“Có cứng mới đứng đầu gió”, kinh nghiệm dân gian đã trao truyền vậy. Ngẫm nghĩ, đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Trên vùng đất ngửa mặt ra biển Đông, thường hứng chịu hàng năm hơn 10 cơn bão, người Quảng từ xưa đã chọn lọc để trồng những loại cây ngăn gió hiệu quả. Có những bờ tre che chắn cho những ngôi làng, cánh đồng, nhà cửa. Phía biển có rừng dương, phi lao, xương rồng, dứa dại chống cát bay, xói lở.
Những giống cây để trồng trọt đem lại thu nhập kinh tế cũng được chọn lọc. Những giống lúa thân cao dễ ngã rạp khi gặp gió cũng dần loại bỏ. Các loại cây ăn quả cũng được quy hoạch tự nhiên trên những vùng phù hợp. Khi người Pháp qua đây, người ta đã thử phát triển cây cao su mà dấu tích còn lưu trên đồi Su (giờ là đảo Su giữa lòng hồ Phú Ninh). Tuy nhiên, cuối cùng người Pháp thấy cây cao su không chịu nổi gió bão và chỉ phát triển mạnh ở phía Nam.
Nhưng trong vòng mấy năm nay, việc phát triển cây cao su đã tràn ngập nhiều vùng đất Quảng. Cây cao su đã cho mủ và đặc biệt là cho cả niềm hi vọng đổi đời của bà con nông dân. Rồi trải qua mấy cơn bão, rừng cao su thiệt hại không nhỏ. Như trong bão số 11 vừa qua đã làm gãy đổ 50ha cao su ở Nông trường Cao su Đức Phú (xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành). Còn ở Hiệp Đức, khoảng 210ha/1.700ha cao su tiểu điền do người dân tự bỏ vốn để trồng, bị gió bão quật tơi tả, gãy thân, trốc gốc. Với cao su đại điền của Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam, bão số 11 đã làm hư hại nặng hơn 200ha, trong đó khoảng một nửa diện tích đang trong thời kỳ khai thác mủ.
Bão đã làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng, chỉ tính riêng với cao su. Rõ ràng, về mặt khoa học lẫn thực tiễn, cao su là loại cây khó có thể “đứng đầu gió”. Vấn đề đặt ra cần suy ngẫm là tiếp tục định hướng phát triển loại cây này như thế nào? Đã có những khuyến cáo của các chuyên gia, các nhà kỹ thuật về biện pháp giúp cao su “sống chung” với bão. Rằng hãy phát triển cao su ở những vùng cách biển ít nhất 50km, tạo dải băng rừng ở phía đông với các loại cây chịu gió để phòng vệ cho cao su. Về kỹ thuật cần chú ý bấm đọt khi cây cao su lên được 2m chiều cao để nó tỏa cành nhánh vững chãi hơn. Đặc biệt, khoa học cũng đã tìm ra và nhân giống cao su chịu được gió bão, giá rét, chống được sâu bệnh là GT1, đã được trồng ở một số vùng trong nước.
Những khuyến cáo khoa học, kỹ thuật cần có sự kiểm nghiệm thực tiễn. Và, với cao su đại điền thì có thể ứng dụng việc trồng các dải băng rừng phòng vệ còn cao su tiểu điền thì sao? Đây chính là nan đề của Quảng Nam hiện nay, bởi việc phát triển loại hình này do người dân đầu tư là chính, còn phân tán, nguồn lực tài chính hạn chế, việc ứng dụng kỹ thuật, giống mới chưa được chú trọng.
Cao su đã từng gợi lên khao khát đổi đời và tiếp tục là cây chiến lược của Quảng Nam. Sau bao nhiêu năm trăn trở “trồng cây gì, nuôi con gì”, cao su đã bén rễ, cho dòng nhựa trắng với những tia hi vọng. Song, lựa chọn những giải pháp, biện pháp kỹ thuật, ứng dụng khoa học để cây cao su “sống chung” với bão, đang và sẽ là bài toán cần suy ngẫm.
Số phận của một loài cây mà sự sinh tồn mang theo bao nhiêu ước vọng, trăn trở của con người trên vùng đất đứng đầu gió…
ĐĂNG QUANG