiều tài nguyên, lợi thế về văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên, vị trí, hạ tầng thuận lợi nhưng Điện Bàn vẫn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch.

Điện Bàn tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 17 về phát triển du lịch. Ảnh: K.L
Điện Bàn tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 17 về phát triển du lịch. Ảnh: K.L

Chiều 15/12, Thị ủy Điện Bàn tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 17, ngày 20/4/2017 của Ban Thường vụ Thị ủy (gọi tắt Chỉ thị 17) về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển ngành du lịch thị xã Điện Bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 17, công tác phát triển, quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Điện Bàn luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được đầu tư, bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng mới, hiệu quả mang lại khá tích cực, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, thông qua sự hợp tác, một số công ty lữ hành đã kết nối với HTX Nông nghiệp Làng Triêm Tây (xã Điện Phương), Làng Du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Phong) xây dựng tour đưa khách đến. Từ năm 2017 đến 2022, tổng doanh thu ngành du lịch Điện Bàn đạt khoảng 1.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 2,2%/năm, tổng lượt khách lưu trú trên 150 nghìn lượt.

Qua 5 năm Điện Bàn đón được 150 nghìn lượt khách lưu trú trên địa bàn. Ảnh: K.L
Qua 5 năm, Điện Bàn đón được 150 nghìn lượt khách lưu trú trên địa bàn. Ảnh: K.L

Bên cạnh một số sản phẩm, điểm đến mới, thị xã cũng đã xúc tiến kêu gọi nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, đăng ký các dự án du lịch trên địa bàn. Đến nay đã có 3 dự án đi vào hoạt động gồm Grandvrio Ocean Resort (năm 2018); Mai House Hội An Luxury Golf & Resort và Shilla Monogram (năm 2022); 8 dự án đang đầu tư xây dựng, gần 20 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Tuy vậy, ngành du lịch Điện Bàn còn nhiều việc phải làm. Đó là việc các làng nghề truyền thống chưa tạo được nhiều sản phẩm cũng như phương thức kết nối tour, thu hút khách du lịch. Công tác trùng tu di tích tuy có sự quan tâm nhưng quy mô chưa đúng tầm để phục vụ du lịch; các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng mới chỉ phục vụ cho đối tượng học sinh, sinh viên chưa đa dạng đối tượng khách du lịch.

Một số dự án du lịch trên địa bàn vướng mắc về thủ tục đầu tư nên chậm triển khai. Việc kết nối sản phẩm du lịch làng quê gắn với làng nghề truyền thống thực hiện chưa hiệu quả. Đề án du lịch (giai đoạn 2019 - 2023) đã được ban hành nhưng nguồn kinh phí hoạt động từng năm còn hạn chế, không đảm bảo theo các hạng mục của đề án…

Điện Bàn sở hữu nhiều tài nguyên văn hóa nhưng phát triển du lịch vẫn chưa như kỳ vọng. Ảnh: K.L
Điện Bàn sở hữu nhiều tài nguyên văn hóa nhưng phát triển du lịch vẫn chưa như kỳ vọng. Ảnh: K.L

Ông Phan Minh Dũng – Bí thư Thị ủy Điện Bàn thừa nhận, mặc dù sở hữu nhiều tài nguyên, lợi thế về văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên, vị trí, hạ tầng thuận lợi… nhưng phát triển du lịch Điện Bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong đó, nguyên nhân chĩnh vẫn là quan điểm nhận thức, định hướng về du lịch của một số ban, ngành, địa phương chưa đúng tầm, hạ tầng chưa được đầu tư đúng mức.

Thời gian đến, Điện Bàn sẽ phát triển du lịch đi vào thực chất, bền vững, phấn đấu đưa tỷ trọng thương mại dịch vụ trong cơ cấu kinh tế thị xã đạt trên 40% vào năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điện Bàn chưa khai thác hết tiềm năng du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO