Lợi ích và trách nhiệm trong phát triển du lịch cộng đồng

H.SÁU 16/12/2019 10:42

Cuối tuần qua, tại TP.Hội An diễn ra tọa đàm “Cân bằng bảo tồn và phát triển”, bàn về câu chuyện phát triển du lịch không làm tổn thương tài nguyên văn hóa, cảnh quan và thu hút được cộng đồng địa phương tham gia để sẻ chia lợi ích lúc khai thác, trách nhiệm khi bảo tồn. Nhiều mô hình thực tiễn về bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa kết hợp hài hòa với phát triển sinh kế, du lịch cộng đồng trên cả nước được đề cập tại buổi tọa đàm như Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... Mỗi câu chuyện mang một sắc thái riêng nhưng tựu trung cho thấy cộng đồng địa phương đã và đang dần được thừa nhận vai trò quan trọng việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, nhất là trong phát triển du lịch.

PGS-TS. Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển Việt Nam cho rằng, việc nhận diện các mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn rất quan trọng, để từ đó đi trước trong quy hoạch không gian nhằm giải quyết các mâu thuẫn trong cách thức sử dụng tài nguyên, mâu thuẫn giữa khai thác và bảo vệ môi trường hoặc mâu thuẫn lợi ích giữa các ngành khi khai thác tài nguyên... Còn theo TS. Chu Mạnh Trinh - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, đặt trong trường hợp của Cẩm Thanh (Hội An) có lợi ích của các chủ thể: lợi ích ban quản lý điểm đến, lợi ích của nhóm trồng dừa và lợi ích của nhóm đánh bắt thủy sản. Bao giờ các chủ thể nhìn từ lợi ích riêng ra lợi ích chung thì khi đó việc cân bằng giữa bảo tồn và phát triển mới thành công được.

Ông Nguyễn Duy Khanh - Tổ trưởng Tổ khai thác cua đá Cù Lao Chàm chia sẻ, gần 10 năm trước mạnh ai người nấy khai thác cua đá, trong khi giá cả thì bữa được bữa mất, rất lộn xộn. Từ khi Tổ khai thác cua đá Cù Lao Chàm được thành lập, việc khai thác và tiêu thụ trở nên quy củ hơn. Nhận thấy giá trị tăng cao của cua đá nên một số hộ dân đang có sinh kế khác ổn định ở Cù Lao Chàm vẫn muốn gia nhập tổ để tham gia khai thác. Tuy nhiên hiện tổ vẫn đang giữ ổn định số lượng 42 thành viên bởi nếu tăng thêm thì khó quản lý nổi, nhất là nỗi lo cạn kiệt cua đá.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP) cho biết, kinh phí hỗ trợ các dự án từ đơn vị không nhiều, quan trọng là việc gắn kết các nguồn lực lại với nhau từ quốc tế đến địa phương. Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa là vấn đề hết sức quan trọng. Như tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh), khi phục vụ du lịch đã khéo léo khai thác, lồng ghép những câu chuyện lịch sử độc đáo, hấp dẫn để tạo sự hứng thú cho du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lợi ích và trách nhiệm trong phát triển du lịch cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO