Đức - Trung Quốc: Lạc quan kinh tế, lo sợ gián điệp

QUỐC HƯNG 08/07/2014 14:38

(QNO) - Là đối tác thương mại quan trọng của nhau, Thủ tướng Đức Angela Merkel lần thứ 7 đặt chân đến Bắc Kinh trong 3 ngày (6 -8.7) nhằm níu kéo “thập kỷ vàng” kinh tế Đức - Trung. Song, dư luận Đức lại dấy lên mối lo ngại về tội phạm gián điệp kinh tế từ Trung Quốc.

Bà Agela Merkel đến Bắc Kinh trong lúc cơ quan tình báo Đức cảnh bảo về hoạt động gián điệp kinh tế gây hại của Trung Quốc.
Bà Agela Merkel đến Bắc Kinh trong lúc cơ quan tình báo Đức cảnh bảo về hoạt động gián điệp kinh tế gây hại của Trung Quốc.

Có lẽ, chưa bao giờ nền kinh tế Đức - Trung phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay. Lần này, nhà lãnh đạo Đức mang theo một phái đoàn hùng hậu là doanh nhân cao cấp Đức sang Trung Quốc, trong đó có những tập đoàn lớn như Siemens, Volkswagen, Lufthansa, Deutsche Bank… Theo kế hoạch, hai bên ký 10 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Thị trường Trung Quốc có tầm quan trọng đối với Đức trong khi Trung Quốc cũng đang nhắm tới Đức như một nhà cung ứng máy móc và xe hơi cho thị trường mới nổi. Năm 2013, Đức xuất khẩu sang Trung Quốc với doanh thu 67 tỷ euro trong khi nhập khẩu từ các mặt hàng Trung Quốc ước tính 73 tỷ euro. Hãng tin Tân Hoa xã “ca ngợi” chuyến đi này của bà Merkel “là lúc tốt đẹp nhất trong quan hệ Trung - Đức”. Hiện, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Người phụ trách Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Đức Henmen cho rằng, nguyên nhân quan trọng để quan hệ kinh tế - thương mại Đức - Trung Quốc phát triển nhanh chóng là tính bổ sung cho nhau về kinh tế giữa hai nước. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế hàng đầu của Đức như Klaus Meyer - thuộc Trường Đại học kinh doanh quốc tế Đức - Trung thì sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau chưa bao giờ là điều tốt đẹp cả.

Một ngày trước khi bà Merkel đến Trung Quốc, trong một bài báo đăng trên tờ Tạp chí Welt Am Sonntag (Đức), người đứng đầu ngành tình báo Đức, Hans-Georg Maassen cảnh báo các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn là “xương sống” của nền kinh tế Đức đứng trước nguy cơ bị các cơ quan chính phủ Trung Quốc hoạt động gián điệp công nghiệp. “Họ đang phải chống lại những đối thủ hết sức hùng mạnh. Chỉ riêng cơ quan tình báo chuyên về mảng kỹ thuật của Trung Quốc đã có hơn 100 ngàn nhân viên” - ông Maassen nói.

Các vụ gián điệp kinh tế tai tiếng của Trung Quốc từng bị phanh phui nhiều lần tại rất nhiều nước và Đức không phải là trường hợp ngoại lệ. Vào năm 2007, trên trang Der Spiegel của Đức đăng tải loạt bài viết có tiêu đề “Gián điệp vàng - Trung Quốc tại sao ăn cắp công nghệ của Đức”. Hay vào năm ngoái, một loạt tờ báo của Đức đã lên tiếng rằng, hoạt động gián điệp từ Trung Quốc luôn là “mối đe dọa của nước Đức”.

Cho đến nay, Mỹ đã từng đích danh tố cáo Trung Quốc dùng tin tặc để đánh cắp công nghệ nhằm hiện đại hóa quân đội của họ và phục vụ cho các tập đoàn nhà nước. Vào tháng 5 vừa qua, tư pháp Mỹ đã chính thức truy tố và ban hành lệnh truy nã nhắm vào 5 người Trung Quốc thuộc một đơn vị tin tặc bí mật ở Thượng Hải bị buộc tội do có dính líu đến gián điệp mạng và đánh cắp bí mật thương mại của các công ty Mỹ.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đức - Trung Quốc: Lạc quan kinh tế, lo sợ gián điệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO