Bằng những chính sách năng động và linh hoạt, huyện Hiệp Đức đã và đang gặt hái được nhiều thành quả trong công tác xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư ở địa phương. Nhiều dự án công nghiệp chế biến lâm sản đi vào sản xuất đã góp phần tạo động lực phát triển kinh tế ở vùng quê Hiệp Đức.
Tạo việc làm cho nông dân
Những năm qua huyện Hiệp Đức đã nỗ lực đào tạo nhiều ngành nghề, tạo việc làm ngay tại địa phương giúp phụ nữ, thanh niên có thể tranh thủ sản xuất để tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Chị Trần Thị Hồng (xã Quế Thọ, Hiệp Đức) đã tham gia lớp học may công nghiệp do Trung tâm Phát triển kinh tế - xã hội huyện Hiệp Đức tổ chức được nhận vào làm việc tại Công ty CP May Hiệp Đức (Cụm công nghiệp Quế Thọ). Chị Hồng tâm sự: “Học xong lớp 9, do kinh tế gia đình khó khăn nên tôi nghỉ học ở nhà làm nông phụ giúp ba mẹ. Đến khi về nhà chồng, cũng chẳng có nghề gì lận lưng. Sinh con xong, chưa biết tính kế gì thì nghe tin UBND xã thông báo mở lớp đào tạo nghề may gia công cho phụ nữ nên đăng ký tham gia. Sau 3 tháng học nghề cũng là thời điểm Công ty CP May Hiệp Đức đi vào hoạt động sản xuất và được nhận vào làm việc tại công ty”. Cùng theo học lớp đào tạo may công nghiệp với chị Hồng, hàng chục chị em khác cũng được giải quyết việc làm tại Công ty CP May Hiệp Đức. Được biết, Công ty CP May Hiệp Đức với tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng và đang giải quyết việc làm cho 400 lao động địa phương. Đây là một trong những dự án nằm trong chương trình ký kết hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam và UBND tỉnh triển khai các dự án dệt may ở các vùng nông thôn trên địa bàn Quảng Nam.
Nhiều hợp tác xã, cơ sở mây tre ra đời đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ ở Hiệp Đức. Ảnh: H.ĐẶNG |
Ngoài các doanh nghiệp (DN) may, hợp tác xã, các cơ sở mây tre đang hoạt động sản xuất, thời gian gần đây, huyện Hiệp Đức đã tạo điều kiện cho nhiều DN chế biến lâm sản đầu tư tại địa phương, giải quyết việc làm khá lớn lao động ở nông thôn. Đặc biệt, kể từ khi cây cao su đứng vững được trên đất Hiệp Đức đã mở ra hướng đi mới trong chỉ đạo phát triển kinh tế của địa phương. Các xã nghèo của Hiệp Đức trước đây như Sông Trà, Trà Nú, Phước Gia, Phước Trà... giờ đây trở thành những làng quê sôi động bởi bạt ngàn rừng cây cao su sau 10 năm bén rễ, mang đầy nhựa sống. Cây cao su được đưa vào trồng ở Hiệp Đức không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định cho khoảng 1.300 lao động và hộ nhận khoán mà còn kích cầu, tạo động lực cho nhiều công ty ươm giống, các nhà máy chế biến mủ, lâm sản ra đời, đã thay đổi diện mạo ở các làng quê. Nhà máy chế biến mủ cao su Sông Trà do Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư với công suất 1.000 tấn/năm đi vào sản xuất đã hơn 3 năm qua, bước đầu giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Đây là nhà máy chế biến mủ cao su đầu tiên ở Quảng Nam, được xem là dự án động lực, thúc đẩy mở rộng diện tích cao su, hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp ở các huyện miền núi của tỉnh. Anh Trần Tư (xã Sông Trà) hồ hởi nói: “Từ khi nhà máy chế biến mủ cao su Sông Trà đi vào sản xuất, tôi cũng như phần lớn thanh niên trong thôn đều được ưu tiên tiếp nhận vào làm công nhân. Lương mỗi tháng trên dưới 4 triệu đồng/người. Nhờ có công việc ổn định, đời sống kinh tế gia đình có phần thư thái hơn”.
Thu hút doanh nghiệp về nông thôn
Ông Võ Xuân Ca - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho rằng, đưa DN về nông thôn là một trong những cách tốt nhất để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để thu hút và khuyến khích các DN đầu tư trên địa bàn huyện, thời gian qua, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các chính sách về đất đai, hỗ trợ đầu tư. Hiệp Đức luôn chú trọng đến đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và phát triển dịch vụ, giúp DN yên tâm sản xuất. Ông Ca cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Hiệp Đức có 43 DN đang hoạt động sản xuất với nhiều ngành nghề, bước đầu giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Hiệp Đức không có nhiều lợi thế về địa lý so với các huyện khác để thu hút công nghiệp như xa quốc lộ, hạ tầng giao thông chưa phát triển, không gần các trung tâm đô thị, kinh tế lớn nhưng ngược lại địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh riêng có. Để tạo đột phá phát triển kinh tế, thời gian qua, lãnh đạo huyện Hiệp Đức luôn xác định, muốn thu hút được các nhà đầu tư trước hết phải tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn. Trước hết, sự thông thoáng, nhanh gọn trong giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ DN về thông tin, thị trường, làm tốt công tác an ninh - trật tự, liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao. Các Cụm công nghiệp Việt An, Quế Thọ, Tân An, Sông Trà… đã được triển khai quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu và thực hiện đúng cam kết giữa chính quyền với nhà đầu tư.
Từ chỗ có điểm xuất phát công nghiệp kém nhất tỉnh, chỉ trong một thời gian ngắn nhờ có những chính sách, biện pháp thu hút đầu tư hấp dẫn và nhận được sự đồng thuận của người dân, huyện Hiệp Đức đã thu hút được nhiều dự án lớn. Riêng năm 2013 đã có 3 dự án được triển khai đầu tư ở các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, đó là dự án nhà máy may Hiệp Đức, nhà máy sản xuất dăm gỗ rừng trồng làm nguyên liệu giấy và dự án nhà máy băm dăm gỗ rừng trồng, với tổng vốn đầu tư hơn 125 tỷ đồng. Và trong năm nay, huyện Hiệp Đức đã thu hút được thêm 2 dự án mới đang xúc tiến triển khai đầu tư, đó là dự án xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ năng lượng và nhà máy chế biến gỗ MDF với quy mô đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Những dự án này được xem là động lực, tạo đầu ra cho lâm nguyên liệu rừng trồng.
HÀ ĐẶNG