Đưa "vàng trắng" về Già Ban

19/12/2012 10:05

Cách đây gần 15 năm, để việc chuyển đổi các cây trồng truyền thống như lúa và hoa màu cho năng xuất thấp sang trồng cây cao su được triển khai hiệu quả và đi đến thành công như hiện nay là cả một quá trình đấu tranh tư tưởng của bà con nông dân thôn Già Ban, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức.

Nên hay không nên đặt niềm tin vào loại cây còn mới mẻ này? Thời điểm đó, bà con có quyền hoài nghi, lo lắng về những lợi ích kinh tế của cây cao su. Nhưng với sự vận động của khối dân vận cùng sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, cây cao su đã được phát triển làm cho đời sống người dân không ngừng được nâng cao, bộ mặt nông nghiệp - nông thôn trở nên khởi sắc. 

Cây cao su phát triển mạnh mẽ ở Già Ban đã làm vùng quê này thay da đổi thịt.Ảnh: H.BẢY
Cây cao su phát triển mạnh mẽ ở Già Ban đã làm vùng quê này thay da đổi thịt.Ảnh: H.BẢY

Ngôi nhà mới khang trang vừa được xây năm ngoái của gia đình anh Đoàn Văn Tám là thành quả của việc đã mạnh dạn từ bỏ loại cây trồng cho năng suất thấp chuyển sang trồng cây cao su. Trước đây, như nhiều hộ khác trong thôn, ngoài chăn nuôi, gia đình anh chỉ sản xuất một vụ lúa, trồng các loại sắn, khoai… Tất bật quanh năm nhưng nhà nào cũng chỉ đủ ăn, chưa bao giờ nghĩ đến việc có của dư của để. Từ năm 2000, gia đình anh nhận trồng và chăm sóc 3ha cho Công ty Cao su Quảng Nam. Nhận thấy nguồn lợi kinh tế mà loại “vàng trắng” này mang lại cùng với sự vận động tích cực của chính quyền địa phương, năm 2004 anh Tám mạnh dạn đầu tư trồng thêm 2ha cao su. Anh cho biết: “Chính sự động viên của chính quyền địa phương đã tạo động lực mạnh mẽ để chúng tôi mạnh dạn trồng cây cao su trên mảnh đất Già Ban này”. Đến năm 2009, anh Tám bắt đầu khai thác mủ trên diện tích 3ha, cứ 3 ngày khai thác 1 lần. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu được hơn 300 triệu đồng.

Từ những kết quả mà anh Đoàn Văn Tám đạt được, Ban dân vận xã Quế Bình họp dân nêu điển hình, qua đó tiếp tục vận động bà con trong thôn trồng cao su để thoát nghèo. Bên cạnh công tác vận động, Ban dân vận xã còn xuống tận các gia đình để nắm tâm tư nguyện vọng, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn về cách trồng và chăm sóc cao su, giới thiệu các loại giống mới, ít sâu bệnh, cho năng suất cao. Như gia đình ông Cao Văn Quyền sau khi được Ban dân vận xã vận động chuyển đổi sang trồng cây cao su đem lại hiệu quả, bản thân ông trở thành tuyên truyền viên tiếp tục tuyên truyền cho bà con trong thôn làm theo.
Trước khi cây cao su về với đất Già Ban, đây là thôn nghèo nhất của xã Quế Bình. Sau, nhờ chủ trương của Đảng và Nhà nước cùng với sự vận động của Ban dân vận từ huyện đến xã và sự đồng thuận hưởng ứng của người dân, số hộ trồng cao su tiểu điền ở Già Ban ngày càng tăng với tổng diện tích cao su tiểu điền trong thôn là 65ha. Cây cao su phát triển mạnh mẽ ở Già Ban đã cho vùng quê này thay da đổi thịt. Nhiều nhà mới khang trang mọc lên, đường bê tông thay cho những con đường đất đỏ lầy lội. Đến nay, toàn thôn chỉ còn 27 hộ nghèo (chiếm 27,8%). Phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, ông Cao Văn Quyền nói: “Trước đây, Già Ban là thôn nghèo nhất xã Quế Bình, nhưng đến nay nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như việc vận động của cán bộ địa phương đã giúp cho nhân dân nơi đây thoát nghèo, đời sống bà con ngày càng khấm khá. Trước đây trong thôn làm gì có được nhà xây, thế nhưng bây giờ toàn nhà xây, gia đình nào cũng sắm được ti vi, tủ lạnh, máy giặt... Nếu cứ làm ăn theo kiểu cũ thì suốt đời chỉ có đủ ăn là may lắm rồi”.

“Dân vận khéo” trong việc vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây cao su ở Già Ban được cán bộ ở đây phát huy tối đa. Những lúc hội họp hay liên hoan, giỗ chạp, cán bộ dân vận thường đưa cây cao su ra để bàn luận, trao đổi cách chăm sóc, khai thác sao cho hiệu quả. Diện mạo kinh tế thay đổi, đời sống nhân dân ngày một nâng cao khiến cho những người làm công tác dân vận thêm phấn khởi. Ông Võ Văn Pháp - Phó Bí thư Đảng ủy xã Quế Bình cho biết, đưa cây cao su vào đất Quế Bình, phải xác định dân vận là công tác hàng đầu. Để làm được điều đó, xã đã thành lập ban vận động nhân dân trồng cây cao su, mở các lớp tập huấn bồi dưỡng cho người dân về những kinh nghiệm trồng và chăm sóc, khai thác mủ. “Bác Hồ đã từng nói “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Lấy lời Bác dạy làm kim chỉ nam, nhiều năm qua công tác dân vận tại địa phương được thực hiện xuyên suốt, thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Mô hình dân vận khéo tại thôn Già Ban là một điển hình được huyện đánh giá cao và nhân rộng” - ông Pháp nói. 

Đến thôn Già Ban hôm nay, màu xanh của cao su phủ kín núi đồi. Trong từng chồi non đang lớn lên, hứa hẹn những mùa “vàng trắng”, có công của bao cán bộ, đảng viên kiên trì và khéo làm công tác dân vận.

A.Thư - H.Bảy

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa "vàng trắng" về Già Ban
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO