Đưa vào sử dụng tuyến đường ĐH8 (Điện Bàn): Công trình nhiều ý nghĩa

THÂN VĨNH LỘC 24/06/2016 08:12

Ngày mai 25.6, thị xã Điện Bàn tổ chức khánh thành dự án “Đường nối từ quốc lộ 1, ĐT609 vào trung tâm xã ngập lụt, thị xã Điện Bàn - đường ĐH8”. Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ giải quyết đời sống dân sinh, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đông phát triển.

Đảm bảo yêu cầu kỹ thuật

Dự án đường ĐH8 được triển khai thi công ngày 1.10.2013 (dự kiến hoàn thành ngày 30.9.2016) có điểm đầu tuyến kết nối tại km946+500 quốc lộ 1; điểm cuối tuyến kết nối tại km5+060 đường ĐT607A. Bề rộng đường 12m (mặt đường 7m, lề mỗi bên 2,5m), tổng chiều dài 3,3km. Trong đó, cầu Quảng Hậu bắc qua sông Vĩnh Điện (dài gần 170m, rộng 12m) là công trình kiên cố, quy mô vĩnh cửu. Mặt cắt ngang cầu gồm 5 phiến dầm Super T giản đơn, chiều dài mỗi nhịp dầm 38,3m, chiều cao dầm 1,75m. Bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép 35Mpa; mố bê tông cốt thép kiểu chữ U, móng cọc khoan nhồi đường kính 1,2m bê tông cốt thép 30Mpa; lan can tay vịn ống thép; bản dẫn, gờ chắn bánh bê tông cốt thép 25Mpa; lan can tay vịn ống thép. Đường dẫn hai đầu cầu theo cấp kỹ thuật và kết cấu chung của tuyến giao thông, gia cố tứ nón, ta-luy nền đường hai đầu cầu kết cấu đá hộc xây vữa. Tổng mức đầu tư dự án gần 154 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ 61 tỷ đồng, còn lại là ngân sách thị xã (riêng cầu Quảng Hậu kinh phí xây dựng 67 tỷ đồng).

Đường ĐH8 hoàn thành sẽ góp phần quan trong kết nối hai vùng đông - tây của thị xã Điện Bàn. Ảnh: VĨNH LỘC
Đường ĐH8 hoàn thành sẽ góp phần quan trong kết nối hai vùng đông - tây của thị xã Điện Bàn. Ảnh: VĨNH LỘC

Theo ông Nguyễn Hữu Trung - Giám đốc Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng công trình Điện Bàn, đây là lần đầu tiên cơ quan được giao quản lý một công trình có quy mô với các biện pháp tổ chức thi công mới, kỹ thuật hiện đại. Vì thế, ngay từ đầu, việc chọn đơn vị thi công, nhất là đơn vị giám sát rất chặt chẽ. Ban quản lý đã tham mưu UBND thị xã ưu tiên chọn đơn vị giám sát, kiểm định có uy tín và hoàn toàn độc lập. Do đó, tất cả vật tư đưa vào công trình đều đã qua thí nghiệm, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và chất lượng. “Vật tư ở đây nhiều nhất là cốt thép và bê tông tươi, hầu hết đều có người giám sát, quản lý toàn bộ, chủ yếu kiểm tra định lượng trộn theo định mức. Ngoài ra, trước khi đưa vào công trình, tất cả cũng được kiểm tra lại, nếu đạt yêu cầu thì mình chấp nhận cho đổ không đạt thì buộc lui xe. Đến nay, qua hồ sơ phản ánh khách quan của đơn vị kiểm định độc lập là Công ty EEC, cơ bản công trình này đạt các tiêu chí như khối lượng đúng theo thiết kế, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật và tiến độ đạt yêu cầu” - ông Trung cho biết.

Nhân dân đồng thuận

Một trong những khó khăn khi triển khai bất kỳ dự án nào chính là công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, với dự án đường ĐH8 điều này đã không xảy ra dù ảnh hưởng đến dân cư 3 khối phố là 8A, 8B và Quảng Lăng (Điện Nam Trung). Trong tổng số 615 hộ dân bị ảnh hưởng dự án (18 hộ bị giải tỏa trắng), hầu hết đều tự nguyện di dời bàn giao mặt bằng. Thậm chí, các hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng vẫn sẵn sàng dỡ nhà để bàn giao mặt bằng dù khu tái định cư chưa thi công xong. Kể cả khi đơn vị thi công về làm việc nhân dân cũng đã tạo điều kiện bố trí chỗ ăn ở tại nhà văn hóa của 2 khối phố để thuận lợi cho việc xây dựng. Ông Lê Văn Lương - Trưởng khối phố 8A chia sẻ, khi nghe có dự án mở đường qua sông, nhân dân trong vùng ai cũng vui mừng phấn khởi. Vì bao đời nay người dân khối phố 8A cách trở đò giang, mỗi lần có chuyện gì muốn xuống xã là phải đi đò hoặc vòng vô Vĩnh Điện mới qua được. Chưa kể, việc canh tác ruộng đồng hai bên sông rất vất vả do đi lại bằng thuyền ghe khó khăn, nhất là vận chuyển vật tư, phân bón. “Tuy vẫn còn một số vướng mắc chưa giải quyết như mấy cái tường nhà dân bị nứt, nhưng đối với bà con chúng tôi thì con đường này thật ý nghĩa nên ai cũng hợp tác, ủng hộ” - ông Lượng nói.

Sự đồng thuận ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương đã giúp công trình hoàn thành trước thời gian hơn 3 tháng.
Sự đồng thuận ủng hộ của người dân và chính quyền địa phương đã giúp công trình hoàn thành trước thời gian hơn 3 tháng.

Khối phố 8A có 164 hộ dân, trong đó có 13 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng chính vì thấy được cái lợi chung nên ai cũng hợp tác. Bên cạnh đó, việc bố trí tái định cư ngay tại chỗ (dọc đường ĐH8, gần dưới quốc lộ 1) cũng là yếu tố quan trọng khiến công tác di dời, giải phóng mặt bằng thuận lợi. Ông Nguyễn Hữu Trung - Giám đốc Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng công trình Điện Bàn cho hay, chính điều này đã giúp đưa dự án hoàn thành vượt mức tiến độ hơn 3 tháng. Ngoài ra, trong quá trình thi công, Ban quản lý dự án đã chủ trì, tổ chức cùng các đơn vị tư vấn giám sát, giám sát đơn vị sử dụng, giám sát cộng đồng tham gia nghiệm thu chuyển giai đoạn khi kết thúc giai đoạn thi công của dự án, qua đó góp phần đảm bảo chất lượng của công trình. “Tôi cho rằng sự đồng lòng hợp tác của người dân và chính quyền địa phương trong công tác dân vận rất quan trọng để hoàn thành dự án. Đây cũng là kinh nghiệm tốt để Điện Bàn áp dụng khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông sau này” - ông Trung nói.

Thúc đẩy vùng đông

Có thể khẳng định, dự án “Đường nối từ quốc lộ 1, ĐT609 vào trung tâm xã ngập lụt, thị xã Điện Bàn” có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt dân sinh cũng như phát triển kinh tế vùng đông của thị xã. Đặc biệt, giải tỏa được áp lực giao thông, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho gần 30 nghìn công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Ông Đặng Ngọc - Bí thư Đảng ủy phường Điện Nam Trung cho rằng, giá trị lớn nhất của dự án ngoài vấn đề dân sinh chính là tạo điều kiện kết nối đông - tây, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đông của phường, nhất là thương mại, dịch vụ. Hiện UBND tỉnh đã đồng ý cho phường quy hoạch xây dựng hai bãi cát sạn gần khu vực cầu Quảng Hậu, cùng với đó nhiều hoạt động kinh doanh buôn bán cũng đã bắt đầu hình thành phát triển, hứa hẹn sẽ thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.

Nhìn nhận những cơ hội khi dự án hoàn thành, ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, dù quá trình thực hiện dự án đôi lúc còn gặp khó khăn do sự thay đổi của đơn giá, nhân công, giá cả vật tư biến động, nguồn ngân sách có thời điểm bị gián đoạn, nhưng UBND thị xã Điện Bàn đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều mặt từ lãnh đạo tỉnh và các sở ngành chuyên môn trong việc tháo gỡ vướng mắc, cộng với sự nỗ lực, cố gắng, linh hoạt, hợp tác của chủ đầu tư và nhà thầu. Điều này đã góp phần giúp công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm hơn 90 ngày so với tiến độ được ký kết. “Đường ĐH8 sẽ là trục giao thông quan trọng cả về giao thương, giao lưu hàng hóa giữa các vùng đông - tây của thị xã Điện Bàn. Đồng thời là công trình hạ tầng kỹ thuật kết hợp với an ninh quốc phòng; kịp thời tổ chức, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn trong mùa bão lũ. Đặc biệt, đây sẽ là tác nhân quan trọng cho việc bố trí sắp xếp lại dân cư trong khu vực, hình thành các điểm, khu dân cư theo quy hoạch, theo tuyến đường; đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị, mạng lưới đô thị vệ tinh, lấy hạt nhân phát triển là các khu - cụm công nghiệp, khu đô thị; kích thích sự phát triển cho toàn vùng, tạo ổn định đời sống sinh hoạt và từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối hành lang đông - tây của thị xã theo quy hoạch chung đô thị được phê duyệt” - ông Đạt khẳng định.

THÂN VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa vào sử dụng tuyến đường ĐH8 (Điện Bàn): Công trình nhiều ý nghĩa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO