Trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, nhiều cử tri Quảng Nam phản ánh người nghiện ma túy trên địa bàn một số huyện, thành phố thời gian qua tăng nhanh và việc sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng có dấu hiệu công khai. Nhất là sau khi Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2009 với một điểm rất mới là không quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm hình sự. Qua điều tra, khảo sát, toàn tỉnh hiện có 758 người nghiện ma túy; có 119/244 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy, chiếm 49%. Chưa hết, theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, nhất là việc sử dụng ma túy đá và độ tuổi sử dụng ngày càng trẻ. Đó quả là những con số đáng quan ngại bởi tệ nạn ma túy vốn gây ra cho xã hội nhiều hệ lụy.
Về việc này, UBND tỉnh đã đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương tiếp tục tăng cường công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân về phòng chống ma túy và tác hại của ma túy. Đồng thời phát động phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm về ma túy; nâng cao khả năng phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, tham gia tích cực và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp và các tổ chức đoàn thể xã hội trong công tác đấu tranh, phòng ngừa và xử lý nghiêm các loại tội phạm về ma túy. Cuối tháng 9 vừa qua, UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch đổi mới công tác quản lý cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; trong đó có chỉ tiêu nâng tỷ lệ số người nghiện ma túy được điều trị so với số hồ sơ quản lý từ 53,3% hiện nay (gồm cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội và cai nghiện tại gia đình) lên 70% vào năm sau.
Vậy nhưng, việc đưa người đi cai nghiện ma túy lại gặp không ít khó khăn do vướng các quy định của pháp luật. Bởi luật không quy định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là tội phạm hình sự. Mặt khác, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc cũng khó thực hiện hơn. Trước đây, chủ tịch UBND cấp huyện có quyền ra quyết định đưa người nghiện đi cai, bây giờ, chỉ có tòa án mới có quyền phán quyết việc đưa một người nào đó đi cai nghiện ma túy hay không. Cụ thể, khi phát hiện người sử dụng ma túy trái phép, công an cấp xã lập biên bản và xác minh, thu thập tài liệu, lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trưởng phòng tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ. Kết quả kiểm tra phải được thể hiện bằng văn bản gửi trưởng phòng LĐ-TB&XH cùng cấp. Tiếp theo, trong thời gian 7 ngày, trường hợp hồ sơ đầy đủ, trưởng phòng LĐ-TB&XH phải gửi hồ sơ cho tòa án nhân dân cấp huyện. Chỉ mỗi việc xác định một người có nghiện ma túy hay không cũng mất khá nhiều thời gian mà việc này thì thuộc thẩm quyền của... ngành y tế.
Từ khi có quy định mới này (1.1.2014), không riêng Quảng Nam mà cả nước mới chỉ có một phần nghìn người nghiện được đưa đi cai nghiện qua “con đường” của tòa án. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng và tòa án nhân dân để rút ngắn thời gian lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện. Và trong khi chờ đợi sự hình thành cơ chế phối hợp liên ngành, mối quan ngại về sự gia tăng của tệ nạn ma túy lại tiếp tục tăng lên...
CHÂU NỮ