“Vì sao giàu tiềm năng nhưng du lịch chưa trở thành một nền kinh tế mũi nhọn, Việt Nam chưa trở thành một quốc gia du lịch, đừng để khách đến Việt Nam một lần rồi một đi không trở lại…” là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị du lịch toàn quốc do Chính phủ tổ chức tại Hội An vào sáng qua 9.8. Hội nghị có sự tham dự của các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương trên cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dạo phố cổ Hội An trước khi tham dự Hội nghị du lịch toàn quốc. Ảnh: Vietnamnet.vn |
Thiếu liên kết
Hơn 45 ý kiến trao đổi tại Hội nghị du lịch toàn quốc đều khẳng định Việt Nam có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú. Theo thống kê, tổng lượng khách quốc tế đến nước ta giai đoạn 2010 - 2015 tăng hơn 1,57 lần so với giai đoạn trước. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch đã đón 5,55 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 38,2 triệu lượt khách du lịch nội địa với tổng thu từ du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, đóng góp trực tiếp vào GDP 6,6%, tạo ra 750.000 việc làm trực tiếp trong tổng số 2,25 triệu việc làm liên quan đến du lịch… Tuy nhiên, chính sự tương đồng về tiềm năng cũng như các ưu tiên phát triển du lịch của các địa phương đã khiến sản phẩm du lịch bị trùng lặp, đơn điệu. Các tỉnh, thành vẫn đang loay hoay giữa phát triển và bảo tồn. Sự thiếu vắng các dịch vụ vui chơi giải trí bổ trợ, đã dẫn đến hiện tượng xung đột lợi ích giữa các khu du lịch ngay tại địa phương và giữa các địa phương đã gây khó khăn cho việc xây dựng chuỗi du lịch xuyên suốt đất nước; mặt khác gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu quốc gia dù đã có khá nhiều slogan như “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” hay “Việt Nam vẻ đẹp bất tận”...
Du lịch Việt Nam phải đi đầu trong hội nhập quốc tế Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam nhất quyết không lập “phố đèn đỏ”, không biến thành vùng đất casino tràn lan. Tất cả phải được quy hoạch, kiểm soát. Trong vòng 5 năm đến, sẽ không thành lập Bộ Du lịch như kiến nghị mà sẽ chỉ cấp phép thành lập sở du lịch ở những nơi có nền kinh tế du lịch thật sự mũi nhọn. Sẽ nhanh chóng mở rộng hộ chiếu điện tử, visa điện tử… Dư địa du lịch Việt Nam còn rất lớn. Có đủ khả năng để tăng trưởng cao trước sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Du lịch Việt Nam phải đi đầu trong hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xã hội hóa. Doanh nghiệp, người dân là chủ thể phát triển du lịch để tất cả mọi người cùng hưởng lợi trên nền tảng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện và hiếu khách. Sẽ tạo thuận lợi cho thị thực nhập cảnh, mở thêm nhiều đường bay trực tiếp quốc tế. Một quỹ hỗ trợ du lịch Việt Nam sẽ ra đời với việc Nhà nước cấp một nguồn kinh phí khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Số còn lại sẽ thu từ cấp thị thực, phát triển du lịch và quảng bá du lịch tập trung, không dàn trải, nhất là nhân sự kiện APEC năm 2017 tổ chức tại Việt Nam. |
Theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư, có thể thấy những liên kết giữa các địa phương lâu nay cũng chỉ là liên kết trong việc tổ chức các sự kiện. Còn sự liên kết để cùng phát triển chuỗi sản phẩm du lịch, từ khâu thiết kế sản phẩm, khai thác thị trường khách du lịch, phát triển dịch vụ gia tăng đến quảng bá, xúc tiến du lịch dường như vẫn còn là một khoảng trống khó lấp đầy. Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện, phát triển du lịch Việt Nam chưa tương xứng chính là do chưa giải quyết được ba vấn đề cốt lõi. Đó là các tỉnh, thành chưa thật sự hình thành mối liên kết toàn diện trong phát triển du lịch vùng, giữa các địa phương chéo với nhau. Các đơn vị quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch chưa tìm được tiếng nói chung. Quan trọng nhất vẫn là chất lượng phục vụ nhiều nơi chưa cao, hiệu suất sử dụng buồng phòng thấp, vẫn còn tình trạng “ăn xổi ở thì” ở số đông khách sạn khi thường xuyên nâng giá lưu trú, dịch vụ quá mức trong mùa du lịch cao điểm. Và thiếu nhiều điểm khác biệt đã khiến Việt Nam ì ạch phát triển, chịu cảnh nghèo ngay trên “mỏ vàng” của quê hương mình.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng chỉ ra 6 yếu kém, hạn chế của nội tại ngành du lịch. Đó là việc xúc tiến quảng bá hạn chế nguồn lực, hiệu quả; thiếu điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt để cạnh tranh các nước trong khu vực; bất cập quản lý điểm đến, môi trường du lịch; yếu số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; thiếu khai thác giá trị văn hóa, lịch sử và định hướng phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch bền vững dựa vào cộng đồng chưa thể hiện rõ…
Cần hoàn thiện thể chế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc liên tục đặt câu hỏi là tại sao du lịch Việt Nam nghèo ngay trên chính tài nguyên và không là quốc gia du lịch và làm gì để khách quay trở lại Việt Nam nhiều lần, đừng để khách “một đi không trở lại”… Các bộ, ngành, địa phương phải nhìn thấy được sự yếu kém của ngành du lịch để phát triển thành một nền kinh tế mũi nhọn. Không thể để du lịch đơn độc phát triển mà phải đề xuất cơ chế gì để gia tăng từ đóng góp 6,6% vào GDP lên 10% hay 15% mới là chuyện để bàn. Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã từng được xếp hạng 16/184 nước trên toàn cầu có tiềm năng du lịch trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là tại sao không thể biến thành một quốc gia du lịch thông qua tinh thần khởi nghiệp đã được phát đi từ Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ mấy tháng trước. Cần phải đặt mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước ASEAN.
Nhiều điểm đến du lịch có nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Cù Lao Chàm.Ảnh: MINH ĐỨC |
Khá nhiều ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng chính hành lang pháp lý, chính sách luôn ngắn hạn, thay đổi bất ngờ và sự hạn chế thị thực nhập cảnh… đã khiến cho doanh nghiệp du lịch khó có thể phát triển và Việt Nam đã không thật sự hấp dẫn với khách du lịch. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng chính sự thiếu tiền và nhất là thiếu cả ý tưởng đã khiến du lịch Việt Nam chậm phát triển. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, nếu chọn du lịch là nền kinh tế mũi nhọn thì xác định cho được là phải làm gì để thay đổi. Không thể để một vấn đề như Quỹ hỗ trợ du lịch đề đạt đã 10 năm mà không quyết được và không phải bất cứ ai, bất cứ đâu cũng có thể làm du lịch và chấm dứt du lịch đại trà…
Trước hàng loạt kiến nghị từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Việt Nam ở bất cứ đâu cũng có thể làm du lịch. Nhưng không phải bất cứ đâu cũng là nền kinh tế mũi nhọn. Phải chọn lựa những vùng, khu vực trọng điểm để đầu tư. Muốn phát triển du lịch thành công, điều đầu tiên là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thật sự thông thoáng cho cộng đồng du lịch và xây dựng một thương hiệu du lịch Việt Nam đậm đà bản sắc.
TRỊNH DŨNG