Tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân ngày càng được củng cố khi cấp ủy, chính quyền xã Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn) nỗ lực thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Người dân Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung (thị xã Điện Bàn) tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất để xây dựng tuyến đường chính của thôn rộng rãi, khang trang. Ảnh: NG.ĐOAN |
"Quan điểm của địa phương là mở rộng quyền dân chủ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Mỗi chủ trương, công việc của địa phương trước khi thông qua để thực hiện đều tổ chức lấy ý kiến góp ý, bàn bạc rộng rãi của nhân dân. Chính quyền địa phương lắng nghe, tham gia định hướng và quyết định. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy nên các chủ trương, công việc của địa phương thực hiện rất trôi chảy, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong xây dựng nông thôn mới, chủ trương đưa ra như vậy nhưng chủ thể được xác định chính là nhân dân” - ông Trương Công Bè, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Thắng Trung nói.
Dân tin
Với tinh thần đồng thuận, người dân các thôn của xã Điện Thắng Trung còn tự nguyện thành lập tổ tự quản về an ninh trật tự. Hoạt động tích cực, tự nguyện của tổ tự quản đã góp phần giữ vững sự bình yên của làng quê nông thông mới. Hằng tháng, mỗi hộ dân tự nguyện ủng hộ 10.000 đồng để cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ lực lượng tự quản mua sắm công cụ hỗ trợ, bồi dưỡng ăn khuya khi tuần tra địa bàn... |
Với cách làm trên của cấp ủy đảng, chính quyền, người dân Điện Thắng Trung luôn đồng thuận, tin tưởng, hưởng ứng tích cực các phong trào, cuộc vận động chung của địa phương. Trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất vườn, tháo dỡ vật kiến trúc để mở rộng mặt đường, tạo diện mạo khang trang cho làng quê nông thôn mới. Để mở rộng mặt đường trục giao thông chính của thôn ra 10m, gia đình ông Lê Tự Hàng (thôn Thanh Quýt 2) tự nguyện hiến hơn 150m2 đất vườn, tháo dỡ tường rào bàn giao mặt bằng. Ông Hàng chia sẻ: “Khi chính quyền địa phương tổ chức họp bàn mở rộng mặt đường, bà con thấy đây là chủ trương đúng, việc thực hiện là cần thiết nên đều thống nhất. Ai bị ảnh hưởng nhiều thì hiến nhiều, không suy tính thiệt hơn. Bây giờ con đường của thôn được rộng rãi, thoáng đãng, xe cộ lưu thông thuận lợi, con em ly hương có dịp về thăm trầm trồ trước diện mạo mới của làng quê”. Hay như gia đình anh Trần Duy Pháp (thôn Thanh Quýt 4), hưởng ứng chủ trương hiến đất mở rộng đường theo tiêu chí nông thôn mới, đã tự nguyện hiến gần 80m2 đất ở. Anh Pháp cho biết: “Các chủ trương, công việc trước khi triển khai được địa phương tổ chức họp dân lấy ý kiến. Khi người dân đã bàn bạc, góp ý và thống nhất thì cùng bắt tay vào thực hiện. Sau khi hoàn thành, địa phương làm tiếp một bước công khai tài chính và kết quả thực hiện cho dân biết. Vì vậy không có ai lời ra tiếng vào; việc gì bà con cũng ủng hộ”.
Trong triển khai các phần việc, góp phần vào sự đổi thay của diện mạo làng quê nông thôn mới ở Điện Thắng Trung, không thể không nhắc đến nguồn lực hỗ trợ quan trọng của các mạnh thường quân là con em xa quê. “Nếu địa phương không công khai minh bạch trong tổ chức thực hiện, trong quyết toán kinh phí thì dễ gì nhân dân đồng thuận hiến đất, mạnh thường quân tin tưởng ủng hộ hàng trăm triệu đồng” - ông Trương Công Bè, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Điện Thắng Trung, nhấn mạnh thêm về niềm tin, sự đồng thuận tại địa phương.
Dân làm chủ
Theo ông Nguyễn Hữu Lanh - Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng Trung, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là khâu rất quan trọng nhằm hoàn thiện cơ chế nhân dân làm chủ xã hội. Tinh thần đồng thuận, thống nhất cao giữa ý Đảng và lòng dân hình thành khi quyền dân chủ được phát huy, người dân được góp ý và các công việc được tiến hành công khai minh bạch. Những năm qua, Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của xã đã thực hiện phương châm “dân biết” trên nhiều lĩnh vực, thông qua nhiều hình thức. Trong đó, chủ yếu thực hiện qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp dân, niêm yết công khai tại thôn, xã; qua sinh hoạt Đảng, các hội, đoàn thể mặt trận; qua đài truyền thanh xã. Thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhân dân nắm bắt được các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Nhất là các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới; các nghị quyết của HĐND xã, mức đóng góp xây dựng các công trình giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, bình xét hộ nghèo, xây dựng nhà đại đoàn kết... Tất cả phần việc triển khai theo chủ trương đều được đưa ra lấy ý kiến để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp. Trong quá trình thực hiện, các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng phát huy tốt vai trò là đại diện nhân dân, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát những công trình đầu tư cộng đồng, kịp thời phát hiện sai sót, yêu cầu đơn vị chủ đầu tư, thi công khắc phục.
“Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở mà sự đoàn kết trong hệ thống chính trị được nâng cao, cầu nối giữa nhân dân với Đảng, chính quyền càng gần hơn, tinh thần đồng thuận của nhân dân ngày càng được củng cố. Từ cơ sở đó, các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư từng bước được hình thành và có tác dụng tích cực. Nhân dân đã cùng nhau bàn bạc, quyết định những công việc hệ trọng hằng ngày ở cộng đồng như xây dựng hương ước, quy ước thôn văn hóa, tộc ước văn hóa; xây dựng mô hình các khu dân cư bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm, xóa nghèo bền vững. Đáng nói nhất là sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới” - ông Lanh nói.
HÀN GIANG