Xây dựng vị thế, thương hiệu du lịch xanh Quảng Nam

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC 26/03/2022 11:37

(QNO) - Quảng Nam đã chọn lối đi du lịch xanh để định vị thương hiệu du lịch địa phương hậu đại dịch Covid-19. Tại hội thảo “Quảng Nam phát triển du lịch xanh - gìn giữ giá trị bản địa” diễn ra vào sáng nay 26.3, các đại biểu đã chia sẻ góc nhìn của mình về điều kiện cần và đủ để du lịch xanh Quảng Nam đi đúng hướng.

Làng rau Trà Quế, TP.Hội An. Ảnh: T.L
Làng rau Trà Quế, TP.Hội An. Ảnh: T.L 

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch): Phát triển du lịch xanh phù hợp với nhu cầu du khách

Với một địa phương xếp thứ 4 về năng lực cạnh tranh du lịch cấp tỉnh của Việt Nam và có sản phẩm du lịch trọng tâm là du lịch văn hóa, lịch sử sinh thái và nông nghiệp, du lịch xanh là hướng đi đúng đắn của du lịch Quảng Nam để tiếp tục nâng cao vị thế, thương hiệu du lịch địa phương. 

Quảng Nam cần tăng cường phối hợp liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tạo ra các sản phẩm đặc trưng du lịch Quảng Nam, giảm áp lực của du lịch lên di sản vào mùa cao điểm. Đồng thời cơ cấu lại thị trường khách để không chỉ tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường khách truyền thống mà còn thu hút được một số thị trường khách mới, tiềm năng chi tiêu cao.

Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi. Ảnh: T.L
Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi. Ảnh: T.L 

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác công tư, hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất ngành du lịch, tạo điều kiện cho các dự án đầu tư liên quan đến du lịch bền vững.  

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch: Kiểm soát các hoạt động kinh doanh "núp bóng" du lịch xanh

TS. Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: T.L
TS. Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: T.L 

Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là mô hình, phương thức góp phần hình thành nền kinh tế xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. 

Đối với Hội An nói riêng và Quảng Nam nói chung cần cần chủ trương phát triển đa dạng sản phẩm du lịch. Một mặt thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch. Mặt khác thúc đẩy phát triển sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng đẳng cấp tại khu vực phía nam Hội An để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Cơ sở phục hồi tài nguyên ở làng chài Tân Thành (Cẩm An, Hội An). Ảnh: T.L
Cơ sở phục hồi tài nguyên ở làng chài Tân Thành (Cẩm An, Hội An). Ảnh: T.L 

Để thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, không phá vỡ quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ xanh, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh.

Việc phát triển du lịch cần gắn với trách nhiệm xã hội lớn hơn, hài hòa trong chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Kiểm soát các hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” hình thức du lịch xanh nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng đồng thời xây dựng cơ chế xử phạt, răn đe nghiêm khắc đối với các đơn vị gây tổn hại đến tài nguyên, môi trường du lịch.

Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới, 1 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 1 di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Có 125km bờ biển, 2 di tích quốc gia đặc biệt cùng hơn 400 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Bên cạnh đó, Quảng Nam có gần 70 lễ hội truyền thống, hàng chục làng nghề đặc sắc.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Nhiều hành động, giải pháp cụ thể thực thi du lịch xanh

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL
Ông Lê Ngọc Tường. Ảnh: T.L

Có thể nói Quảng Nam là tỉnh tiên phong đón đầu xu thế phát triển du lịch xanh trong năm 2022. Để có quyết định chuyển hướng mạnh mẽ này, ngành du lịch đã ấp ủ ý tưởng từ vài năm trước cùng sự đồng hành thử nghiệm của doanh nghiệp và cộng đồng với một số mô hình rất triển vọng, khả thi được du khách đón nhận.

Thời gian tới, sẽ xây dựng hình ảnh du lịch xanh Quảng Nam trở thành thương hiệu có vị trí top đầu so với cả nước trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19. Tăng cường liên kết phát triển du lịch xanh với các địa phương khác để lan tỏa giá trị của sản phẩm và nâng cao nhận thức của cộng đồng du khách khi hưởng thụ sản phẩm du lịch xanh.

Ngành du lịch Quảng Nam cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ phát triển ban đầu dành cho các đối tượng thụ hưởng gồm: các địa phương có điểm du lịch cộng đồng có khả năng phát triển theo mô hình du lịch xanh. Các đơn vị du lịch có tiềm năng và mong muốn phát triển du lịch xanh.  

Quản lý rác thải từ lá khô tại doanh nghiệp du lịch. Ảnh: T.L
Quản lý và tuần hoàn rác thải từ lá khô tại doanh nghiệp du lịch. Ảnh: T.L 

Hiện ngành du lịch đang xây dựng phương án phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Tiếp tục đề xuất cấp thẩm quyền triển khai thực hiện dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn và quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Quảng Nam đủ dư địa và năng lực để định hướng thị trường khách du lịch

Ông Phan Xuân Thanh. Ảnh: T.L
Ông Phan Xuân Thanh. Ảnh: T.L 

Nhìn chung, Quảng Nam đã trải qua giai đoạn đáp ứng gần như vô điều kiện các nhu cầu của tour tuyến, lưu trú và các dịch vụ du lịch khác của du khách. Điều này khiến chúng ta không kịp quy hoạch và nhìn lại để xác định một hướng đi bền vững - tăng trưởng xanh. Với định hướng và sự chuyển mình rõ rệt theo du lịch xanh trong thời gian qua, Quảng Nam cần hành động mạnh mẽ, đồng bộ hơn để nắm lấy cơ hội này.

Quản lý nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu. Nhân tố cốt lõi ở đây cần chú trọng là dòng khách đến từ đâu, tỷ lệ khách nội địa, khách Âu, khách Á trong cơ cấu và hơn hết những khách đó đã đồng hành cùng cộng đồng và người làm du lịch trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch Quảng Nam đến mức nào, thay vì chú trọng đếm số lượng. Điều này sẽ giúp giảm áp lực đến di sản và tạo điều kiện cho tiềm năng du lịch được tái sinh.

Thêm nữa, cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp, thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch. Thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên. 

Sản phẩm du lịch chèo thuyền vớt rác trên sông. Ảnh: T.L
Sản phẩm du lịch chèo thuyền vớt rác trên sông. Ảnh: T.L 

Mặt khác, việc thực thi nhiệm vụ phát triển du lịch xanh đến năm 2025 và áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh của Quảng Nam sẽ đặt ra áp lực lớn cho nội lực của doanh nghiệp khi đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ về nguyên vật liệu, quy trình vận hành, bộ máy nhân sự thậm chí là đối tác truyền thống. Do đó, du lịch xanh rất cần sự thấu hiểu và chia sẻ từ phía cơ quan chức trách, đừng để doanh nghiệp “cô đơn” trên hành trình hướng tới du lịch xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng vị thế, thương hiệu du lịch xanh Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO