Thời gian qua, chuyện trùng tu di tích gây bức xúc trong dư luận như việc dùng xe cẩu “nhổ” hiện vật làm vỡ bia đá cổ ở đình Thổ Hà (Bắc Giang), thay đổi cảnh quan, làm mới bờ bao tháp Bánh Ít (Bình Định), chặt bỏ cây đa cổ ở Đình Chèm (Hà Nội), phá dỡ tòa nhà phong cách kiến trúc Pháp 61 Trần Phú - gần Quảng trường Ba Đình (Hà Nội)... Một lần nữa vấn đề giải quyết bài toán giữa bảo tồn di sản, phát huy di sản càng đặt ra bức thiết trong quản lý, vận hành các chính sách văn hóa chiếu theo Luật Di sản hiện hành.
Trung tuần tháng 3 vừa qua, người viết bài này có dự một cuộc hội thảo bàn về chủ đề “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống người Việt ở Quảng Nam” do Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, UBND Quảng Nam, Sở KH-CN phối hợp tổ chức.
Nhiều vấn đề bức thiết giữa bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị di tích được đặt ra đối với các di tích tín ngưỡng, tôn giáo ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó, đáng chú ý di tích được xếp hạng nhưng không có kinh phí cho việc bảo tồn nên đang xuống cấp trầm trọng, vấn nạn “trẻ hóa” di tích sau khi trùng tu và cuối cùng là việc xây cất tùy tiện những công trình mới trong khuôn viên di tích làm sai lệch cảnh quan gốc khi lập hồ sơ để được các cơ quan hữu quan xét duyệt xếp hạng di tích.
Đây là những vấn nạn dài kỳ của bảo tồn và phát triển khi sự phối hợp giữa cơ quan quản lý di tích với chủ nhân các di tích chưa đồng bộ, đồng thuận, thống nhất và các cơ chế giám sát, chế tài trong việc trùng tu, trong việc “xây mới” còn lỏng lẻo.
Chẳng nói đâu xa, khi xin giấy phép xây dựng, sửa chữa đã có tình trạng nhiều di tích mà phần lớn rơi vào các di tích chưa được xếp hạng đã được cấp phép xây dựng các công trình mới theo Luật Xây dựng...
Ngay một đô thị di sản văn hóa như Hội An, việc tôn tạo trùng tu các công trình tín ngưỡng cũng gây nhiều quan ngại khi các công trình mới lấn át, làm mất cảnh quan gốc của di tích cổ. Đơn cử, việc xây dựng dãy nhà tăng quanh chánh điện chùa cổ Chúc Thánh (niên đại những năm 1696 - 1697), đặc biệt tam quan chùa cổ/cũ “nguyên gốc” trong hồ sơ di tích bị tường rào mới che khuất trong lần đại trùng tu từ 2005 đến 2009.
Bây giờ nếu không vào bên trong khuôn viên, những người yêu “nếp cũ chùa xưa” khó mà thưởng lãm một tác phẩm kiến trúc giàu giá trị văn hóa, lịch sử của tam quan cổ... Cũng tại Hội An, di tích theo phong cách Pháp - Việt thời kỳ Đông Dương tại 129 Phan Châu Trinh cứ xuống cấp theo thời gian. Bởi cả chục năm nay-người chủ mới cứ muốn làm mới, thay đổi hiện trạng di tích trong khi công trình nằm trong diện bảo tồn nghiêm ngặt.
Nhiều người yêu thích kiến trúc xem đây là ‘vấn nạn tiêu biểu” của việc Hội An thiếu một cơ chế đặc thù trong công tác bảo tồn, phát huy di sản khi một di tích kiến trúc có giá trị văn hóa kiến trúc nằm ở trung tâm phố cổ cứ ngày càng hoang phế.
Mượn câu thơ xưa của Bà Huyện Thanh Quan (Thăng Long thành hoài cổ): “nền cũ, lâu đài bóng tịch dương” để than thở giùm cho di sản cha ông, xin đừng để di tích mất đi rồi mới “rút kinh nghiệm sâu sắc”...