Đưa quản lý đất đai vào nền nếp

NGUYỄN QUANG VIỆT 08/09/2015 09:38

Huyện Thăng Bình đang chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp để quản lý đất đai vào nền nếp.

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thăng Bình, công tác quản lý đất đai trên địa bàn có nhiều tiến triển trong thời gian qua nhưng vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết trong thời gian đến. Công tác bồi thường, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… cần minh bạch và tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ; tình trạng tự ý lấn chiếm đất đai để xây dựng trái phép công trình hay sử dụng sai mục đích tại một số địa phương cần chấn chỉnh kịp thời.

Thuận lợi cho người dân

Hội nghị sơ kết các dự án trọng điểm của huyện Thăng Bình được tổ chức mới đây đã thừa nhận công tác quản lý đất đai ở một số địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình còn hạn chế, hồ sơ đất đai thiếu bản đồ giải thửa, sổ mục kê, sổ địa chính. Hệ lụy là người dân không “tâm phục khẩu phục” khi nhận bồi thường giải phóng mặt bằng. Đây không phải là điểm “đặc biệt” chỉ có ở huyện Thăng Bình, nhưng khắc phục điểm yếu này bằng cách nào? Ông Dương Ngọc Lân, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Bình Nguyên khẳng định, trong thời gian đến địa phương sẽ quản lý tốt hơn hồ sơ đất đai. Xã sẽ chỉnh lý biến động, chỉnh lý hồ sơ thửa đất. Khi  nghĩa vụ tài chính đất đai của người dân được thực hiện tốt thì hồ sơ kiểm tra thu hồi đất hay lập hồ sơ bồi thường của Hội đồng tư vấn xác định nguồn gốc đất cấp xã sẽ đảm bảo hơn. “Có thực tế là người dân trên địa bàn đã phàn nàn, khiếu kiện về diện tích đất sử dụng của họ không đúng với hiện trạng quản lý đất của cấp xã. Tuy nhiên có thể thấy là luật đất đai thay đổi trong thời gian qua đã gây khó khăn cho cán bộ địa chính xã. Công tác tuyên truyền sẽ được địa phương thực hiện tốt hơn để nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm, quyền lợi của họ khi sở hữu các diện tích đất đai. Cùng với việc chuẩn hóa năng lực của cán bộ địa chính, địa phương cũng đã xác định quản lý đất đai là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi phải tập trung thực hiện thường xuyên hơn, tốt hơn” - ông Lân nói.

Khu vực bàu Hà Kiều (thị trấn Hà Lam) đã được huyện Thăng Bình quy hoạch, bố trí xây dựng thành công viên văn hóa. Ảnh: N.Q.V
Khu vực bàu Hà Kiều (thị trấn Hà Lam) đã được huyện Thăng Bình quy hoạch, bố trí xây dựng thành công viên văn hóa. Ảnh: N.Q.V

Theo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thăng Bình, điều cần kíp là phải tạo được sự đồng thuận của người dân trên lĩnh vực đất đai, tránh khiếu nại, kiện cáo. Muốn vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Tài nguyên - môi trường với Trung tâm Phát triển quỹ đất của huyện, các xã/thị trấn và ban ngành, đoàn thể… Theo đó, từ việc tiếp công dân, giải quyết thắc mắc cho đến thực hiện các trình tự, thủ tục đất đai phải được chuẩn hóa. Ông Đoàn Văn Tùng - Chánh Thanh tra huyện Thăng Bình cho rằng, trước hết là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông cần phải được áp dụng triệt để hơn theo hướng đơn giản, nhanh gọn, công khai, minh bạch.

Quản lý chuyên nghiệp

“Cán bộ nào có hành vi nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà người dân khi giải quyết các vấn đề phát sinh về đất đai, cần phải được xử lý nghiêm, dứt khoát, tạo sự ổn định, tin tưởng của người dân”.
(Ông Đoàn Văn Tùng - Chánh Thanh tra huyện Thăng Bình)

Về năng lực quản lý đất đai của cán bộ địa chính trên địa bàn huyện, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thăng Bình thừa nhận còn có mặt hạn chế. “Cần nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý đất đai, nhất là cán bộ cấp xã. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ này cần được đề cao hơn, cả chuyên môn quản lý lẫn thái độ ứng xử, tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp” - ông Trần Toản, Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Thăng Bình nói. Theo ông Toản, trong thời gian đến, Thăng Bình sẽ đẩy mạnh việc kê khai, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính để quản lý tốt hơn các diện tích, loại đất đang được sử dụng. Các cá nhân, tổ chức sử dụng đất phải thực hiện kê khai đăng ký đầy đủ để quản lý hồ sơ tốt hơn. “Đối với các trường hợp đã đủ điều kiện sử dụng đất, tuyệt đối có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp nào chưa đủ điều kiện thì phải được đăng ký kê khai để lập hồ sơ quản lý. Chúng tôi sẽ kiến nghị cấp trên về những bất cập có thể phát sinh trên lĩnh vực đất đai trong thời gian đến. Các chính sách bồi thường, hỗ trợ, thực hiện tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải sát đúng với thực tiễn” - ông Toản cho hay.

Theo UBND huyện Thăng Bình, đến thời điểm này, địa phương đã kịp thời chỉ đạo UBND 22 xã, thị trấn trên địa bàn rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp người dân hay tổ chức tự ý lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà ở hay công trình trái phép. Trên cơ sở đó, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện sẽ quy chiếu pháp luật hiện hành, tham mưu UBND huyện giải quyết dứt điểm, đúng trình tự. UBND huyện Thăng Bình cho biết, huyện sẽ kiên quyết thu hồi những diện tích đất đã giao, cho thuê nhưng chủ đầu tư không triển khai đúng thời hạn cam kết hoặc sử dụng sai mục đích. Những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai sẽ được xử lý dứt khoát, tạo nền nếp nghiêm túc trong quản lý đất đai. Được biết, thời gian qua huyện Thăng Bình đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện cơ bản thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn, đất đai được sử dụng phù hợp, tạo nền tảng tương đối vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội. Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ, cá nhân đạt hơn 95%. Hệ thống bản đồ, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai ngày một hoàn thiện hơn. Quy hoạch sử dụng đất đai tổng thể của huyện đã được xác lập và điều chỉnh phù hợp với biến động kinh tế - xã hội.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa quản lý đất đai vào nền nếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO