Hương sắc Nam Giang

QUỐC TUẤN 07/03/2020 08:35

Muốn tìm kiếm trải nghiệm mới mẻ trên những cung đường xa xăm, lữ khách hãy cùng bè bạn rong chơi qua đại ngàn Nam Giang để khám phá thêm những vẻ đẹp tiềm ẩn của vùng cao xứ Quảng.

Cung đường đẹp mơ màng qua xã Cà Dy, huyện Nam Giang. Ảnh: Q.T
Cung đường đẹp mơ màng qua xã Cà Dy, huyện Nam Giang. Ảnh: Q.T

Lượm lặt ở Cà Dy

Từ Bến Giằng men theo quốc lộ 14 đến xã Cà Dy, những cung đường qua thôn Pà Dồn, Pà Căng tràn ngập sắc xuân và màu xanh của mây trời, đại ngàn. Lấm tấm trên những cánh rừng có những tán hoa màu hồng rủ xuống khoe sắc thắm.

Những lữ khách vi vu qua đây sẽ phải thảng thốt, trầm trồ khi bắt gặp một bóng cây nép mình bên đường ngay ở khúc cua rộ những chùm hoa màu hồng đẹp mơ màng hao hao loài hoa anh đào làm mê hoặc du khách ở Nhật Bản hay Đà Lạt. Một bà cụ gùi củi bước chầm chậm bên đường bộc bạch: “Cũng không biết là hoa gì nhưng đều đặn năm nào đến tháng ba, tháng tư nó cũng trổ bông chi chít”.   

Chốc chốc bên vệ đường lại trông thấy người dân bày bán nhiều loại củ quả rừng trong đó có một loại chuối nhìn khá lạ lẫm. Hỏi ra mới biết đó là chuối Pa lưa, trong nải chuối có một vài quả nhìn giống như quả đậu bắp khổng lồ nhưng ruột bên trong ngọt thanh, thơm và theo người dân địa phương thì khi chín có thể luộc lên ăn còn ngon hơn nữa. Tuyến đường này dù phong cảnh hữu tình nhưng chưa có một điểm dừng chân du lịch nào nên chúng tôi quay ngược lên đường 14D…

Một thoáng Tà Bhing

Từ thị trấn Thạnh Mỹ đến thác Grăng chỉ chừng 7 cây số đường khá phẳng phiu. Càng đến gần chân thác không khí càng khoan khoái, trong lành, chỉ còn tiếng ầm ào của nước và thanh âm thánh thót của chim muông. Nhìn từ xa, thác Grăng như dải lụa mềm quấn lấy và xõa lưng chừng núi.

Theo các già làng ở xã Tà Bhing, từ xa xưa đây đã là con thác đẹp hoang sơ. Truyền thuyết kể rằng, ở dưới chân thác có loài cá hiếm tên là cá grăng (cá chiên) cứ mười mùa rẫy một lần những con cá grăng đầu đàn khỏe nhất phải vượt qua ba tầng thác để hóa thành cá thiêng.

Nhưng đến cơn lũ trái mùa dai dẳng năm ấy dòng nước thác trở nên hung dữ lạ kỳ và khiến những con grăng đầu đàn dù đã vắt kiệt sức nhưng vẫn không tài nào vượt thác dữ, cuối cùng chúng chết trôi dạt bờ suối. Từ đó dân làng gọi tên thác là Grăng để tưởng nhớ loài cá này.  

Do có một cụm thác ba tầng nên nhiều người vẫn hay gọi nó là “tam thác Grăng”. Những ai ưa khám phá có thể leo bậc thang từ tầng dưới cùng để lên tầng 2 và tầng 3 của thác. Dù vậy, một bên của nó là vách đá còn nhìn về phía kia là hun hút vực sâu cộng với nhiều đoạn bậc dốc dựng đứng nên cung đường cũng khiến không ít du khách choáng ngợp khi chọn cách trải nghiệm này.

Số đông khi đến Grăng chọn thả mình khoan khoái giữa bể nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy ở tầng dưới cùng. Nó trông như những bể bơi lộ thiên khi đá xếp thành các khoảnh tròn đều với diện tích vừa phải và luôn có dòng nước trong vắt từ đỉnh núi đổ xuống tạo thành một bể sục tự nhiên.  

Cách thác Grăng không xa là làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu. Trên thực tế thì cả 7 thôn trên địa bàn xã Tà Bhing dưới sự hỗ trợ và điều phối của Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế (FIDR) đều tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch. Chầm chậm đi vào cuối làng, âm vang lách cách từ khung dệt vẳng lại từ nhiều ngôi nhà.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan - Trưởng nhóm dệt thổ cẩm Zara cho hay, bà rất vui khi mình và đồng bào tại đây được tham gia mạng lưới dệt thổ cẩm miền Trung vào năm ngoái. Mọi người ai cũng muốn bảo tồn nghề truyền thống, từ đó phát triển du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhân rộng mô hình này đến các bản, làng khác trong khu vực.

Ở đây, một chuỗi giá trị du lịch chia sẻ đang dần được hình thành khi du khách được tư vấn mua đồ lưu niệm ở các cửa hàng tập trung của hợp tác xã - nơi trưng bày chung sản phẩm của người dân để tạo sự công bằng. Mỗi thôn có chức năng riêng với các hoạt động như thôn múa, thôn dệt, thôn ẩm thực để tránh sự cạnh tranh, trùng lặp sản phẩm giữa cộng đồng.

Bà Trần Thị Kim Oanh – Điều phối viên của FIDR cho hay: “Bên cạnh du lịch, FIDR còn hỗ trợ đồng bào phát triển sản phẩm địa phương bởi nơi đây có nhiều đặc sản thiên nhiên độc đáo nhưng còn ở dạng thô. Các sản phẩm này được du khách, nhất là khách quốc tế ưa thích”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương sắc Nam Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO