Đưa ngành du lịch trở lại quỹ đạo

QUỐC TUẤN 04/04/2021 07:38

Trong hơn một năm qua, nhiều lần ngành du lịch Quảng Nam thu được tín hiệu khởi sắc và có dấu hiệu phục hồi rồi bị khựng lại do ảnh hưởng của dịch bệnh và thiên tai. Giữa vô vàn khó khăn, những người quản lý và làm du lịch vẫn đang cố gắng cầm cự, chăm chút hình ảnh, thương hiệu du lịch địa phương với khát vọng đưa hoạt động du lịch quay lại quỹ đạo.

Tổ chức chuỗi sự kiện nhỏ, độc đáo là giải pháp hợp lý trong thời điểm hiện nay để chủ động về thời gian, không gian, nguồn lực. Ảnh: Q.T
Tổ chức chuỗi sự kiện nhỏ, độc đáo là giải pháp hợp lý trong thời điểm hiện nay để chủ động về thời gian, không gian, nguồn lực. Ảnh: Q.T

KÍCH CẦU CÓ TRỌNG ĐIỂM THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA   

Không chỉ là giải pháp tình thế, đã đến lúc ngành du lịch Quảng Nam xác định dòng khách nội địa cũng là một thị trường chính và đầy tiềm năng trong dài hạn kể cả khi dịch Covid-19 đã được khống chế hoàn toàn.

“Làm ấm” bằng chuỗi sự kiện

Đến với Quảng Nam mùa hè này, du khách sẽ được chiêu đãi bằng những “bữa tiệc” sự kiện hấp dẫn, đặc sắc. Tại Hội An, sản phẩm “Hội An show - tri ân” ra mắt, đêm phố cổ được tái hiện từ cuối tháng 3; chương trình biểu diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”, những ngày văn hóa Hàn Quốc tại Quảng Nam khởi động vào tháng 4 trong khi Chợ phiên làng chài Tân Thành, âm nhạc đường phố và một số hoạt động rộn ràng khác được sẽ duy trì hàng tuần.  

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay: “Thực tế nhiều năm nay các sản phẩm du lịch phục vụ khách quốc tế chiếm phần chủ đạo. Điều này đến từ nhiều nguyên nhân khách quan chứ không hẳn chỉ là tâm lý của người làm du lịch. Sắp tới, trong kế hoạch dài hạn, địa phương xác định thị trường nội địa cũng là một mục tiêu quan trọng chứ không chỉ là giải pháp thu hút tạm thời trong năm 2021, 2022”.

Khách nội địa chuộng lựa chọn các điểm đến có góc check-in hấp dẫn và nhiều ưu đãi. Ảnh: Q.T
Khách nội địa chuộng lựa chọn các điểm đến có góc check-in hấp dẫn và nhiều ưu đãi. Ảnh: Q.T

Ngành du lịch Quảng Nam cũng đã tính toán tung ra thêm một số sản phẩm quy mô để tạo sự liên hoàn cho chuỗi sự kiện xuyên suốt mùa hè như: Ngày hội hoa sưa Tam Kỳ dự kiến vào giữa tháng 4, chương trình “Hội tụ sắc màu” ở đường Nguyễn Phúc Chu (Hội An) bao gồm ẩm thực - âm nhạc - nghệ thuật với 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia, cuộc thi marathon Việt Nam 2021, liên hoan nhiếp ảnh toàn quốc tại Hội An - Tam Kỳ - Phú Ninh, ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch Nông Sơn 2021… 

Trong quý I/2021, tổng lượt khách lưu trú trên địa bàn Quảng Nam ước đạt 198 nghìn lượt khách, là tín hiệu khởi sắc để tạo đà phục hồi trong năm 2021. Kèm với chuỗi sự kiện lan tỏa khắp địa bàn tỉnh, trong tháng 4 tới đây ngành du lịch Quảng Nam sẽ tổ chức quảng bá tại TP.Hồ Chí Minh, tháng 5 sẽ quảng bá tại Hà Nội - hai thị trường nội địa lớn nhất nước.

Dư địa khách nội tỉnh

Từ đầu tháng 3, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Sở VH-TT&DL, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phát động đoàn viên công đoàn, người lao động đi du lịch ở các điểm đến trên địa bàn tỉnh và bước đầu phát huy hiệu quả. Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất sẽ phát động chương trình “Người Quảng Nam đi du lịch Quảng Nam” trong đó sẽ lên phương án hỗ trợ bình quân 500 triệu đồng/sự kiện để các địa phương, đơn vị tổ chức hiệu quả các sự kiện kích cầu du lịch. Ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho rằng, các đơn vị chức năng cần sớm thống nhất mức khuyến mãi dành riêng cho người dân Quảng Nam và thông tin rõ ràng các điểm đến được ưu đãi trên địa bàn tỉnh để chương trình kích cầu này đạt hiệu quả cao nhất. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân gợi mở, trẻ mầm non và học sinh các cấp chính là nhóm tiềm năng để kích cầu du lịch trong mùa hè này. “UBND tỉnh đã giao Sở VH-TT&DL nghiên cứu xây dựng mức hỗ trợ hợp lý cho khoảng 18.000 học sinh các cấp tiêu biểu nhằm khuyến khích các em và gia đình đi du lịch nội tỉnh sau khi kết thúc năm học” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho hay, thời gian qua khách nội địa, trong đó chủ yếu là người dân trên địa bàn tỉnh ghé về tham quan Hoiana rất đông do có không gian “check-in” hấp dẫn. Vì vậy sắp đến huyện sẽ chú ý tạo thêm điểm nhấn ở các điểm đến, nhất là Khu đền tháp Mỹ Sơn để đáp ứng nhu cầu này của du khách.

GIỮ BẢN SẮC, TÍNH ĐƯỜNG XA

Tăng cường thu hút khách nội địa đồng thời xây dựng dòng sản phẩm hợp lý để duy trì bản sắc, thương hiệu du lịch Quảng Nam về dài hạn trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp thực sự là một bài toán khó khăn. 

Thúc đẩy kinh tế đêm tại các địa điểm phù hợp sẽ giúp ngành du lịch tạo ra giá trị gia tăng lớn. Ảnh: Q.T
Thúc đẩy kinh tế đêm tại các địa điểm phù hợp sẽ giúp ngành du lịch tạo ra giá trị gia tăng lớn. Ảnh: Q.T

Chờ đột phá từ khách MICE

Từ giai đoạn 2016 - 2017, Hội An từng xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ du khách, tuy nhiên dòng khách châu Âu, Bắc Mỹ đã có dấu hiệu chững lại và sụt giảm. Đến nay, nguy cơ này hiển hiện rõ hơn khi nhóm khách du lịch lớn tuổi đến từ các thị trường trên sẽ sụt giảm mạnh vì ảnh hưởng của đại dịch, chưa nói đến việc rất nhiều quốc gia vẫn đang vật lộn với dịch Covid-19. Vì vậy, ngoài việc trông đợi hồi sinh thị trường khách quốc tế thì Quảng Nam cần tìm kiếm phân khúc khách nội địa bền vững, vừa phù hợp trong ngắn hạn vừa có thể khai thác tạo thương hiệu trong dài hạn và tiềm năng nhất chính là du lịch MICE. 

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ: “Có thể thấy lâu nay việc thu hút khách MICE của Quảng Nam còn hạn chế so với các địa phương lân cận, nhất là Đà Nẵng. Để tạo bước đột phá với loại hình này thì xây dựng sản phẩm trải nghiệm về văn hóa đặc trưng bản địa chính là yếu tố khác biệt để thuyết phục khách”.

Mới đây, Sở VH-TT&DL đã dự thảo chính sách thu hút khách MICE với nhiều ưu đãi hấp dẫn như: miễn vé tham quan các điểm đến do Nhà nước quản lý, miễn chi phí hướng dẫn viên, trao quà tặng đặc sản địa phương, quà lưu niệm gắn logo của UBND tỉnh… và có thể hỗ trợ chương trình trải nghiệm văn hóa cho các đoàn khách tùy vào số lượng từ 500 khách trở lên. Ngoài ra, nhà quản lý du lịch cũng sẽ vận động cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ ưu đãi giá phòng họp, lưu trú để kéo khách MICE về Quảng Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, một phân khúc thị trường nhiều tiềm năng sẽ nổi lên sau dịch chính là thị trường khách du lịch có trách nhiệm. Đây là nhóm khách khao khát được trải nghiệm các giá trị tự nhiên, văn hóa cốt lõi bản địa đồng thời có mong muốn bảo tồn được vẻ đẹp nguyên vẹn của chúng, không gây tổn hại đến môi trường, cộng đồng sau chuyến đi.

Đại diện Công ty TNHH Emic Hospitallity Hội An cho rằng, kiên trì xây dựng dòng sản phẩm xanh, bền vững để thu hút tối thiểu 20% số khách trung thành và sau đó dần thuyết phục số lượng khách còn lại sẽ là một hướng đi mà doanh nghiệp du lịch địa phương cần hướng tới nếu muốn duy trì mục tiêu du lịch xanh. 

Khơi dậy kinh tế đêm

Tháng 7.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam. Trước mắt, cho phép một số thành phố, trung tâm du lịch lớn của cả nước chủ động lựa chọn những dịch vụ mới, có nhu cầu cao về ban đêm ở địa bàn đông khách du lịch. Đây là cơ hội để Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một số trung tâm du lịch lớn trong đó có Hội An tiếp cận kinh tế đêm một cách bài bản. 

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Duy Nhất Đông Dương cho rằng: “Loại hình này đóng góp GDP cho địa phương rất lớn nếu biết cách khai thác. Quảng Nam có lợi thế rất lớn là sở hữu dải bờ biển rất dài, ngoại trừ những khu vực đã phát triển lưu trú, ở những khoảng trống còn lại chúng ta có thể dành để phát triển kinh tế đêm. Như đã thấy, ở Phuket, Pattaya (Thái Lan) hay Bali (Indonesia) người ta đều phát triển rất tốt ở các khu vực biển, đảo”.

Từ đầu năm 2020, trong “quãng nghỉ” bởi dịch Covid-19, Hội An đã rục rịch tính phương án phát triển kinh tế đêm trên địa bàn thành phố, bao gồm lập quy hoạch, xúc tiến dự án khu chợ đêm An Bàng (phường Cẩm An), dự án đầu tư khu vui chơi giải trí về đêm cho khách du lịch để di dời khu quầy bar trên đường Nguyễn Phúc Chu. Trước mắt để tăng thêm sản phẩm giải trí về đêm cho khách nội địa trong mùa hè này, Hội An sẽ tăng thêm tần suất tổ chức các sự kiện về đêm vào các buổi tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần như “Hội An show - tri ân”, nâng cấp sản phẩm “Đêm Cù Lao” tại Cù Lao Chàm. 

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay: “Vừa qua tập đoàn Hoàng Gia đã báo cáo với tập thể lãnh đạo thành phố về phương án phát triển kinh tế đêm tại đô thị Thanh Hà. Trong quy hoạch khu du lịch Cồn Tiến thì Công ty cổ phần Đạt Phương cũng đã xây dựng đề án phát triển kinh tế đêm khá bài bản. Cùng với đó, Hội An cũng có định hướng phát triển kinh tế đêm ở An Bàng, Cẩm Kim và một số nơi có sản phẩm phù hợp với đặc thù bản địa để thu hút du khách”.

Còn ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ thông tin, trong thời gian vừa rồi lượng khách tham quan và lưu trú tại các homestay ở làng du lịch cộng đồng Tam Thanh khá khởi sắc. Nhằm cải thiện sản phẩm vui chơi giải trí về đêm, trong tháng 4 tới đây thành phố sẽ đưa sản phẩm chợ đêm ở quảng trường biển Tam Thanh đi vào hoạt động, trước mắt đã có 20 hộ đăng ký tham gia.

GIẢI PHÁP PHỤC HỒI DU LỊCH

Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Kiên trì làm lại từ đầu

 

Du lịch chỉ an toàn khi tất cả mọi người đều được tiêm vắc xin. Còn với tình thế hiện nay, khi tình hình tạm ổn thì chúng ta chỉ có thể cố gắng thực hiện các biện pháp kích cầu để phục vụ “mục tiêu kép”. Du lịch Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung sẽ tiếp tục tìm đường phát triển, trong đó đặt tiêu chí an toàn lên trên hết. Từng người dân, cộng đồng doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực chung tay vào việc kích cầu để tạo ra hình ảnh du lịch Quảng Nam thân thiện, hấp dẫn với du khách.

Đúng là trước đây, vào thời cao điểm (2019) cơ sở du lịch có thể đón tiếp lượng khách gấp hàng trăm lần còn hiện nay mới chỉ lèo tèo nhưng vẫn cần cố gắng cân đối bộ máy vận hành để mở cửa và niềm nở với du khách. Ban đầu chúng ta có một khách, hai khách sau dần sẽ tăng lên hàng chục, hàng trăm chứ đừng mang suy nghĩ ít khách quá phải đóng cửa, khiến không khí ảm đạm ở điểm đến. Với nguồn lực tài chính hạn chế hiện nay, tỉnh sẽ cố gắng hỗ trợ các giải pháp nhằm thu hút khách đến với Quảng Nam, còn lại các doanh nghiệp cần nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ chân khách. 

Thời gian tới, Quảng Nam sẽ chú trọng kết nối, nâng tần suất bay ở sân bay Chu Lai để đa dạng hóa các đầu mối đón khách. Hiện đã có đơn vị du lịch lớn dọc theo vùng đông Quảng Nam tiến hành làm việc cụ thể với cảng hàng không Chu Lai và cấp có thẩm quyền để nâng tần suất bay phục vụ vận chuyển du khách một khi du lịch phục hồi tốt hơn. 

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Chăm chút từng sự kiện nhỏ

 

Ở thời điểm hiện tại Hội An cũng như các điểm đến khác trên địa bàn rõ ràng rất cần tổ chức các sự kiện để kích cầu du lịch. Mặc dù vậy, việc tổ chức các sự kiện với quy mô nhỏ và tạo thành chuỗi là hợp lý hơn thay vì tập trung nguồn lực để làm một vài sự kiện quy mô lớn. Lý do thứ nhất là bởi nguồn lực, việc tổ chức các sự kiện lớn sẽ cần kinh phí lớn trong bối cảnh ngân sách eo hẹp hiện nay cũng như hiệu quả mang lại vẫn là dấu hỏi. Thứ hai là tính linh động, với các sự kiện nhỏ khi có trục trặc phát sinh bất ngờ thì chúng ta sẽ dễ dàng điều chỉnh về thời gian, địa điểm tổ chức hơn là các sự kiện lớn đã được ấn định. 

Năm nay, Sở VH-TT&DL sẽ tập trung tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hiệu quả chuỗi hoạt động kỷ niệm 550 năm Danh xưng Quảng Nam, còn lại đơn vị chỉ tư vấn, hướng dẫn cho các địa phương trong tỉnh tự chủ trì tổ chức các sự kiện vì chỉ có cấp địa phương mới nắm rõ hết các lợi thế, đặc thù của mình từ đó phát huy từng sự kiện một cách hiệu quả nhất.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Cần thành lập tổ tư vấn phục hồi du lịch

 

Tất cả ngành chức năng và người làm du lịch đều có tâm lý mong muốn phục hồi du lịch Quảng Nam. Tuy nhiên để biến điều này thành hành động cụ thể thì tỉnh và nhất là tại “hạt nhân” du lịch Hội An nên chăng cần thành lập một tổ tư vấn về phục hồi du lịch trong đó cơ cấu các thành viên có chuyên môn và tâm huyết. Chúng ta cũng cần định vị thương hiệu cụ thể cho điểm đến, ví dụ như 5 năm tới như thế nào, 10 năm tới làm gì? Một khi chính quyền xác định cụ thể được ngành du lịch theo hướng gì, đơn cử như điểm đến lễ hội hoặc điểm đến du lịch bền vững thì với vai trò của Hiệp hội Du lịch chúng tôi sẽ cố gắng định hướng cộng đồng doanh nghiệp điều chỉnh sản phẩm theo hướng đó để tạo sự thống nhất. Khi đó, chúng ta sẽ tạo được lòng tin của tối thiểu 20% số khách hàng trung thành và dần dần thuyết phục nhóm khách hàng còn lại. 

Về sản phẩm du lịch, không khó để tạo ra các sản phẩm mới, đơn cử như chúng ta có thể biến Hội An trở thành một “trường đại học không giảng đường” để sinh viên khắp nơi tìm hiểu. Việc này đòi hỏi sự liên kết với các trường đại học cũng như sự phối hợp giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Vận động cộng đồng, nhất là người trẻ tiếp tục tích cực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng là một giải pháp cần thiết lúc này để tạo ra sự mới mẻ, thổi làn gió mới cho ngành du lịch. Farmstay là loại hình có thể nghiên cứu để tạo ra bước đột phá tuy nhiên cơ chế cho sản phẩm này hiện nay vẫn chưa rõ ràng nên rất cần sự vào cuộc, kiến nghị của cơ quan chức năng địa phương.

Không để bị động khi mở cửa du lịch quốc tế

Trong hai buổi làm việc về phục hồi du lịch Hội An và kích cầu khách nội địa trong tháng 3.2021, lãnh đạo tỉnh đều giao các đơn vị liên quan tiếp tục tích cực nghiên cứu, chuẩn bị tốt các điều kiện để Quảng Nam không bị động một khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế. 

Sở VH-TT&DL đã làm việc cùng cảng hàng không Chu Lai và các khu lưu trú có không gian lớn, biệt lập với cộng đồng để nghiên cứu phương án tổ chức các tour du lịch bằng các chuyến bay charter (chuyến bay thuê được hãng hàng không/tổ chức/cá nhân thuê trọn gói dịch vụ bay để phục vụ du lịch). 

Hiện nay Khu phức hợp Hoiana (Duy Xuyên), TUI Blue Nam Hội An (Núi Thành), Palm Garden Resort (TP.Hội An) đã có văn bản đăng ký để chờ cơ quan chuyên môn khảo sát các điều kiện tổ chức đón khách quốc tế bằng các chuyến bay charter khi được phép. Sở VH-TT&DL đề nghị các đơn vị lưu trú khác trên địa bàn tỉnh đáp ứng đủ điều kiện, nếu có nhu cầu thì đăng ký để đơn vị tổng hợp báo cáo các cơ quan có thẩm quyền. 

Về vắc xin phòng chống Covid-19, đại diện lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam thông tin, nhóm đối tượng ngành du lịch xếp thứ 8 trong nhóm 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm phòng vắc xin và Hội An sẽ nằm trong nhóm các địa phương trên địa bàn tỉnh được ưu tiên một khi tiếp nhận và triển khai tiêm vắc xin Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa ngành du lịch trở lại quỹ đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO