“Cá không ăn muối cá ươn”. Còn tàu thuyền không bảo hiểm trăm đường rủi ro. Đó là chuyện bảo hiểm tàu cá mà ngư dân canh cánh nỗi lo nhiều năm rồi.
Hồi mới tái lập tỉnh, cả Quảng Nam chỉ có 228 tàu sông và tàu cá tham gia bảo hiểm.
Trong khi đó, số lượng tàu thuyền của 6 địa phương có nghề cá ven biển (Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An và Điện Bàn) thống kê được là 3.710 chiếc. Năm 1997, có 117 tàu tham gia bảo hiểm với tổng mức thu là 168 triệu đồng, nhưng đã có tới 53 tàu bị tai nạn và phải bồi thường bảo hiểm 158 triệu đồng. Và thuyền viên tham gia bảo hiểm 596 người thì đã có 29 vụ tai nạn, nên bảo hiểm chi trả thiệt hại lên hơn 15,2 /17,9 triệu đồng phí bảo hiểm. Số lượng tham gia bảo hiểm ít, nhiều tàu không có bảo hiểm gặp nạn thì coi như trắng tay. Đau xót như vụ tàu của ông Nguyễn Đình Phương trong một cơn bão đã bị chìm ở Hòn Nhàn, cách Cù Lao Chàm hơn 25km về phía đông, làm cho 6 người chết, mà không có đồng tiền bồi thường nào vì không tham gia bảo hiểm.
Nay, nhiều ngư dân đã ý thức về việc tham gia bảo hiểm để phòng ngừa khi rủi ro có được sự bù đắp phần nào thiệt hại. Vừa qua, cơn bão số 12 kéo theo nhiều trận dông lốc, mưa to, lũ lớn, nhiều tàu thuyền gặp nạn. Chiếc tàu QNa - 91739 chìm ngoài Trường Sa mang theo nỗi xót thương về người chủ tàu Lương Tấn Xị và một thuyền viên. May, còn chút an ủi là con tàu này đã mua bảo hiểm thân tàu 6,7 tỷ đồng; và hai ngư dân xấu số sẽ được chi trả bảo hiểm tai nạn. Nói vậy, nhưng chuyện lấy được đồng tiền bảo hiểm sẽ còn qua nhiều bước thủ tục nữa, mà khó nhất là giám định hiện trường để xác định thiệt hại. Không thiệt hại đến mức như tàu QNa - 91739, nhưng có những con tàu đã vào neo đậu trong âu thuyền cũng bị chìm, hư hỏng khá nặng nề. Đó là tàu QNa - 94105 (công suất 140CV) của 7 ngư dân Bình Dương, Thăng Bình, chìm trong âu thuyền Hồng Triều. Cũng tại âu thuyền này, tàu cá QNa-95627 (công suất 444CV) của ngư dân Lâm Văn Minh bị hư hỏng quá lớn, cả thân tàu và máy chính. Tàu của ông Lâm Văn Minh đã mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên (10 lao động) và bảo hiểm ngư lưới cụ, cả thảy gần 2 tỷ đồng. Đến nay chưa biết sẽ được bồi thường như thế nào nhưng thủ tục cũng không đơn giản, nhất là bước thẩm định hiện trạng tàu gặp tai nạn có được quay phim, chụp hình, xử lý bước đầu hay không. Tàu được bảo hiểm khi gặp nạn thì ít nhiều rồi cũng được bồi thường với các hạng mục đăng ký và nếu có lý do khách quan chính đáng. Tuy nhiên, dù tàu được bảo hiểm mà ngư dân không rành rẽ các thủ tục phải làm khi tàu gặp nạn cũng sẽ ẩm ương để định mức thiệt hại.
Nhờ có Nghị định 67 của Chính phủ, nhiều ngư dân đã được hỗ trợ mua bảo hiểm cho tàu cá và thuyền viên. Mức hỗ trợ của Nghị định 67 là rất lớn, với 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; hỗ trợ hàng năm kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ với mức: 70% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV đến dưới 400CV; 90% kinh phí mua bảo hiểm đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên... Nhờ đó, cuối năm ngoái, đã có 21.821 tàu cá tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ, với giá trị bảo hiểm là 393 tỷ đồng, đã hỗ trợ được 336 tỷ đồng; số lượng thuyền viên được hưởng bảo hiểm là 190.863 thuyền viên với số phí bảo hiểm là 55,4 tỷ đồng. Tuy vậy, đến 31.12.2017, Nghị định 67 sẽ hết hiệu lực nên chắc chắn chính sách và mức hỗ trợ bảo hiểm sẽ có thay đổi. Hiện tại, nhiều địa phương cũng áp dụng Quyết định 48 của Chính phủ về hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm ngư lưới cụ và bảo hiểm rủi ro đặc biệt với tàu cá có công suất từ 400CV trở lên.
Với những con tàu vươn khơi xa, dù có bảo hiểm vẫn lo ngại những rủi ro khó lường từ phía biển, từ thiên tai bất ngờ ập xuống. Câu ca cũ còn vương một nỗi lo rập rình “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” là vì ngư dân luôn phải đối mặt với những ẩn họa trên biển. Tàu bị cướp phá. Tàu chạy lạc vào hướng bão quần, bão xoáy. Tàu bị va đập khi neo đậu trú bão. Tàu đứt neo... Bao câu chuyện gieo neo đó khiến cho câu chuyện bám biển là hành trình gian nan, mang theo ý nghĩa thiêng liêng là bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Chính vì vậy, đừng để xảy ra trường hợp “cá không ăn muối...” mà xót xa khi gặp rủi ro vì tàu cá và ngư dân không có bảo hiểm. Việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm cho tàu cá và ngư dân là góp thêm một chiếc neo, một chỗ dựa để phát triển nghề biển bền vững.
ĐĂNG QUANG