Đưa gia súc vào khu giết mổ tập trung: Cần vào cuộc quyết liệt

HOÀI NHI 02/02/2015 09:31

Huyện Duy Xuyên đã xây dựng khu giết mổ gia súc tập trung tại thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn) để chuyển toàn bộ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn xã Duy Trinh, Duy Trung, Duy Sơn về đây. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập xung quanh vấn đề này, đòi hỏi các cơ quan có trách nhiệm phải sớm giải quyết…


Chưa đồng tình

Bình quân mỗi ngày ông ông L.V.T. (thôn Đông Yên, xã Duy Trinh) mổ 2 con heo ở ngay trong vườn nhà, riêng vào các dịp lễ, tết tăng lên 4 - 5 con. Ông không mấy quan tâm khi khu giết mổ gia súc tập trung ở xã Duy Sơn được đưa vào sử dụng bởi cho rằng, dù xưa nay giết mổ nhỏ lẻ nhưng đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. “Tôi mổ ở nhà quen rồi, chi phí không bao nhiêu. Giờ vào khu tập trung đó, tôi phải nộp 31 nghìn đồng/con heo và phải vận chuyển gia súc đi một quãng đường dài nên rất tốn công” - ông T. nói. Theo tìm hiểu của phóng viên, đây là nguyên nhân chính khiến các hộ giết mổ nhỏ lẻ như ông T. thuộc địa bàn xã Duy Trinh, Duy Trung, Duy Sơn không mặn mà với khu giết mổ gia súc tập trung.

Cần tăng cường khâu kiểm dịch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết. Ảnh: HOÀI NHI
Cần tăng cường khâu kiểm dịch để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết. Ảnh: HOÀI NHI

Có mặt tại khu giết mổ tập trung ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Sơn), chúng tôi thấy bảng ghi tổng hợp số lượng heo giết thịt chỉ vài con/ngày với khoảng 300kg thịt. Trong khi đó, theo các ngành chuyên môn, mỗi ngày lượng thịt heo tiêu thụ trên địa bàn 3 xã Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung lớn hơn gấp nhiều lần con số ấy. Ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Duy Sơn 2 cho biết, khu giết mổ tập trung này được xây dựng trên diện tích hơn 1.000m2 với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 700 triệu đồng, HTX Duy Sơn 2 góp 500 triệu đồng, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4.2013. Ông Tấn nói: “Trong 6 tháng cuối năm 2013, tổng doanh thu từ khu giết mổ gia súc tập trung đạt 70 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư, trả lương cho bảo vệ lên đến 72 triệu đồng. Bước sang năm 2014, khu giết mổ tiếp tục hoạt động èo uột. Mãi đến khi các ngành chức năng của huyện và xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thì tình hình được cải thiện nhưng sau đó đâu cũng vào đấy. Thống kê cho thấy, trong số 19 hộ làm nghề buôn bán, giết mổ gia súc nhỏ lẻ ở 3 địa phương nêu trên thì chỉ có 6 hộ thường xuyên chấp hành đúng quy định”.

Cần kiên quyết xử lý vi phạm

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2014, ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: “Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng thực tế cho thấy việc sắp xếp các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn còn chậm so với yêu cầu. Đáng nói hơn, một số địa phương buông lỏng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nên tình trạng giết mổ trái phép tái diễn, không chỉ gây khó khăn cho khâu kiểm soát giết mổ của địa phương mình mà còn ảnh hưởng đến các vùng lân cận”. Được biết, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn tồn tại 183 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Nguyễn Văn Tấn, HTX Duy Sơn 2 đang tích cực phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của những chủ lò giết mổ nhỏ lẻ trong việc thay đổi thói quen cũ. Cạnh đó, đề nghị ngành cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí để cùng với HTX chi trả một số khâu phục vụ công tác giết mổ. Còn ông Nguyễn Như Tiền – Chủ tịch UBND xã Duy Trung thì nói: “Lãnh đạo địa phương vừa mời các hộ giết mổ gia súc trên địa bàn lên làm việc và buộc ký cam kết chấp hành đúng những quy định của Nhà nước về lĩnh vực này. Ngoài ra, chúng tôi cũng vận động nhân dân khi phát hiện các lò mổ gia súc lậu hoạt động phải báo ngay cho chính quyền để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Theo tìm hiểu, trước năm 2011 Duy Xuyên có 142 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Thực hiện Chỉ thị số 23 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, huyện đã tiến hành quy hoạch, sắp xếp lại còn 19 cơ sở, tập trung nhiều nhất tại xã Duy Thành, Duy Vinh, Duy Phước, Duy Hòa, thị trấn Nam Phước và một khu giết mổ gia súc có quy mô lớn ở xã Duy Sơn. Ông Nguyễn Văn Hòa – Trưởng trạm Thú y huyện Duy Xuyên nói: “Qua một thời gian đi vào hoạt động, khu giết mổ gia súc tập trung tại thôn Chiêm Sơn của xã Duy Sơn vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều hộ tiếp tục chây ì, giết mổ tại nhà, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi. Vì vậy, giải pháp tối ưu hiện nay là chính quyền 3 xã Duy Trinh, Duy Sơn, Duy Trung cần phải vào cuộc một cách đồng bộ và quyết liệt. Theo đó, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tịch thu sản phẩm thịt không có dấu kiểm dịch của ngành thú y”. Theo dự kiến, năm 2015 này các đơn vị liên quan của huyện Duy Xuyên sẽ tiếp tục khảo sát, xây dựng thêm 2 khu giết mổ gia súc tập trung ở vùng tây và vùng đông, tiến đến xóa bỏ hoàn toàn các điểm giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trong các khu dân cư.

HOÀI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa gia súc vào khu giết mổ tập trung: Cần vào cuộc quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO