Du lịch cộng đồng: Chậm rãi dọ hướng đi - Bài cuối: Mở lối phát triển

QUỐC TUẤN - LÊ QUÂN 21/10/2022 11:51

Tăng cường du lịch cộng đồng là một trong hai vấn đề cốt lõi để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới. Đây là điều đã được Chính phủ xác quyết ngõ hầu đưa nền công nghiệp không khói trở lại vị thế sau đại dịch Covid-19.

Du khách quốc tế trải nghiệm sản phẩm DLCĐ ở Quảng Nam. Ảnh: L.T.K
Du khách quốc tế trải nghiệm sản phẩm DLCĐ ở Quảng Nam. Ảnh: L.T.K

Tại Quảng Nam, phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một trong những nhiệm vụ được xác định ở Nghị quyết số 13 ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thương mại, du lịch Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Nhìn lại chính sách đầu tư, hỗ trợ

Trước thực trạng xuống cấp của các điểm DLCĐ, bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh cho rằng, đã đến lúc cần nhìn lại các chính sách hỗ trợ lâu nay để xem xét lựa chọn một hình thức đầu tư hợp lý. Theo bà Thu, nên chăng chọn thí điểm hỗ trợ đầu tư một vài điểm và xây dựng kế hoạch vận hành, phát triển đến nơi đến chốn, không hỗ trợ theo kiểu dàn trải như lâu nay.

Quảng Nam đã có rất nhiều chính sách gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 với 16 làng nghề, làng nghề truyền thống. Tổng vốn đầu tư khoảng 85 tỷ đồng. Đây được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy DLCĐ phát triển từ việc tăng “sức đề kháng” của làng nghề.

Chú trọng kết nối dịch vụ các điểm đến, tạo sự khác biệt cho mô hình du lịch là điều được đặt ra. Trong ảnh: Một điểm đến ở Gò Nổi (Điện Bàn) được mở nhằm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2022. Ảnh: H.T
Chú trọng kết nối dịch vụ các điểm đến, tạo sự khác biệt cho mô hình du lịch là điều được đặt ra. Trong ảnh: Một điểm đến ở Gò Nổi (Điện Bàn) được mở nhằm hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2022. Ảnh: H.T

Cho đến nay, thời hạn của đề án đã hết, chỉ số ít các làng nghề trong danh sách triển khai đề án tạm ổn khi dựa được vào du lịch để bảo tồn và phát triển như làng gốm Thanh Hà, làng nghề đèn lồng Minh An (Hội An) hoặc làng nghề dệt thổ cẩm Zara (Nam Giang). Trong khi đó rất nhiều làng nghề gắn với điểm đến thậm chí còn suy thoái so với trước, như làng nghề đúc đồng Phước Kiều, làng chiếu chẻ Triêm Tây (thị xã Điện Bàn); làng nghề truyền thống mộc Vân Hà (huyện Phú Ninh); làng nghề dệt chiếu cói Tam Thăng (TP.Tam Kỳ); làng chiếu cói Bàn Thạch (huyện Duy Xuyên)…

Nghệ nhân Huỳnh Sướng - làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An) nói, đã đầu tư cho bảo tồn làng nghề và phát triển du lịch thì phải đầu tư đến nơi đến chốn. Làng Kim Bồng mới chỉ được đầu tư nhà trưng bày nhưng rồi không có nguồn lực hỗ trợ đầu tư sản phẩm để trưng bày. Nhiều năm trước, du lịch tại làng còn đang hưng thịnh nhờ tận hưởng giá trị truyền thống của làng nghề nhưng gần như chưa hỗ trợ được gì cho cộng đồng, làng nghề địa phương.

Năm 2018, Nghị quyết 47 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi Quảng Nam đến năm 2025 ra đời và chỉ triển khai được khoảng 2 năm đã phải tạm dừng, sau đó bị bãi bỏ.

Tại nghị quyết này có tới 21 điểm du lịch theo dự kiến sẽ được hưởng lợi. Còn trong các dự thảo đề án hỗ trợ DLCĐ, ngành du lịch luôn cố gắng dàn trải khoảng 10 địa phương để hỗ trợ. Có vẻ, việc tính toán phương án hỗ trợ DLCĐ vẫn nặng về tính cào bằng, mỗi nơi một chút. Trong phát triển du lịch, rất khó để thành công với phương thức này.

Tại một kỳ họp HĐND tỉnh, Bí thư Huyện ủy Tiên Phước - Phạm Văn Đốc cho rằng, không thể huyện nào, chỗ nào cũng đầu tư, phát triển du lịch. Như vậy sẽ uổng công và hiệu quả không đến đâu. Muốn phát triển du lịch phải có quy hoạch cụ thể, có liên kết tour tuyến bài bản.

Dệt chiếu ở làng Trà Nhiêu xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên). Ảnh: H.T
Dệt chiếu ở làng Trà Nhiêu xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên). Ảnh: H.T

 Một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển DLCĐ là phải có hạ tầng khung, nhất là hệ thống giao thông tốt, rút ngắn thời gian đến điểm cũng như tạo sự thoải mái cho du khách trên hành trình.

Như làng DLCĐ Đại Bình (Nông Sơn) từ lâu đã được nhận diện là điểm đến DLCĐ rất triển vọng nhưng tuyến huyết mạch để vào làng là ĐH4.NS (đoạn từ cầu Nông Sơn đến làng Đại Bình) ô tô du lịch lớn không thể vào được.

Mới đây, dự án nâng cấp mở rộng đường này đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư với tổng mức gần 50 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Không chỉ hạ tầng khung còn hạn chế, đường nội bộ tại điểm đến xuống cấp mà cả hạ tầng phục vụ như nhà vệ sinh, nhà đón tiếp, bãi đỗ xe, trạm xử lý rác cục bộ… ở hầu hết điểm đến DLCĐ còn rất sơ sài, thậm chí không có.

Mở hướng tiếp cận mới

Trong khoảng mười năm qua, đã có nhiều xáo trộn trong việc định hình, chọn lọc mạng lưới điểm DLCĐ tiềm năng để hỗ trợ, rất hiếm điểm DLCĐ của Quảng Nam giữ được sự phát triển ổn định, chỉ khoảng 2-3 năm đã rơi vào trạng thái “sớm nở chóng tàn” do nghèo nàn sản phẩm dịch vụ.

Điều này dẫn tới các chính sách, cơ chế hỗ trợ thường không theo kịp vòng đời sản phẩm. Phát triển DLCĐ giúp phát huy yếu tố bản địa tạo sự khác biệt đồng thời mang lại phúc lợi cho người dân từ đó mới tạo sự bền vững. Việc phát triển DLCĐ phải hạn chế tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường, ưu tiên phát triển văn hóa khác biệt, xây dựng hoạt động du lịch có trách nhiệm.

Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, để xây dựng sản phẩm DLCĐ hấp dẫn rất cần sự tham gia mạnh mẽ từ doanh nghiệp và xã hội hóa. Nhiều tỉnh thành thực hiện xã hội hóa phát triển điểm đến rất hay, tạo giá trị gia tăng rất lớn so với tài nguyên DLCĐ tương đồng của Quảng Nam.

“Cái gì địa phương không làm được thì nên mạnh dạn xã hội hóa dựa trên cơ sở lựa chọn các nhà đầu tư có tâm, có tầm. Có tầm ở đây không nhất thiết phải doanh nghiệp có vốn quá lớn, vấn đề là cách làm” - ông Sơn nói.

DLCĐ phải phát huy yếu tố phát địa tạo ra sự khác biệt đồng thời mang lại phúc lại cho người dân từ đó mới tạo ra sự bền vững. Ảnh: L.T.K
DLCĐ phải phát huy yếu tố phát địa tạo ra sự khác biệt đồng thời mang lại phúc lại cho người dân từ đó mới tạo ra sự bền vững. Ảnh: L.T.K

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương cho rằng, phía cơ quan quản lý cần tạo cơ chế để doanh nghiệp thấy được lợi ích rõ ràng một khi kết nối với các điểm đến. Cần xem xét việc “đặt hàng” đi kèm những ưu đãi cụ thể với một số doanh nghiệp lữ hành có tiềm lực thì người ta mới ưu tiên quảng bá cho các điểm đến chưa được biết đến nhiều ở địa phương.

Còn ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng đặt vấn đề: “Cần xem lại chúng ta đã đầu tư đúng chỗ, đúng nhu cầu của khách hàng chưa? Khi đánh giá điểm đếm, một số tiêu chí, yếu tố được cho là thuận lợi và tiềm năng nhưng thực sự nó quá đại trà. Ngoài xúc tiến du lịch cần phải quan tâm xúc tiến đầu tư. Trong các chuyến khảo sát, phát triển điểm đến cần mời gọi những nhà đầu tư có tiềm lực đi theo để họ nhìn nhận vấn đề thực sự của điểm đến”.

Chú trọng kết nối dịch vụ các điểm đến, tạo sự khác biệt cho mô hình du lịch là điều được đặt ra. Ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội DLCĐ Việt Nam nhận định, xây dựng được một sản phẩm du lịch tốt cần nhiều yếu tố, trong đó quan trọng cốt lõi vẫn phải hiểu bản chất vấn đề, hiểu người dân, cộng đồng dân cư ở đó cần gì, cái mà cộng đồng đang thiếu là gì, hiểu được điểm mạnh và điểm yếu của cộng đồng đó... Từ đó, có chiến lược phát triển du lịch phù hợp, bảo đảm gìn giữ được giá trị, bản sắc văn hóa, hài hòa với các yếu tố lợi ích, sinh kế lâu dài cho người dân.

Cơ hội từ Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022

Du lịch mở cửa hậu Covid-19 trùng thời điểm khai màn Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, nhen nhóm hy vọng xốc lại mạng lưới DLCĐ. Rất nhiều trong số gần 200 sự kiện thuộc Năm du lịch quốc gia 2022 có liên quan đến các làng DLCĐ.

Nhờ vào chuỗi sự kiện này, các điểm đến như làng gốm Thanh Hà (Hội An), làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh (Tam Kỳ), làng DLCĐ Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Bàn), làng DLCĐ Đại Bình (Nông Sơn)… ở nhiều thời điểm đã thu hút được một lượng lớn du khách. Điều này giúp cải thiện sinh kế cho người dân cũng như mang lại diện mạo tươi mới cho một số điểm đến vốn đìu hiu trong hơn hai năm qua.

Quan trọng hơn, từ hiệu ứng của Năm du lịch quốc gia 2022, một số lễ hội, sự kiện được định vị, nâng cấp tổ chức thường niên theo hướng tăng tương tác, phù hợp với thị hiếu của du khách đồng thời vẫn giữ được giá trị đặc trưng bản địa. Có thể kể đến Lễ hội Festival miền biển - hoa ngô đồng Cù Lao Chàm (Hội An), Ngày hội mỳ Quảng (Điện Bàn), Ngày hội văn hóa du lịch Đại Bình (Nông Sơn)…

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, thông qua các sự kiện khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022, chương trình “Trải nghiệm Quảng Nam”, Diễn đàn Du lịch Mê Kông 2022… Quảng Nam đã đón nhiều đoàn doanh nghiệp du lịch, báo chí truyền thông, người có tầm ảnh hưởng trên các mạng xã hội quốc tế đến khảo sát, trải nghiệm nhiều điểm đến cộng đồng ở Điện Bàn, Núi Thành, Tiên Phước, Tây Giang… Từ đó mở ra thêm cơ hội xúc tiến, kết nối khách quốc tế đến các khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Du lịch cộng đồng: Chậm rãi dọ hướng đi - Bài cuối: Mở lối phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO