Doanh nghiệp (DN) đầu tư về khu vực nông thôn là giải pháp hiệu quả trong tạo nguồn lao động bền vững, góp phần giải quyết việc làm ngay tại địa phương.
Tọa lạc ở thôn Sơn Viên (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên), Xí nghiệp May Ánh Sáng 4 trong suốt 4 năm qua đã phát triển từ 30 lao động ban đầu lên gần 400 lao động như hiện nay. Nguồn lao động chủ yếu ở Duy Nghĩa và các xã lân cận của huyện Duy Xuyên, Thăng Bình. Lúc chọn địa điểm xây dựng nhà máy, hạ tầng cơ sở tại đây còn hạn chế, chưa có đường ven biển, dân cư thưa thớt. Ngay thời điểm đó, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mở lớp đầu tiên cho 35 người, và họ gắn bó với DN đến bây giờ.
Sau thời gian hoạt động hiệu quả, nguồn lao động ly hương đã quay về địa phương chọn Xí nghiệp May Ánh Sáng 4 làm việc. Chị Nguyễn Thị Thy Thơ (xã Duy Nghĩa) đang là chuyền trưởng một chuyền may trong xí nghiệp đã đi lên từ công nhân phổ thông. Chị Thơ từng làm việc tại Sài Gòn, năm 2013 thì về quê nghỉ thai sản. Thời gian này, nhận thấy môi trường làm việc tại xí nghiệp không thua kém thành phố lớn, chị quyết định gắn bó với quê nhà. Chăm chỉ làm việc với vị trí công nhân phổ thông, chị Thơ nâng dần trình độ tay nghề và được tin tưởng giao vị trí chuyền trưởng. Chị Thơ tâm sự: “Chuyện cơm áo ở quê dù sao cũng dễ xoay xở hơn khi tha phương, bởi có gia đình hỗ trợ nếu khó khăn. Thấy công việc của vợ ổn định, chồng tôi trước đây thường đi Đà Nẵng, Sài Gòn kiếm việc, nay cũng xin vào xí nghiệp làm cơ điện. Hiện cuộc sống đã dần ổn định”.
Hiện nay, DN đầu tư về khu vực nông thôn là xu thế phù hợp với sự phát triển của xã hội, cũng như sự dịch chuyển về lao động trong tỉnh. Điều này cũng tạo sự cạnh tranh về lao động ngày càng khốc liệt hơn. Bên cạnh DN chủ động đặt nhà máy tại nơi có nguồn lao động dồi dào, địa phương được nhà đầu tư lựa chọn cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ đáng kể. Sự tương tác này góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, ly nông nhưng không ly hương. Dễ dàng nhận thấy, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh đều tính toán quy hoạch đón đầu, dành quỹ đất cho các cụm công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ, kêu gọi đầu tư chú trọng đến yếu tố sạch, giải quyết được nhiều lao động. Nhưng khi DN về với nông thôn hay miền núi, ngoài các ưu đãi đầu tư, đường sá đi lại thuận tiện thì điều họ lo nhất chính là nguồn lao động. Và một đặc thù của người lao động ở khu vực miền núi, nông thôn là cuộc sống của họ dù có vào nhà máy cũng không thể tách khỏi nông nghiệp. Vì thế trước khi đầu tư, các DN hiểu rõ điều này và luôn tạo điều kiện giúp lao động giải quyết hài hòa yếu tố trên.
LÊ DIỄM