Đưa văn hóa trở thành động lực phát triển

KHÁNH LINH 17/05/2022 06:35

Đề án “Phát triển một số lĩnh vực văn hóa thị xã Điện Bàn giai đoạn 2022 - 2026” vừa được HĐND thị xã thông qua một lần nữa khẳng định sự coi trọng của địa phương về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa luôn được Điện Bàn quan tâm. TRONG ẢNH: Lễ cầu ngư truyền thống ở vùng biển Điện Dương. Ảnh: V.LỘC
Bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa luôn được Điện Bàn quan tâm. TRONG ẢNH: Lễ cầu ngư truyền thống ở vùng biển Điện Dương. Ảnh: V.LỘC

Tri ân tiền nhân

Chỉ trong vòng một tháng, nhiều hoạt động tưởng niệm các danh nhân văn hóa, anh hùng, liệt sĩ đã được UBND thị xã Điện Bàn liên tiếp tổ chức như kỷ niệm 140 năm ngày mất Tổng đốc Hoàng Diệu, kỷ niệm 140 năm ngày mất Trúc Đường Phạm Phú Thứ, kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi tại Điện Bàn…

Đây không chỉ là dịp tri ân công đức tiền nhân, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ mà còn khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo thị xã đối với lĩnh vực văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Theo ông Phạm Văn Ba - Trưởng Phòng VH-TT thị xã Điện Bàn, thời gian qua lĩnh vực văn hóa được Điện Bàn quan tâm mạnh mẽ; thể hiện rõ nét nhất trong công tác đầu tư, tôn tạo di tích.

Thông qua các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh và thị xã, nhiều công trình, di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn đã, đang và sẽ được đầu tư nâng cấp, xây dựng như Công viên dinh trấn Thanh Chiêm, phục chế cổng Tỉnh thành Quảng Nam, nâng cấp tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc, cải tạo khuôn viên tháp Bằng An…

Trong đó, dự án nâng cấp tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc đang được thị xã xây dựng hồ sơ thiết kế, dự kiến kinh phí 25 tỷ đồng, sau khi hoàn thành nơi đây sẽ là công trình văn hóa lịch sử tạo điểm nhấn phía bắc thị xã.

“Bảo tồn, phát triển các di tích văn hóa cách mạng có ý nghĩa to lớn, qua đó giúp tiếp nối truyền thống tốt đẹp của đất và người Điện Bàn từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Đây là động lực quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển quê hương Điện Bàn những năm tới” - ông Ba chia sẻ.

Ảnh: V.LỘC
Ảnh: V.LỘC

Mới đây, HĐND thị xã Điện Bàn đã ban hành Nghị quyết 11 thông qua Đề án “Phát triển một số lĩnh vực văn hóa thị xã giai đoạn 2022 - 2026” hướng đến mục tiêu phát triển các lĩnh vực văn hóa Điện Bàn gắn với công tác bảo tồn, phát huy tinh thần yêu nước cách mạng và các giá trị văn hóa truyền thống mang tính chuyên sâu, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của thị xã những năm đến. Đây được xem là cột mốc quan trọng nhằm biến văn hóa thật sự trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển.

Ưu tiên các thiết chế văn hóa

Với hơn 49 tỷ đồng được phê duyệt đầu tư Đề án “Phát triển một số lĩnh vực văn hóa thị xã Điện Bàn giai đoạn 2022 - 2026” được thông qua đã tạo cơ sở pháp lý và nguồn lực cụ thể cho việc bảo tồn và phát triển các lĩnh vực văn hóa Điện Bàn như tôn tạo các di tích lịch sử, sưu tầm hiện vật, đặc biệt hoàn thiện các thiết chế văn hóa trên địa bàn thị xã…

Khảo sát cho thấy, thời gian qua việc quản lý, sử dụng nhà văn hóa (NVH) thôn, khối phố trên địa bàn thị xã gặp nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó 22/140 NVH đang sử dụng cần mở rộng diện tích và bổ sung trang thiết bị. Nhiều NVH trang thiết bị sơ sài, xuống cấp, bị ngập nước.

Một số hoạt động của NVH chưa thường xuyên, nội dung và hình thức chưa phong phú, mới chủ yếu phục vụ hội họp của thôn, khu phố, sinh hoạt của các chi bộ, đoàn thể, chưa tổ chức được nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao hoặc huy động đông đảo người dân tham gia.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, so với Thông tư quy định mẫu về tổ chức và hoạt động của NVH - khu thể thao thôn do Bộ VH-TT&DL ban hành thì các NVH thôn, khối phố vẫn chưa phát huy hết công năng sử dụng.

Do đó, việc tiếp tục quản lý, vận hành và phát huy hiệu quả sử dụng, đảm bảo phục vụ tốt công tác tổ chức các hoạt động tại các thôn, khối phố cần được chú trọng và trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển văn hóa Điện Bàn thời gian tới.

Cụ thể, sẽ tiếp tục đầu tư, tăng cường quản lý cơ sở vật chất, đầu tư tủ sách báo, dụng cụ tập luyện thể dục - thể thao, đặc biệt tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất thiết chế văn hóa cơ sở kết hợp với nâng cao chất lượng hoạt động để đảm bảo các tiêu chí thị xã nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị loại 3 rất cần thiết.

Bà Hằng cho biết, theo đề án, từ đây đến năm 2026 Điện Bàn sẽ hỗ trợ xây mới 4 NVH thôn tại các thôn Hạ Nông Đông (Điện Phước), khối phố 3 (Vĩnh Điện), thôn Đông Khương 2 (Điện Phương) và NVH Thanh Quýt 5 (Điện Thắng Trung).

Hỗ trợ nâng cấp 13 NVH thôn, khối phố xuống cấp; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị bên trong NVH. Ngoài ra, huy động các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư nâng cấp các thiết chế văn hóa; việc xã hội hóa đầu tư các thiết chế văn hóa thể thao ngoài trời cũng sẽ được tăng cường. Tổng kinh phí đầu tư các công trình, thiết chế văn hóa trên địa bàn thị xã khoảng 24,6 tỷ đồng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa văn hóa trở thành động lực phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO